Văn học Việt cần phải có "sứ giả"

ANTĐ - Bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam xếp hàng để được Susie Morgenstern - nhà văn Pháp, tác giả của cuốn sách “Những lá thư không gửi” nổi tiếng thế giới ký tặng vào từng trang sách. Nhiều em trong đó thuộc lòng tên từng nhân vật trong cuốn sách, vanh vách kể lại trích đoạn trong tác phẩm trên. 

Văn học Việt cần phải có "sứ giả" ảnh 1Các em học sinh Việt Nam xếp hàng chờ tác giả Susie Morgenstern


1.
Hội trường buổi giao lưu với tác giả Susie Morgenstern - nữ nhà văn người Pháp chật kín người. Phần đông trong số đó là học sinh các trường tiểu học, trung học tại Hà Nội háo hức được gặp gỡ và trò chuyện với tác giả cuốn sách được nhiều thế hệ độc giả trên thế giới yêu thích. Susie Morgenstern là người Pháp nhưng sinh ra tại Newark, New Jersey, Mỹ và lớn lên trong một thị trấn nhỏ có tên Belleville.

Ngay từ nhỏ, bà đã có niềm yêu thích đặc biệt với văn chương bởi chỉ có viết là cách duy nhất để bộc lộ bản thân mình. Từng bị bạn bè trêu chọc và gán cho những biệt danh xấu xí, nhưng Susie nuôi dưỡng tài năng văn chương và trở thành tác giả của trên 60 cuốn sách với nhiều đề tài, đoạt vô số giải thưởng trên thế giới. Ít ai biết bà là người Do Thái và luôn mang trong mình mơ ước được hòa giải với các dân tộc trên thế giới. 

Có một điều bất ngờ là Susie luôn chỉ dùng bút chì và những cuốn vở để sáng tác và bà không ngại khoe những bản thảo viết tay với các bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam. Bà kiên nhẫn lắng nghe và giải đáp những thắc mắc đôi khi rất ngây ngô của các độc giả nhỏ tuổi, tỏ ra rất vui khi xem những trích đoạn kịch được dựng từ tác phẩm của mình. Bà còn bày tỏ mong muốn có thể đưa Hà Nội vào trong những cuốn sách của mình và rất buồn vì chưa đọc hết những bức thư mà các em nhỏ viết cho mình.

Chính những chia sẻ chân thành, khéo léo của Susie đã xóa đi khoảng cách giữa một nhà văn lớn và độc giả Việt Nam. Với tính cách sôi nổi, dí dỏm và thân thiện, nhiều bạn đọc không có cảm giác người phụ nữ này đã 70 tuổi, nổi tiếng trên toàn thế giới và là chủ nhân những cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ độc giả. Sau buổi giao lưu, nhiều bậc phụ huynh, em nhỏ đã mua những cuốn sách khác của bà, xếp hàng dài chờ được ký tặng.

2. Cách đây không lâu, nhà văn Nhật Bản Kimura Yuichi - người nổi tiếng với tác phẩm “Một đêm giông bão” đã có dịp đến Hà Nội. Khá bất ngờ khi ông tự bỏ tiền túi để mua vé máy bay sang giao lưu cùng độc giả Việt. Ông còn đến bệnh viện Nhi Trung ương để tận tay trao những cuốn sách của mình cho những em nhỏ không may mắn.

Susie Morgenstern hay Kimura Yuichi là những tên tuổi nổi tiếng về văn học thiếu nhi, sở hữu những tác phẩm được hàng triệu độc giả trên thế giới đọc và yêu thích. Nhưng cách họ tiếp cận độc giả thì thật đáng khâm phục. Họ đang là những người đưa văn học Pháp, văn học Nhật Bản vượt qua biên giới, đến với độc giả Việt Nam. Bằng hình ảnh của mình, họ đang làm rất tốt vai trò “tiếp thị” và truyền bá văn hóa của đất nước tới thế giới. 

Trong khi đó, có bao nhiêu nhà văn Việt Nam đã dùng ngôn ngữ văn học giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Chúng ta đã có những tác phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài như “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh, hay “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần… Chúng ta đã có những tủ sách Việt Nam ở nước ngoài như “Tủ sách Việt Nam đương đại” do PGS.TS Đoàn Cầm Thi khởi xướng, nhằm đưa văn học Việt đến với độc giả Pháp. Tuy nhiên, đó chỉ  là những giọt nước nhỏ giữa đại dương.

Chúng ta cần những “sứ giả” - những nhà văn có tiếng nói, sẵn sàng truyền tải tri thức, những giá trị văn hóa Việt đến với cộng đồng thế giới. Dịch và xuất bản vốn chỉ là những bước đi đầu tiên trong thị trường sách, còn việc giới thiệu về cuốn sách ấy như thế nào, làm thế nào để tiếp cận bạn đọc trên thế giới vẫn là sứ mệnh trên vai các nhà văn. Nếu chỉ xuất bản được sách đã coi là thành công, thì e rằng, đó chỉ giống như “đem con bỏ chợ”. Giữa một chợ sách khổng lồ, với đầy đủ tính cạnh tranh khốc liệt liệu sách Việt có được bạn đọc biết tới nếu không có bàn tay của chính tác giả “đẩy” nó lên. 

 Trong khi chúng ta phàn nàn các em nhỏ hình như quay lưng lại với sách thiếu nhi trong nước, cũng các em ấy sẵn sàng xếp hàng để chờ được một nhà văn nước ngoài ký tặng. Không dám nói “nhà văn Việt đang bước ra thế giới”, hình như chúng ta đang không biết cách quảng bá chính mình.