“Vạn lý trường thành” Ukraine: Sự đoạn tuyệt với quá khứ Nga/Xô Viết

ANTĐ - Ukraine vừa đưa ra dự trù chi phí xây dựng dự án “Bức tường” (Stena) trên biên giới với Nga, nhằm cắt đứt quan hệ giữa hai bên cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bức tường vật chất ngăn cách biên giới 2 nước Nga-Ukraine

Theo tính toán của các chuyên gia nước này, công trình xây dựng “Bức tường” trên biên giới với Nga sẽ khiến Ukraine tốn phí chừng 4 tỷ grivna (gần 200 triệu USD). Dự toán này được công bố trên website của Văn phòng nội các Ukraine, giảm nhiều so với tính toán hồi cuối năm 2014.

Trong tài liệu dự toán nói rõ, chiều dài của bức tường ngăn là gần 2.000 km, và thời gian xây dựng sẽ mất ít nhất 3 năm. Theo kế hoạch, khoảng 1/4 kinh phí xây dựng được chi ngay trong năm nay.

Trong kế hoạch lần này, chiều dài của “Bức tường” đã giảm đi vài trăm km, ứng với điều kiện thực tế là sau khi thỏa thuận Minsk 2 được ký kết, 2 nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk (DPR và LPR) tự xưng đang kiểm soát thực tế 409km đường biên giới với Nga.

Bức tường ngăn biên giới Nga - Ukraine sẽ được gia cố gồm cả hào chống tăng, chiều rộng 4 mét và chiều sâu 2 mét. Ngoài ra, dọc theo công trình còn trang bị hệ thống tín hiệu báo động và các phương tiện theo dõi, cùng với các tháp quan sát 17 mét và các đồn lũy dành cho lính biên phòng dọc dải tường thành.

Ukraine đã triển khai kế hoạch xây dựng “vạn lý trường thành” ngăn cách biên giới với nước Nga

Bắt đầu từ tháng 9-2014, Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk đã cho triển khai kế hoạch xây dựng “Vạn lý trường thành” trên biên giới Nga-Ukraine. Bản kế hoạch này được ông xây dựng với ý tưởng triển khai một tuyến phân định biên giới với Nga (gọi là Stena), nhằm cách ly đông nam Ukraine với Nga.

Kiev cho rằng, kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, đường biên giới dài giữa Nga và Ukraine đã tồn tại những lỗ hổng lớn, đã giúp cho vũ khí và các tay súng Nga dễ dàng đi vào lãnh thổ Ukraine. Vì vậy, nước này cần phải triển khai dự án này nhằm xây dựng một “đường biên giới quốc gia thực sự” giữa 2 nước.

Theo kế hoạch được nêu trong Chương trình “Stena”, “Bức tường” sẽ tạo ra hai tuyến phòng thủ, có chiều dài 2.295km. Đại bộ phận khối lượng công việc là khoảng 500 km giao thông hào, hơn 8.000 hố dành cho phương tiện quân sự, hơn 4.000 hầm và khoảng 60km hào chống tăng.

Tuy nhiên, bản kế hoạch này được các chuyên gia quân sự đánh giá là thiếu thực tế, nếu xét cả về chiều dài của “Bức tường”, lúc đó Kiev tính cả dải biên giới mà 2 nước Cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk đang kiểm soát, cùng với cách tính toán ngân sách xây dựng.

Binh lính Ukraine tuần tra trên đường biên giới giữa 2 nước

Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng biên giới với Nga có thể khiến Ukraine phải chi ra nguồn ngân sách lên tới hàng tỷ USD trong bối cảnh Ukraine đang có mức nợ công kinh hoàng với con số hơn 72 tỷ USD.

Sự đoạn tuyệt với quá khứ và ý thức hệ Liên Xô/Nga

Được biết, Kế hoạch xây dựng “Bức tường” biên giới chia cắt Nga và Ukraine là ý tưởng của tỷ phú Ukraine Igor Kolomoisky, Thống đốc vùng Dnipropetrovsk - một đồng minh quan trọng của Thủ tướng Ukraine đệ trình lên và được ông Yatsenyuk chấp thuận và triển khai thành hành động thực tế.

Song song với việc xây dựng một bức từng ngăn cách biên giới thực tế, vị Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk còn đưa ra những rào cản thực sự trong quan hệ giữa 2 nước về cả ý thức hệ, bằng những tuyên bố xuyên tạc Lịch sử Thế chiến 2 và xét lại công lao của Hồng quân Liên Xô.

Ngoài ra, ông Yatsenyuk còn cho rằng, Ukraine cần phải có một quan điểm quân sự mới, phản ánh "Nga là một nhà nước khủng bố, “Nga là một quốc gia xâm lược", "đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của nước này và sẽ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế".

Thủ tướng Yatsenyuk thị sát công trình “Vạn lý trường thành”

Trong thời gian qua, Ukraine liên tiếp có những chủ trương, chính sách mang tính chất xóa bỏ quá khứ,  ví dụ như kêu gọi xét lại công lao của Hồng quân, sửa sách giáo khoa về kết quả Thế chiến 2, xóa bỏ tên các địa danh, phá bỏ các di tích gắn liền với những nhân vật lịch sử Liên Xô…

Mới đây nhất, ngày 16-5, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã ký đạo luật bãi bỏ hiệu lực của Sắc luật "Về lưu danh muôn thủa Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại những năm 1941-1945", từ bỏ thuật ngữ "Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại" và thay nó bằng Chiến tranh thế giới thứ 2.

Đồng thời, đạo luật này sẽ gọi ngày 9 tháng 5 là "Ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến II". Theo sắc luật mới, sẽ bãi bỏ việc sử dụng các biểu tượng của Liên Xô tại các buổi lễ tưởng niệm liệt sĩ hi sinh trong những năm Thế chiến II.

Việc xây một hàng rào biên giới, dù nó chắc chắn đến như thế nào cũng không khó để vượt qua nhưng những rào cản về ý thức hệ, quan điểm thù địch giữa hai dân tộc mới là hố sâu ngăn cách không thể san lấp.

Có thể nói rằng với việc xây dựng “Vạn lý trường thành” trên biên giới và những chính sách xét lại lịch sử, Ukraine đã quyết tâm cắt đứt mối quan hệ tốt đẹp với Nga trong hơn 20 năm qua và đoạn tuyệt quá khứ gần 100 năm gắn liền với Liên bang Xô Viết.