Vẫn lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm 2014

ANTĐ - Chiều 23-6, bên lề Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Quốc hội sẽ lùi việc thông qua Nghị quyết 35 (sửa đổi) về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tới kỳ họp cuối năm nay.
Vẫn lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm 2014 ảnh 1


- PV: Thưa ông, vì sao Quốc hội lại lùi việc thông qua Nghị quyết 35 (sửa đổi)?

- Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Việc dừng thông qua nghị quyết tại kỳ họp này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi văn bản thông báo tới ĐBQH vào cuối buổi họp sáng 23-6. Tại kỳ họp này, ý kiến của ĐBQH còn rất khác nhau về nội dung lấy phiếu tín nhiệm. Ví dụ, về đối tượng, nhiều ĐBQH và cử tri đề nghị mở rộng đối tượng là Giám đốc Sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận, huyện. Một số chức danh khác cũng được đề nghị bổ sung vào diện lấy phiếu. Hình thức, thời điểm, thời gian lấy phiếu hay quy trình xử lý hệ quả của việc lấy phiếu cũng đang có ý kiến khác nhau. Đến bây giờ, ĐBQH đồng ý với UBTVQH là nên lùi thời hạn thông qua nghị quyết này để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đảm bảo chất lượng; tạo ra sự đồng thuận cao hơn. Đồng thời, giao UBTVQH chỉ đạo các cơ quan lấy thêm ý kiến của cử tri, của HĐND và sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ tám.

- Như vậy có thể hiểu là cuối năm nay vẫn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm? 

- Trong Nghị quyết Trung ương đã nói rõ trong nhiệm kỳ này, cuối năm 2014, sẽ tổ chức lấy phiếu trong toàn bộ hệ thống chính trị, trước hết là ở Quốc hội và HĐND. 

- Việc lấy phiếu tín nhiệm cuối năm nay sẽ tiến hành theo Nghị quyết 35?

- Quốc hội sẽ vẫn tiếp tục thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn vào kỳ họp cuối năm nay theo đúng tinh thần Nghị quyết 35. Theo đó, đối tượng lấy phiếu vẫn như cũ, trên phiếu giữ nguyên 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp). Sở dĩ vẫn tiến hành theo Nghị quyết 35 là bởi Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 35, nhưng nghị quyết sửa đổi sẽ không thể có hiệu lực ngay tại kỳ họp thứ tám, do cần ít nhất 45 ngày để làm các thủ tục cần thiết, trước khi có hiệu lực. 

- Liệu Quốc hội có ra Nghị quyết về Biển Đông như có ĐBQH đề nghị?

- Một số đại biểu đề xuất Quốc hội có nghị quyết riêng về vấn đề này, nhưng từ đầu kỳ họp Quốc hội đã thảo luận rất kỹ, rất công khai, ngay sau đó có thông cáo tuyên bố rõ lập trường trong vấn đề Biển Đông. Trong kỳ họp này, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đã có công hàm gửi đến Quốc hội các nước nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Ngày 24-6, tại phiên bế mạc, Quốc hội một lần nữa nói rõ lập trường của Quốc hội Việt Nam để cử tri, nhân dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế biết.