Vẫn “nằm trên giấy”

ANTĐ - Chỉ ít ngày sau khi Thông tư của Bộ Y tế quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có hiệu lực, dư luận đã phản ứng khá mạnh. Quy định ngặt nghèo về vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng là rất cần thiết, còn khi đi vào cuộc sống, Thông tư này cũng chẳng khác gì văn bản cấm hút thuốc lá nơi công cộng hay gần đây là cấm rượu “quốc lủi”.

Phải thừa nhận rằng, những quy định cụ thể, chi tiết đến mức chi li của Thông tư 30 nếu như thực hiện được thì quả thật là tuyệt vời, lý tưởng: “Bộ mặt” ẩm thực của các thành phố, đô thị trên cả nước sẽ đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các nước văn minh, hiện đại. Người dân và du khách nước ngoài hoàn toàn có thể “yên dạ” khi thưởng thức các món ăn. Tuy nhiên, ngay sau khi Thông tư có hiệu lực, hầu như những người kinh doanh ở Hà Nội, TP.HCM không hề biết, ngay cả các cơ quan chức năng về y tế, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thú y cũng không hay. Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng, thực hiện được như Thông tư 30 là không dễ dàng, nhưng đó là hướng đi để cơ quan quản lý tăng cường đôn đốc. Ở Hà Nội, việc thực hiện càng khó vì thói quen ăn uống của người dân rất khác nhau, nhiều người lại thích ăn ở vỉa hè.

Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, các đoàn kiểm tra vệ sinh thực phẩm hầu hết đều tập trung kiểm tra sản xuất, kinh doanh thực phẩm Tết nên chưa triển khai Thông tư 30. Còn Phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thì nhấn mạnh, do phần lớn các hộ kinh doanh thức ăn đường phố là người nghèo, làm ăn tự phát và phục vụ chủ yếu cho người lao động, người nghèo nên việc thực thi Thông tư sẽ khó khả thi nếu o ép thực hiện các quy định trong ngày một ngày hai.

Thống kê sơ bộ, TP.HCM hiện có hơn 28.000 điểm bán thức ăn đường phố. Song cơ quan chức năng chỉ quản lý được những điểm bán cố định. Hàng rong rất khó quản và xử lý vi phạm vì họ “di động” khắp nơi.

Ở Hà Nội có khoảng 47.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có tới 26.000 cơ sở kinh doanh ăn uống đường phố. Ăn uống vỉa hè dường như đã trở thành thói quen, sở thích của một bộ phận không nhỏ người dân. Hơn thế, đây còn là kế sinh nhai của nhiều người lao động nghèo. Những quy định không phải ai cũng thực hiện được, chẳng hạn thức ăn phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh chống được bụi, ruồi nhặng, nguyên liệu chế biến thực phẩm phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Chưa hết, người bán hàng phải được tập huấn, khám sức khỏe, có giấy chứng nhận đủ điều kiện… Năm 2005, Bộ Y tế cũng đã ban hành những quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống và cố định nhưng mọi quy định vẫn nằm trên giấy, cho tới nay lại đưa ra một văn bản mới, liệu có rơi vào quên lãng?

Không thể “thả nổi” vệ sinh an toàn thực phẩm đường phố, muốn siết chặt thì nên làm từng bước, mọi quy định phải sát… đường phố, vỉa hè, đặc biệt là sát sườn đời sống của hàng nghìn người dân kiếm sống bằng gánh hàng rong, buôn bán vặt. Đó là chưa nói tới lực lượng kiểm tra, giám sát, xử lý có kham nổi hay không. Quy định sẽ chỉ là văn bản thiếu thực tế cuộc sống, thiếu khả thi khi người soạn thảo chính sách vẫn “nằm trên giấy”(!?)