Vẫn nên giữ nguyên quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự

ANTD.VN - Thực hiện quy trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015, mới đây, TAND Tối cao đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Chánh án TAND TP Hà Nội - Nguyễn Hữu Chính phát biểu đóng góp ý kiến sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm nhiều nhất vẫn là phạm vi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội. Đặc biệt là đối với 3 tội danh: “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, “Hiếp dâm” và “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Bởi quá trình soạn thảo vẫn còn những ý kiến khác nhau. Trong đó, có ý kiến đề nghị những người ở độ tuổi trên vẫn phải chịu TNHS đối với 3 tội danh vừa nêu. Trái lại, ý kiến khác thì đề xuất không xử lý bằng hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi 3 tội danh tương ứng vì đây đều thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng. 

Không thể bắt con trẻ gánh lỗi người lớn

Bày tỏ quan điểm của mình về độ tuổi chịu TNHS (từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi) đối với các tội danh nêu trên, TS. Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh - Phạm Minh Tuyên là người nghiêng hẳn về quan điểm thứ hai. “Trong quá trình thảo luận, có quan điểm cho rằng cần thiết phải quy định xử lý bằng hình sự đối với độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 để ngăn chặn bạo lực học đường.

Tuy nhiên, tôi cho rằng điều đó không được. Bởi bạo lực học đường xảy ra phần lớn là do lỗi của chúng ta, lỗi của người lớn, của nhà trường, của gia đình và của xã hội. Vì thế không thể bắt con trẻ phải gánh cái lỗi đó được. Vấn đề nữa là không xử lý bằng hình sự đối với độ tuổi này còn để phù hợp với công ước quốc tế” - Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh nhìn nhận. Theo TS. Phạm Minh Tuyên, tội “Cố ý gây thương tích” (Điều 134), nếu hành vi phạm tội ở khoản 1 thì phải khởi tố theo yêu cầu của bị hại. 

Bàn về độ tuổi chịu TNHS, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh cũng bày tỏ sự tán đồng với quy định hiện hành là chỉ xử lý hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đối người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Ngoài ra theo TS. Phạm Minh Tuyên, dự thảo còn có quy định về tỷ lệ gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe không sát với thực tế.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hình sự nên giữ nguyên quy định của BLHS năm 1999 về độ tuổi chịu TNHS. Cụ thể là người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Chánh án TAND TP Hà Nội - Nguyễn Hữu Chính

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất nóng, rất bức xúc. Thậm chí trên nghị trường có đại biểu Quốc hội còn nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa gần hơn bao giờ hết nhưng chúng ta vẫn đề ra quy định rườm rà trong quá trình xử lý.

Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh - Phạm Minh Tuyên

Cụ thể là, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 121% đến 200%. “Với quy định này, có thể thấy một trong hai người hoặc cả hai người bị gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe lên tới 100%. Trong khi đó, con người ta vốn chỉ có 100% sức khỏe mà lại bị mất 100% sức khỏe thì là tử thi rồi, như vậy là không hợp lý”, TS. Phạm Minh Tuyên nêu vấn đề.

Đồng quan điểm với người đồng cấp, Chánh án TAND TP Hà Nội - Nguyễn Hữu Chính đề nghị, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hình sự nên giữ nguyên quy định của BLHS năm 1999 về độ tuổi chịu TNHS. Cụ thể là người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Bởi theo vị Chánh án TAND TP Hà Nội, cả hai phương án quy định trong dự thảo đều không phù hợp. Ông Nguyễn Hữu Chính cho rằng mong muốn của nhà làm luật là giảm việc chịu TNHS của người chưa thành niên nhưng căn cứ đưa ra chưa đủ, liệt kê chưa hết và đặc biệt là một số tội về an ninh quốc gia. Như vậy người chưa thành niên sẽ dễ bị các thế lực phản động lợi dụng, xúi giục thực hiện hành vi phạm tội. Còn nếu xử bằng hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với các tội danh trên, trong cả trường hợp ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng thì cũng không phù hợp với tình hình thực tế cũng như xu hướng hiện nay.  

