Văn học giải trí: Ngoại lấn át nội

ANTD.VN - Lâu nay, cán cân văn học giải trí nghiêng về phía các thể loại như ngôn tình, đam mỹ, kiếm hiệp Trung Quốc, khiến nhiều người lầm tưởng dòng văn học giải trí tại Việt Nam chỉ toàn là sách… xoàng xĩnh. Trong khi đó, những tác giả trẻ trong nước lại chưa đủ mạnh để khuấy động trở lại những trào lưu văn học giải trí vốn đang khá trầm lắng tại thị trường trong nước. 

Sách ngôn tình Trung Quốc tràn ngập các quầy sách

Sách nội chưa được đề cao

“Một bộ phận công chúng hiện nay dường như am hiểu văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Âu - Mỹ còn hơn văn hóa Việt” - đó là nhận định của nhà thơ Nguyễn Nhật Huy (Đại học Sư phạm Thái Nguyên) về tình trạng văn học trong nước đang bị xâm lấn bởi các tác phẩm ngoại nhập.

Anh nhận định, so với “con đường hàn lâm” thì sức ảnh hưởng của “con đường giải trí” tới người trẻ lớn hơn rất nhiều, thể hiện ở việc các thể loại vốn bị coi là “dễ dãi” như ngôn tình, đam mỹ, kiếm hiệp Trung Quốc hay truyện tranh manga Nhật Bản… đủ sức làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam. 

Một trong những nguyên nhân khiến văn học giải trí ngoại xâm lấn thị trường Việt Nam là do nhiều đơn vị xuất bản chạy theo lợi nhuận, nhập khẩu ồ ạt những tác phẩm văn học dịch mà không có sự chọn lọc, trong khi đó không nhiều các nhà văn trong nước theo đuổi dòng văn học này.

“Đầu thế kỷ 20, chúng ta có một số tác giả viết truyện ma, truyện trinh thám, truyện đường rừng như Lan Khai, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Thế Lữ… Tuy nhiên những năm 1945 đến 1986, gần như mảng giải trí thiếu sót rất nhiều. Nhưng ngay cả khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và tư duy cởi mở hơn khi hội nhập quốc tế thì chúng ta vẫn chưa nhập cùng dòng chảy chung của văn học thế giới, coi chức năng giải trí là một điều tất yếu về quy luật của con người”  - Nguyễn Nhật Huy viện dẫn. 

Không ít các tác phẩm văn học thuộc thể loại giải trí khi được chuyển thể thành những bộ phim điện ảnh, truyền hình đã lôi kéo sự chú ý của đông đảo công chúng. Có thể kể một vài cái tên như “Chỉ có thể là yêu” của tác giả Hân Như, “Cocktail cho tình yêu” của tác giả Trần Thu Trang… đã trở nên nổi tiếng hơn sau khi bước vào màn ảnh nhỏ.

Nhưng nói như cây bút sinh năm 1989 Hân Như - việc sách của chị được dựng thành phim gần như do yếu tố may mắn và những cây bút xuất thân từ cộng đồng mạng như chị vẫn đang mò mẫm tìm đường. Nói vậy để thấy, đôi khi chính người trong cuộc cũng đang  hoài nghi về con đường mình đi. 

“Chỉ có thể là yêu” - cuốn sách của tác giả trẻ Hân Như được chuyển thể thành bộ phim truyền hình cùng tên 

Làm thế nào để tăng “sức đề kháng”

Trở lại câu chuyện có phải các nhà xuất bản đang chỉ tìm cách đưa những tác phẩm văn học mang tính chất tiêu khiển, xoàng xĩnh về Việt Nam, dịch giả Minh Thương, người đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc, trong đó có cuốn “Kiên ngạnh như thủy” nổi tiếng của Diêm Liên Khoa cho hay: “Tôi cho rằng cán cân văn học dịch Trung Quốc đang mất cân bằng tương đối nghiêm trọng. Khi đi vào các nhà sách, thấy số lượng đầu sách Trung Quốc rất lớn nhưng chủ yếu là các tác phẩm đam mỹ, tiên hiệp, kiếm hiệp… Trong khi đó, những tác phẩm tinh tuyển thì rất ít được dịch”.

Dịch giả này cho hay, từ năm 2006, khi dịch giả Trang Hạ dịch “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” đã kéo theo một trào lưu dịch tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam. Mặt khác, ở mảng văn học được coi là chính thống, ngoài Mạc Ngôn thì trong giai đoạn từ 2006 trở về trước, hàng loạt tác giải văn học Trung Quốc nổi bật như Diêm Liên Khoa, Giả Bình Ao, Lý Nhuệ, Vương An Ức… gần như rất ít được dịch và xuất bản.

Hay tác phẩm “Phồn hoa” của tác giả Kim Vũ Trừng - tác phẩm đoạt giải thưởng Mao Thuẫn 2015 gây sóng gió trên văn đàn Trung Quốc, được đạo diễn Vương Gia Vệ dựng thành phim và quốc tế cũng rất quan tâm nhưng hầu như không được biết tới tại Việt Nam. 

Nhận định về cơ hội của văn học giải trí nội địa, dịch giả này cho biết thêm: “Ở Trung Quốc, văn học tinh tuyển có thị trường riêng, có độc giả riêng, có giải thưởng riêng và có bục tôn vinh riêng. Văn học mạng cũng có không gian của nó. Tôi tin vào câu nói: Lịch sử văn học thường phát triển về hướng mà nó bị thiếu hụt. Nếu như giai đoạn trước văn học giải trí bị lãng quên thì trong thị trường hiện nay, mảng giải trí lại được đề cao”.

Còn nhà thơ Nhật Huy  khẳng định: “Tôi tin rằng những cây bút trẻ của dòng văn học giải trí là người biết mình đang cần điều gì nhất, đời sống tinh thần của mình đang khát khao điều gì nhất để sáng tạo nên tác phẩm của mình. Làm được vậy thì nội thân văn học Việt Nam sẽ có sức đề kháng để chống lại làn sóng xâm nhập ồ ạt của các tác phẩm văn học thế giới. Chúng ta có một lịch sử dày dặn, có những câu chuyện dân gian, có những hình tượng thần thoại… hoàn toàn có thể tạo nên những tác phẩm giàu trí tưởng tượng, phong phú và đáp ứng đời sống tinh thần của đông đảo bạn đọc”.