Vẫn kiểm soát ngưỡng đầu vào đại học

ANTĐ - Mặc dù Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã chính thức đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ quy định điểm sàn đối với xét tuyển ĐH, CĐ 2016 nhưng ngày 14-3, theo Quy chế tuyển sinh chính thức, Bộ GD-ĐT chỉ bỏ điểm sàn bậc cao đẳng.

Vẫn kiểm soát ngưỡng đầu vào đại học ảnh 1

Thí sinh không được rút hồ sơ trong các đợt xét tuyển

Tốt nghiệp THPT là được xét vào CĐ

GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội ĐH, CĐ Việt Nam đã chính thức gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc không nên quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào vì đây là một dạng biến tướng của điểm sàn. Theo GS Trần Hồng Quân, điểm sàn đầy nhược điểm, không nên duy trì.

Thay vào đó, để đảm bảo chất lượng đầu vào, Bộ GĐ - ĐT nên tập trung tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời giao quyền, hướng dẫn và kiểm tra giám sát các trường tổ chức tuyển sinh với các phương thức sáng tạo hướng tới sự chuẩn mực như ĐHQG Hà Nội đã và đang thực hiện.

Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến góp ý Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, chiều 14-3, quy chế chính thức đã được công bố, trong đó, việc bỏ điểm sàn” chỉ được áp dụng với bậc CĐ. Theo đó, thí sinh năm nay chỉ cần tốt nghiệp THPT là đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với bậc CĐ. Riêng với bậc ĐH, Bộ sẽ căn cứ kết quả kỳ thi THPT quốc gia nhằm xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. 

 Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển ĐH dựa vào kết quả học tập THPT, Bộ GD-ĐT quy định, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không dưới 6 điểm.

Các trường ĐH tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào nói trên. Trong trường hợp sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành, các trường phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, điều này là để tránh trường hợp có trường tuyển thí sinh không đủ ở phương thức này lại dồn chỉ tiêu sang cho phương thức khác như đã xảy ra như năm 2015.

Tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký xét tuyển

Trước lo ngại xảy ra tình trạng quá tải, phụ huynh và thí sinh vất vả trong việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi, Bộ GD-ĐT dự kiến quy định chỉ đăng ký xét tuyển trực tuyến hoặc qua bưu điện.

Theo quy định chính thức, thí sinh vừa có thể nộp đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển trực tuyến hoặc qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh, đồng thời các trường vẫn có thể đưa thêm phương thức tiếp nhận đăng ký xét tuyển phù hợp với điều kiện thực tế của trường.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, các quy định này không được gây khó khăn, tốn kém cho thí sinh và bức xúc xã hội.

Thời hạn đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 cũng được rút ngắn lại. Theo đó, từ ngày 1-8 đến hết 20-10 thí sinh đăng ký xét tuyển hệ ĐH, đến hết ngày 15-11 đối với hệ CĐ. Việc xét tuyển chia thành đợt một và các đợt bổ sung.

Trong đợt một, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành. Với các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành.

Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường xét tuyển theo nhóm trường thì số ngành đăng ký tối đa trong mỗi đợt xét tuyển vẫn là 4 ngành trong đợt một và 6 ngành trong đợt xét tuyển bổ sung. Khác với năm 2015, 2016 thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển.

Để cân đối quyền lợi giữa thí sinh khu vực ưu tiên, năm nay Bộ GD-ĐT hạn chế đối tượng ưu tiên bằng nhiều quy định. Trong đó, đáng chú ý là quy định thí sinh phải có hộ khẩu thường trú trong thời gian học THPT trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi… mới được hưởng chế độ ưu tiên.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, trước đây, khi không có quy định này, có trường hợp thí sinh sống bất kỳ đâu, chỉ cần dân tộc thiểu số là hưởng khu vực I. Điều này không công bằng với thí sinh thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn.