Văn học dịch đang thiếu những gì?

ANTĐ - Với sự tham dự của đông đảo các dịch giả, sáng hôm qua, 10-8 thêm một cuộc hội thảo nữa, bàn về “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch” đã được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. 

Không bàn sâu về một vài tác phẩm dịch cụ thể, không đụng chạm đến chuyện “thảm họa dịch thuật” hay “dịch loạn”, các khách mời chỉ tập trung bàn chuyện văn học dịch đang thiếu những gì? Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, để có một bản dịch chuẩn, ngoài yếu tố ngoại ngữ, người dịch cần phải có vốn từ, có tài thơ văn, nếu cứ dịch từ sang từ thì sẽ… chết. Còn theo dịch giả Trần Đình Hiến thì dịch văn học thực chất là sự giao lưu giữa hai nền văn hóa mà câu, chữ chỉ là phương tiện. Vì thế, trong nhiều tác phẩm yếu tố văn hóa còn nặng hơn, bao trùm lên yếu tố ngôn ngữ. Người dịch không có văn hóa nền tốt thì rất dễ dẫn đến những tác phẩm tồi. 

Mang đến cho hội thảo tiếng nói phản biện, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, hiện chúng ta đang thiếu một đội ngũ biên tập giỏi. Ông cũng chỉ ra tình trạng đáng lo ngại là ở nhiều NXB, không có đủ người đọc chuẩn cho bản dịch Việt, chứ chưa nói đến đọc đối chiếu. 

Đồng cảm với vấn đề này, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn khẳng định rằng “đội quân” chuyển tải văn hóa này hiện chưa được đánh giá và tôn vinh đúng mức. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn, cần phải có chính sách đặc biệt dành cho văn học dịch như lập quỹ văn học dịch kết hợp giữa sự hỗ trợ của nhà nước và xã hội hóa, kết nạp hội viên là dịch giả và đặc biệt là xây dựng đội ngũ kế cận.