“Văn hóa ứng xử là cốt lõi để xây dựng lòng tin”

ANTĐ - Văn hóa ứng xử là cốt lõi để xây dựng lòng tin. Dân tộc ta đã xử lý nhiều tình huống lịch sử bằng văn hóa ứng xử, đặc biệt là trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và nền tự chủ của đất nước. Và văn hóa ứng xử đã trở thành “sức mạnh mềm” của cả dân tộc Việt Nam, khiến bạn bè trên thế giới tin tưởng, khâm phục.

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, TS Nguyễn Quang Đạm, trước sự kiện đang nóng ở Biển Đông, từ góc nhìn của người đứng đầu một lực lượng chấp pháp trên biển, đồng chí có thể cho biếtquan điểm về vấn đề văn hóa ứng xử thời điểm này?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Quang Đạm: Văn hóa ứng xử là cốt lõi để xây dựng lòng tin. Dân tộc ta đã xử lý nhiều tình huống lịch sử bằng văn hóa ứng xử, đặc biệt là trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và nền tự chủ của đất nước. Và văn hóa ứng xử đã trở thành “sức mạnh mềm” của cả dân tộc Việt Nam, khiến bạn bè trên thế giới tin tưởng, khâm phục.

Trong sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách xử lý của chúng ta đã thể hiện rõ nét văn hóa ứng xử của một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Trước hết, ta đấu tranh hòa bình bằng pháp lý, bằng ngoại giao để các bạn Trung Quốc thấy được họ đã không đúng, đã đi ngược lại truyền thống hữu nghị tốt đẹp Việt - Trung.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Quang Đạm. Ảnh: Đà Lâm

Việc một bộ phận công nhân ở các công ty liên doanh đã bị kích động khi biểu tình phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, để xảy ra những hậu quả đáng tiếc-cách ứng xử, hành động đó không phù hợp với văn hóatruyền thống, đạo lý của dân tộc ta.

Tôi cho rằng có sự bất thường đằng sau cách hành xử này. Có nhiều cách để đấu tranh, nhưng đấu tranh trên nền tảng văn hóa, bằng bản lĩnh văn hóa và nhận thức văn hóa là một cách đấu tranh nhân văn. Lịch sử dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của ông cha ta đã nêu cao triết lý nhân nghĩa. Chúng ta buộc phải tiến hành đấu tranh là để bảo vệ pháp luật và nhân nghĩa. Rõ nhất là từ thời Vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, người Việt đã "Lấy trí nhân để thay cường bạo”. Chừng nào mà chúng ta còn đề cao giá trị của nhân nghĩa thì chiến thắng luôn thuộc về chúng ta.

Lúc này đây, khi vấn đề biển Đông đang dậy sóng, chủ quyền biển, đảo đang bị xâm phạm, hơn lúc nào hết, đó cũng chính là thời điểm chúng ta cần phải phát huy “sức mạnh mềm” của truyền thống văn hóa ứng xử “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo”. Văn hóa ứngxử có một sức mạnh to lớn. Sức mạnh ấy bao gồm cả sức khuất phục và sức chinh phục.

 PV: Nhân dân hiện đang lo lắng về tình hình diễn ra trên Biển Đông, đồng chí có thể nói về biện pháp đấu tranh của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam lúc này và về lâu dài?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Quang Đạm: Sự hòa bình, ổn định trên Biển Đông đang bị đe dọa khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Do đó, chúng ta đang phải đấu tranh cho hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, đấu tranh là cả vấn đề về lý luận-thực tiễn và có tính nghệ thuật cao. Hiện, chúng ta đang kiên trì đấu tranh pháp lý, đấu tranh ngoại giao và đấu tranh trên thực địa với chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Thái độ của chúng ta là tôn trọng hòa bình, chủ động, tích cực đồng thời kiên quyết trước vấn đề chủ quyền dân tộc.

