Vẫn nặng gánh lãi suất

ANTĐ - Một số ngân hàng lớn đã có những bước đi đầu tiên trong việc giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, mức giảm vẫn còn khá dè dặt và lãi suất cao vẫn là một gánh nặng chưa được giải tỏa.

Các doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng lãi suất sẽ giảm

Giảm nhưng vẫn nhỏ giọt

Thông tin về việc điều chỉnh lãi suất cho vay gần đây được phát đi từ Ngân hàng TMCM Ngoại thương (Vietcom bank). Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, ngân hàng đã thống nhất về chủ trương giảm lãi suất cho vay với mặt bằng chung 2%. Chủ trương này được đưa ra ngày 9-2 và hiện đã bắt đầu áp dụng tại một số chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc.

Cụ thể, lãi suất cho vay VND với đối tượng khách hàng doanh nghiệp sẽ giảm từ 19%/năm xuống còn 17%/năm. Đối với một số lĩnh vực, lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm xuống mức 16 - 16,5%/năm. Các doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là đối tượng được lựa chọn để cho vay với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, một số lĩnh vực và doanh nghiệp có độ rủi ro thấp, có thể được vay với lãi suất 15 - 15,5%/năm. Vietcom bank cũng sẽ hạ lãi suất cho vay phục vụ tiêu dùng với mức giảm 0,5 - 1%/năm cho cả các khoản vay ngắn, trung và dài hạn, mức lãi suất này sẽ 18 - 19%/năm.

Trước đó, BIDV được xem là ngân hàng tiên phong có chủ trương giảm lãi suất. Sau một số lần điều chỉnh, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp tại ngân hàng này đang ở mức 18 - 18,5%/năm. Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu... được vay với lãi suất ưu đãi ở mức 15,5 - 17%/năm.

Động thái giảm lãi suất mới bắt đầu từ phía các ngân hàng lớn nhưng cũng tạo ra những tia hy vọng đối với các doanh nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo NHNN giải quyết vấn đề thanh khoản trong hệ thống ngân hàng trong quý I và yêu cầu NHNN theo dõi chặt chẽ thị trường để giảm lãi suất cho vay vào thời điểm hợp lý.

Anh Nguyễn Việt Phương - Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất cho biết, công ty đã vay 800 triệu đồng vào tháng 8 năm 2011 với lãi suất 23,5%/năm. Với chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ và NHNN, lãi suất của khoản vay trên đã được điều chỉnh xuống 20,5%/năm. “Mặc dù được điều chỉnh giảm, nhưng với mức giảm này doanh nghiệp vẫn phải xoay xở rất khó khăn để làm ăn có lãi và trả nợ ngân hàng. Vẫn biết không thể kỳ vọng lãi suất sẽ giảm mạnh nhưng chúng tôi vẫn hy vọng lãi suất sẽ giảm thêm trong thời gian tới”- anh Phương chia sẻ.

Có thêm cơ sở

Tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN cho biết, mức lạm phát giữ được như hiện nay là tiền đề tốt để ngân hàng có thể hạ lãi suất trong thời gian tới. “Với mức tăng 1% của CPI trong tháng 1 đã tạo tiền đề tốt để thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải cân nhắc về thời điểm để tiến hành điều chỉnh, tránh gây tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô” - bà Hồng đánh giá.

Tuy nhiên, theo đại diện một số ngân hàng thì hiện nay vấn đề thanh khoản mới chỉ bước đầu tạm ổn, một số ngân hàng nhỏ thanh khoản vẫn chưa tốt, đây cũng là một trở ngại đối với việc giảm lãi suất. Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết: “Mặt bằng lãi suất chỉ có thể giảm chút ít, do các ngân hàng phải gánh chi phí đầu vào quá cao. Một số ngân hàng thiếu thanh khoản vẫn tìm cách vượt trần lãi suất huy động, gây sức ép thanh khoản lên thị trường ngân hàng, đồng thời tác động đến mục tiêu giảm dần mặt bằng lãi suất của cả hệ thống”.

Ông Nguyễn Trọng Tài - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngân hàng - Học viện Ngân hàng cho rằng: “NHNN đã khẳng định nâng cao tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng bằng cách mạnh tay hơn trong việc cung tiền để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc cung tiền sẽ ở mức độ phù hợp để tránh ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Cung tiền sẽ không được thực hiện trên diện rộng mà sẽ khoanh vùng. Nếu lộ trình này được thực hiện nghiêm chỉnh, tôi tin tưởng sẽ có cơ sở tốt cho việc giảm lãi suất”.

Các chuyên gia cho rằng, tình hình lạm phát đã bước đầu được kiềm chế, như vậy vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là thanh khoản. Khi vấn đề thanh khoản được giải quyết chắc chắn lãi suất sẽ được điều chỉnh đi xuống.