- NSND Trần Quốc Chiêm tái đắc cử Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội
- NSND Trần Quốc Chiêm đắc cử Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021
Ngày 16-4, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo với chủ đề “Văn học nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất".
Các tham luận đóng góp tại hội thảo đến từ các hội chuyên ngành khẳng định, văn học nghệ thuật Thủ đô sau năm 1975 đã thực sự vươn mình mạnh mẽ, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, thể hiện vai trò không thể thay thế trong việc xây dựng nền tảng tinh thần, bồi đắp bản sắc văn hóa dân tộc và cổ vũ công cuộc đổi mới. Trong suốt 50 năm, đội ngũ văn nghệ sĩ Hà Nội không chỉ kế thừa truyền thống quý báu mà còn không ngừng sáng tạo, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Thủ đô bằng các hình thức, thể loại, xu hướng tiếp cận ngày càng hiện đại và đa dạng.
Nổi bật nhất là tinh thần nhập cuộc, phản ánh sâu sắc đời sống con người trong thời kỳ hậu chiến và đổi mới. Các tác phẩm tiêu biểu không chỉ dừng lại ở tầm nghệ thuật mà còn phản ánh tâm thế con người, những chuyển biến xã hội và khát vọng dân tộc trong từng giai đoạn phát triển. Văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn nghệ dân gian... mỗi lĩnh vực đều có những đóng góp cụ thể, phản ánh rõ nét sự chuyển mình của văn học nghệ thuật Thủ đô.
![]() |
Hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội. |
Nhiều tác phẩm đã thẳng thắn đấu tranh, phê phán cái xấu, tiêu cực, những tệ nạn xã hội, sự sai trái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; bảo vệ những giá trị đạo đức, nhân văn. Bên cạnh việc sáng tác, nhiều công trình nghiên cứu lý luận, phê bình, dịch thuật đã ra đời nhằm tổng kết những giá trị văn học, nghệ thuật, giới thiệu những tinh hoa văn hóa nhân loại; khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các đề tài lịch sử, đặc biệt là đề tài chiến tranh cách mạng và đề tài hiện đại được đề cập khá toàn diện, thể hiện đa hình thức, hấp dẫn, hiện đại, thu hút công chúng.
Dẫn chứng những tác phẩm văn học nổi bật sau năm 1975 đến nay của các nhà văn Hà Nội, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Bắc (Hội Nhà văn Hà Nội) cho rằng, văn học, nghệ thuật Thủ đô đã vận động theo hướng dân chủ hóa. Nếu trước đó văn học, nghệ thuật đề cao chức năng giáo dục, cổ vũ chiến đấu thì nay dù không xa rời mục tiêu giáo dục nhưng còn thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, đối thoại và đặc biệt là nhu cầu giải trí, dự báo, quan tâm đến sự chia sẻ…
Theo NSND Bùi Thanh Trầm (Hội Sân khấu Hà Nội) đánh giá, văn học, nghệ thuật nói chung và sân khấu Thủ đô nói riêng đã có sự giao lưu giữa các vùng miền, tác động, ảnh hưởng và tạo ra sự đổi mới. Những vấn đề xây dựng đời sống mới, lao động sản xuất, xây dựng đất nước và những vấn đề nhức nhối mà xã hội đang quan tâm đã được phản ánh quyết liệt.
NSND Bùi Thanh Trầm nhận định: "Kịch nói Hà Nội đã nghiễm nhiên trở thành một vùng sáng của kịch nói cả nước". Giai đoạn 1975–1985 được xem là thời kỳ hoàng kim với hàng loạt vở diễn nổi bật như "Tôi và chúng ta" (Lưu Quang Vũ), "Hà Mi của tôi" (Doãn Hoàng Giang), "Bản tình ca màu xanh" (Thanh Hương)... Từ sau Đổi mới, sân khấu Hà Nội tiếp tục bám sát thời cuộc, phản ánh sâu sắc những vấn đề đạo đức, nhân sinh và xã hội đương đại.
![]() |
Một cảnh trong vở kịch "Tôi và chúng ta" của nhà hát Kịch Hà Nội |
Dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, văn học nghệ thuật Thủ đô vẫn còn tồn tại không ít hạn chế. Một trong những vấn đề được nhắc đến đầu tiên là sự mất cân đối giữa số lượng và chất lượng hoạt động. Nhà thơ Cao Ngọc Thắng (Hội Điện ảnh Hà Nội) chỉ rõ: “So với số lượng, chất lượng hoạt động của các hội chuyên ngành chưa tương xứng với khả năng sẵn có và chưa đáp ứng đầy đủ, toàn diện yêu cầu phát triển của Thủ đô cũng như nhu cầu của các tầng lớp nhân dân”. Hoạt động của các hội còn rời rạc, thiếu sự phối hợp, gắn kết. Điều này phần nào bắt nguồn từ sự chưa minh định giữa chức năng “hội” - với tính chất tự nguyện, hoạt động nghề nghiệp và “ngành” - với tính chất quản lý hành chính, vận hành theo cơ chế thị trường và luật pháp.
Từ góc nhìn thực tiễn, NSND Trần Quốc Chiêm-Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã chỉ ra những biểu hiện lệch chuẩn trong sáng tạo: “Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, có biểu hiện xa lánh những vấn đề về công cuộc đổi mới của đất nước, chạy theo các đề tài giải trí bình thường, chiều theo thị hiếu của một bộ phận công chúng, ít quan tâm đến chức năng giáo dục”. Đáng lo ngại hơn, theo ông, có những trường hợp “cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc hoặc bị các thế lực thù địch lợi dụng đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước”.
Cùng với đó, nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật còn thiếu đầu tư chiều sâu; chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao, có tầm ảnh hưởng rộng khắp. Các hội chuyên ngành chưa tận dụng hiệu quả công nghệ mới trong sáng tác, phổ biến và lưu trữ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lớp văn nghệ sĩ kế cận chưa theo kịp yêu cầu hội nhập, thiếu hụt lớp kế thừa có chiều sâu tư tưởng và nền tảng học thuật. Một số hội viên trẻ chưa thực sự xác định rõ trách nhiệm xã hội trong hoạt động nghệ thuật, dẫn đến việc sa vào thị hiếu dễ dãi, thiếu định hướng nhân văn sâu sắc. Đây chính là những rào cản mà nếu không được nhìn nhận và khắc phục kịp thời sẽ làm giảm vai trò của văn học nghệ thuật, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Để phát huy vai trò xung kích của văn học nghệ thuật trên mặt trận tư tưởng văn hóa, theo Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cần đổi mới tư duy trong lãnh đạo, quản lý hoạt động văn học nghệ thuật, nâng cao chất lượng sáng tác, đồng thời kết nối chặt chẽ giữa văn nghệ sĩ với cuộc sống đương đại.
NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh: "Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động văn học, nghệ thuật là nhiệm vụ vô vùng quan trọng. Bên cạnh đó cần chú ý triển khai hiệu quả các cuộc vận động sáng tác về công cuộc đổi mới; phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống; mở rộng các trại sáng tác và giao lưu trong và ngoài nước; hiện đại hóa các thiết chế văn hóa; và đặc biệt là ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nghệ thuật. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa phục vụ nghiên cứu và phổ biến các tác phẩm cũng là một giải pháp cần thiết.
Một số tham luận cũng đề cập tới các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội. Theo đó, cần có chiến lược dài hạn để nâng cao chất lượng hoạt động hội chuyên ngành, tăng cường phối hợp giữa các hội chuyên ngành và các địa phương; Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, quy chế làm việc... theo hướng tinh gọn, hiệu quả.