Vẫn lo an toàn thực phẩm

ANTD.VN - Năm sắp hết, Tết đang rậm rịch đến gần, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các siêu thị, trung tâm thương mại đang hối hả chuẩn bị hàng Tết để phục vụ người dân mua sắm, tiêu dùng vào cao điểm nhất trong năm.

Hàng hóa xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là đòi hỏi được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Nỗi lo thực phẩm, đồ uống, bánh mứt kẹo “bẩn” ám ảnh hàng ngày liệu có giảm so với những Tết năm trước?

Dự kiến sức mua trên thị trường Hà Nội, TP.HCM trước, trong và sau Tết tăng 15% so với năm trước, tăng cao nhất là nhóm thực phẩm tươi sống như rau củ quả, trái cây, các loại thịt và nước giải khát, bia. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hệ thống bán lẻ đã phối hợp với các cơ sở sản xuất, nhà cung cấp ráo riết chuẩn bị nguồn hàng Tết dồi dào, an toàn.

Nhiều doanh nghiệp cung ứng cùng các đối tác cam kết tham gia bình ổn giá, đưa hàng Việt chất lượng cao tới tận tay người tiêu dùng. Một số hệ thống siêu thị dự kiến trong dịp Tết Mậu Tuất sẽ tổ chức các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người lao động tại các khu công nghiệp.

Cũng như Tết cổ truyền mấy năm gần đây, lượng hàng hóa luôn đủ đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, hầu như không diễn ra tình trạng “thổi giá”, “cháy hàng” trước và sau Tết. Dư luận ghi nhận, “chấm điểm” cao cho sự nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan quản lý điều hành, kiểm soát thị trường.Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo tăng cường công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, nhiều chuyên gia luật cho rằng, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên khó có thể ngăn chặn, đẩy lùi thực trạng này.

Một hành vi vi phạm có thể xử lý ở nhiều mức phạt khác nhau, nên khi áp dụng, cơ quan chức năng xử lý rất lúng túng. Tình trạng hàng giả, hàng nhái vi phạm ngày càng phức tạp, tinh vi, song kết quả xử lý, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái chưa tương xứng với mong muốn và kỳ vọng của người dân. Tương tự, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, mặc dù mức xử phạt đã tăng lên, thậm chí có thể truy tố hình sự, song chưa có vụ việc điển hình nào được đưa ra xét xử “làm gương”.

Tình trạng “nhờn luật”, coi thường sức khỏe, tính mạng của người dân vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Trong khi đó, lực lượng giám sát, kiểm tra truy nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, sản phẩm lại vừa mỏng, vừa yếu. Hơn thế, sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành, chính quyền cấp phường, xã chẳng những thiếu đồng bộ mà còn dẫm chân lên nhau.

“Quả bóng trách nhiệm” về an toàn thực phẩm lại được chuyền đi chuyền lại qua 3 bộ chủ quản. Mặc dù lòng tin của người tiêu dùng vào an toàn thực phẩm đã có song người dân chưa thể thực sự yên tâm chừng nào không có sự nỗ lực vượt bậc, quyết tâm mạnh mẽ của các cơ quan quản lý.