Vẫn “một mình một chợ”

ANTĐ - Đúng vào lúc hạn hán lên đến đỉnh điểm và trên diện rộng, báo hiệu nguy cơ tái diễn tình trạng thiếu điện trầm trọng năm nay, Bộ Công Thương công bố Dự thảo quyết định quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá điện bán lẻ. Đồng thời Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng lên tiếng kêu ca về áp lực tăng giá điện do phải chạy dầu để phát điện cung ứng cho mùa khô. Hiện tại, mực nước hồ thủy điện trên cả nước thấp hơn mực dâng bình thường, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Theo EVN, mặc dù đã chủ động tích nước từ sớm nhưng tổng lượng nước các hồ thủy điện vẫn thiếu hụt so với mực bình thường khoảng 5,297 tỷ m3, miền Bắc hụt 1,9 tỷ m3, miền Trung 2,623 tỷ m3, đặc biệt miền Nam tình hình cung cấp điện sẽ căng thẳng do năm nay không có nguồn phát điện mới. Vì vậy, EVN dự kiến sẽ phải huy động 1,13 tỷ kWh bằng nguồn điện dầu cho mùa khô 2013 với chi phí giá thành cao gấp nhiều lần so với nhiệt điện than, khí vào khoảng 4.000-5.000 đồng/kWh nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc tăng giá thành sản xuất điện. Đã thành quy luật, hàng năm từ tháng 3 đến tháng 6 là giai đoạn nắng nóng dữ dội ở miền Bắc và miền Nam nên nhu cầu dùng điện tăng vọt và “điệp khúc” tăng giá lại diễn ra.

Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia, hiện giá than bán cho điện chỉ chiếm khoảng 70% giá thành. Mỗi năm ngành than phải bù lỗ cho ngành điện gần 7.000 tỷ đồng nên xu hướng tăng giá than theo giá thị trường là không thể tránh khỏi, ngành than không thể bù lỗ cho điện mãi được. Song, sản lượng điện do EVN sản xuất đang có xu hướng giảm mạnh, trong khi giá than đầu vào tăng bằng giá thành sản xuất. Điều này có nghĩa EVN lại “đòi” tăng giá điện để bù lỗ. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 4-2011, việc điều chỉnh giá điện phải căn cứ vào chi phí đầu vào, nhiên liệu, tỷ giá để xác định giá bán lẻ.

Điều này đồng nghĩa với việc giá điện có thể tăng lẫn giảm, chứ không chỉ có một chiều tăng. Trên thực tế, giá điện chỉ có tăng mà chưa lần nào giảm, thậm chí ở những thời điểm giá các loại nhiên liệu đầu vào không tăng và nguồn điện dư thừa. Năm 2012, giá điện được đẩy lên 2 lần, sau khi tăng 5%, mức giá điện bình quân từ 1.369 đồng/kWh lên 1.437 đồng. Trong Dự thảo về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá điện bán lẻ vừa công bố, việc EVN tính toán và đề xuất được điều chỉnh giá điện 5% với thời hạn xem xét 3 tháng/lần đã gặp sự phản ứng của các chuyên gia kinh tế. Họ cho rằng, để cân đối được cả mức tăng giá, tần suất tăng và thời điểm tăng giá, không nên để cho EVN tự quyết dù ở mức 5%. Đã là cơ chế thị trường thì phải có lúc tăng giá, giảm giá. Song, từ trước tới nay EVN chưa bao giờ giảm giá mà chỉ có tăng. Ở nước ta chưa có thị trường điện thực sự, thị trường phát điện cạnh tranh đã vận hành từ tháng 7-2012 nhưng cho tới nay vẫn chưa có thị trường đích thực.

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đã có bản khuyến nghị rằng, cần cân nhắc điều chỉnh giá điện theo 4 giá: phát điện, truyền tải, phân phối và bán lẻ, đồng thời sớm hoàn thiện bộ tiêu chí về các chi phí cơ bản trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Nếu ngành điện vẫn “một mình một chợ” thì khó mà minh bạch và không thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, sản xuất.