Vẫn nhức nhối nạn bạo lực gia đình

(ANTĐ) - Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực gia đình trong những năm qua đã và đang diễn ra phổ biến, bất bình đẳng giới còn tồn tại ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, người gánh chịu nhiều nhất là phụ nữ, trẻ em.

Vẫn nhức nhối nạn bạo lực gia đình

(ANTĐ) - Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực gia đình trong những năm qua đã và đang diễn ra phổ biến, bất bình đẳng giới còn tồn tại ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, người gánh chịu nhiều nhất là phụ nữ, trẻ em.

Nghiên cứu khảo sát về gia đình Việt Nam của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện nghiên cứu về gia đình và giới và Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc cho thấy hiện nay ở Việt Nam có tới 21,2% các cặp vợ chồng đã từng trải qua một dạng bạo lực gia đình nào đó như đánh đập, nhục mạ hay cưỡng ép tình dục. Trong 12 tháng qua, có 26,2% các bà vợ “không nói chuyện và hờn dỗi” trong vài ngày, so với con số này ở các ông chồng là 16,7%. Cứ 5 cặp vợ chồng thì có 1 cặp từng trải qua các hình thức bạo lực gia đình nghiêm trọng nhất. Phụ nữ thường là đối tượng của bạo lực, bởi chỉ có 0,6% phụ nữ đánh chồng so với 3,4% số nam giới đánh vợ. Trong các trường hợp bạo lực gia đình, các cặp vợ chồng hiếm khi chia sẻ vấn đề của họ với bố mẹ, bạn bè hoặc chính quyền do lo sợ bị mất mặt hoặc “vạch áo cho người xem lưng”.

Chị Nguyễn Thị T ở Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội làm nghề bán rau, chồng sửa xe. Cuộc sống khó khăn nhưng anh chồng lại nghiện rượu. Những khi kiếm được kha khá tiền, anh chồng lại tự “thưởng” một chầu rượu, uống đến say xỉn. Sau mỗi lần như thế, những trận đòn vô cớ lại trút xuống đầu chị, nhiều đêm sau khi đánh vợ thừa sống thiếu chết, anh ta còn làm nhục vợ trên giường. Nhưng vì xấu hổ, chị T cứ âm thầm chịu đựng, chỉ đến khi có lần bị chồng đánh liệt giường suốt một tháng, chị mới dám tố cáo với chính quyền địa phương.

Chị Trịnh Thị Y, 43 tuổi ở Yên Mỹ, Hưng Yên vốn là người đàn bà lam lũ, chịu thương chịu khó. Chị Y chấp nhận vất vả, một mình bươn chải để gánh vác cả gia đình và người chồng chỉ quen thói ăn chơi. Hàng xóm khó mà tin chuyện chị thường xuyên bị chồng đánh đập bởi trước mặt mọi người, anh ta luôn tỏ ra là một người đàn ông nhã nhặn, chu đáo với gia đình, yêu chiều vợ con. Nhưng khi cánh cửa nhà khép lại là muôn vàn những trận đòn mà chị đã phải cắn răng chịu đựng suốt 20 năm qua. Không chia sẻ với những lo toan, vất vả của vợ, anh ta còn tìm mọi thủ đoạn, thậm chí là hèn hạ để chiếm đoạt và quản lý số tài sản do một tay vợ gây dựng.

Một lần, anh ta đã đưa vợ vào tròng với một người đàn ông là bạn hàng để bắt vợ phải ký vào giấy xác nhận tất cả tài sản thuộc về chồng, hành hạ vợ bằng những trận đòn thô bạo. Vì tương lai của hai đứa con, chị Y nhẫn nhục trong tủi hờn, không dám hé răng với ai. Nhưng sự nhẫn nhịn của chị lại khiến người chồng ngày càng đối xử cạn tình và biến vợ thành một thứ đồ chơi để anh ta thượng cẳng chân, hạ cẳng tay mỗi khi bực tức. Và đến một buổi chiều, người chồng vũ phu đã dùng mũ bảo hiểm đập vào mặt, vào người vợ không thương tiếc. Chị Y được dân làng đưa đi cấp cứu với những vết bầm tím trên mặt và người, tụ máu da đầu đỉnh chẩm, chấn thương sọ não nặng…

Bạo lực gia đình còn có thể làm tan vỡ, hủy hoại các gia đình. Theo khảo sát nghiên cứu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, khi trẻ chưa thành niên chứng kiến bố mẹ chúng có hành vi bạo lực, 85,4% trong số đó cho thấy có biểu hiện chán nản, lo lắng, 20% cảm thấy sợ hãi, 8,5% không hiểu nổi bố mẹ mình và 4,2% mất đi sự tôn trọng bố mẹ. Thậm chí hơn 5,5% còn lại còn muốn chạy trốn hoặc bỏ nhà ra đi. Trong những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn do bạo lực gia đình đang gia tăng đáng kể tại Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Theo một báo cáo tổng hợp của Tòa án nhân dân tối cao, sau 8 năm thực hiện Luật hôn nhân và gia đình, 32% các vụ ly hôn do bạo lực gia đình gây ra là tại Hà Nội, 31% tại Hải Phòng và 10% tại TP.HCM. Cũng theo báo cáo này, 46% trong tổng số các trường hợp ly hôn là do bạo lực gia đình gây ra.

Ngày 29-11-2006, Luật về bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua và ngày 21-11-2007, Luật Phòng chống bạo lực gia đình cũng đã ra đời, đồng thời Nhà nước và Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản pháp luật, có chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm đến quyền của phụ nữ. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc phấn đấu vì bình đẳng giới và chống bạo lực gia đình. Chính phủ Việt Nam với sự cộng tác và trợ giúp của các tổ chức quốc tế đã và đang có nhiều chương trình, biện pháp phòng chống bạo lực gia đình.

Một số dự án lớn đã được triển khai quy mô trên toàn quốc trong đó có Dự án phòng chống bạo lực gia đình do Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) tài trợ, do Tổng cục Cảnh sát chủ trì phối hợp được triển khai từ cuối năm 2008. Một số kết quả quan trọng bước đầu đã đạt được. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình tại Việt Nam vẫn còn có nhiều điều quan ngại. Do vậy, Chính phủ và các ban ngành, các lực lượng có liên quan cần nỗ lực và có các biện pháp hữu hiệu hơn nữa nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức dẫn đến hành động thực tế của toàn xã hội trong việc thực hiện bình đẳng giới và chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Hoàng Đoàn