Tán đồng ý kiến của đại diện ngành Tòa án hai địa phương nêu trên, Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng - Phạm Đức Tuyên cũng nhìn nhận, chưa nên thay đổi chính sách hình sự đối với người chưa thành niên. “Vì hiện nay, tình hình tội phạm lợi dụng trẻ em, trong đó có khủng bố rất phức tạp. Do đó, cần giữ nguyên quy định như BLHS năm 1999” - đại diện ngành Tòa án Hải Phòng bày tỏ.

Tội phạm an toàn thực phẩm nên cấu thành hình thức

Cũng tại Hội nghị đóng góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, đề cập đến Điều 317 -  tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” (ATTP), TS. Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh - Phạm Minh Tuyên cho biết, theo Bộ luật Hình sự hiện hành thì loại tội phạm này được quy định tại Điều 244 và đây là tội phạm cấu thành về mặt vật chất.

Nghĩa là người phạm tội có hành vi sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm khiến người khác ăn phải sản phẩm dẫn đến bị tổn hại một tỷ lệ % sức khỏe nhất định thì mới bị xử lý. Do đó mà từ trước tới nay hầu như không xử lý được trường hợp nào về tội danh này, mặc dù vi phạm tràn lan. 

Nhìn nhận về quy định mới trong Dự luật hiện nay, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh - Phạm Minh Tuyên cho rằng vẫn chưa hợp lý và rất khó thực hiện. “Tùy theo từng giai đoạn nhất định mà có chính sách hình sự phù hợp để đấu tranh với tội phạm. Vấn đề vệ sinh ATTP đang rất nóng, rất bức xúc. Thậm chí trên nghị trường có đại biểu Quốc hội còn nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa gần hơn bao giờ hết nhưng chúng ta vẫn đề ra quy định rườm rà trong quá trình xử lý” - TS. Phạm Minh Tuyên băn khoăn.

Chỉ ra những bất hợp lý về đường lối cũng như quy trình xử lý loại tội phạm này, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, hậu quả của hành vi vi phạm ATTP là ngấm dần vào cơ thể, rồi chết dần chết mòn, chứ không phải xảy ra tức thì. Chính vì về mà trong cấu thành cơ bản của tội phạm ATTP nên cấu thành hình thức, chứ không nên cấu thành vật chất như hiện nay. Còn hậu quả xảy ra và lượng hóa cụ thể cần thể chế thành các tình tiết tăng nặng định khung. 

Bên cạnh những ý kiến đóng góp nêu trên tại hội nghị, góp ý về Điều 159 - tội “Xâm hại chỗ ở của người khác”, một số đại biểu phân tích, điều luật này xác định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn trái pháp luật buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của mình là không hợp lý. Bởi theo đó thì thấy, cấu thành thứ nhất của điều luật là phải có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác và cấu thành thứ hai là phải buộc người khác rời khỏi “nơi ở hợp pháp” của họ mới được coi là tội phạm.

Một số đại biểu băn khoăn, nếu nhìn nhận “chỗ ở hợp pháp” thực sự thì hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều người ở nhưng chưa hợp pháp như lấn chiếm đất đai hoặc ở mà không có giấy tờ gì. Giả sử nếu ai đó có hành vi xâm phạm vào chỗ ở chưa hợp pháp này thì chiểu theo quy định trong Dự luật, người có hành vi xâm phạm đó hoàn toàn không có tội.  “Quy định như vậy là hở, vô tình để cho đối tượng đến đòi nợ hoặc đến đòi nhà của người dân. Do đó, cần phải điều chỉnh lại điều luật này với việc chỉ cần quy định xâm phạm chỗ ở của người khác là đủ mà không cần đưa từ  “hợp pháp” vào” - một đại biểu góp ý kiến.

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, tội phạm được phân thành 4 loại sau đây:

1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm;

2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 3 năm đến 7 năm tù;

3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 7 năm đến 15 năm tù;

4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

(Điều 9 - BLHS năm 2015)