Đối với Lực lượng Cảnh sát biển, hành động của chúng tôi vẫn là kiên quyết giữ trận địa trên biển, cố gắng tránh va chạm; kiên trì bằng biện pháp ngoại giao và pháp luật. Đồng thời, Lực lượng Cảnh sát biển cũng chuẩn bị tinh thần, ý chí với tư tưởng, biện pháp linh hoạt, nhằm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền vùng biển của chúng ta.

PV: Đồng chí từng đề nghị nhân dân trong nước bình tĩnh, linh hoạt, đồng hành cùng Chính phủ?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Quang Đạm:  Đúng là như vậy, nhân dân ta có truyền thống yêu nước. Đó là tài sản quý báu của dân tộc ta. Yêu nước có tính cụ thể của nó. Nhưng nếu chúng ta thể hiện lòng yêu nước một cách quá khích, không giữ được bình tĩnh và để bị lợi dụng thì sẽ làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam. Chúng ta đang có chính nghĩa, đang được bạn bè quốc tế ủng hộ. Nếu những hành động tự phát như vậy không được chấn chỉnh kịp thời thì sẽ làm quốc tế lo ngại về Việt Nam.

Đây cũng là lúc đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam phải thể hiện tinh thần yêu nước đúng cách. Yêu nước phải hướng đến xây dựng đất nước chứ không phải xuống đường đập phá tài sản. Chúng ta phải bình tĩnh, linh hoạt và luôn tin tưởng, đồng hành với Chính phủ. Khi nhân dân ta đồng hành với Chính phủ, thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ thì lòng yêu nước sẽ trở thành sức mạnhtổng hợp to lớn của cả dân tộc.

PV: Dân tộc Việt Nam có đủ ý chí và sức mạnh tổng hợp từ những nền tảng nào thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Quang Đạm: Hiếm có một dân tộc nào nghèo khó, đất không rộng người không đông mà lại phải thường xuyên, liên tục chống lại những thế lực đông hơn, mạnh hơn và giành được thắng lợi vẻ vang như dân tộc ta. Chúng ta đã thắng và vẫn thắng trong khi quy luật của chiến tranh là “mạnh thắng-yếu thua”. Vậy, sức mạnh giành chiến thắng của chúng ta có được từ đâu? Đó chính là sức mạnh tổng hợp của lòng yêu nước, của chính nghĩa, của nhân văn, của mọi giai cấp, của cả dân tộc.

Lòng yêu nước là nền tảng cốt lõi nhất. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, trong mỗi biến cố, sự biểu hiện của lòng yêu nước có thể khác nhau, nhưng cứ nhìn vào cách mà đồng bào cả nước hôm nay sát cánh bên nhau để đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ, thì chắc chắn lòng yêu nước của người Việt Nam đang ngày càng được củng cố vững chắc hơn. Ngay cả với thế hệ trẻ, dù trải qua những tác động dữ dội của mặt trái kinh tế thị trường, đôi lúc có sự lệch chuẩn trước những giá trị sống, nhưng thực tế cho thấy điều căn cốt nhất là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền vẫn chảy như mộtmạch ngầm không bao giờ dứt trong trái tim, trong nhận thức của mỗi người.

Cùng với đó, truyền thống đoàn kết “tướng sĩ một lòng phụ tử”; “quân với dân chung một ý chí” cũng là một nền tảng tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc, trong đó vai trò của nhân dân có ý nghĩa quyết định. Khi nguồn sức mạnh ấy được khơi dậy và phát huy thì mọi quy luật khách quan đều có thể bị phá vỡ. Chúng ta hoàn toàn có thể chuyển hóa được từ “ít thành nhiều”, từ “yếu hóa mạnh”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng ta, Quân đội ta đã từng làm được điều đó và giờ đây cũng sẽ làm được điều đó. Trước những quốc gia lớn,quân đông, vũ khí nhiều, trang bị hiện đại, chúng ta đã tìm ra nguồn sức mạnh của dân tộc mình, là ở chính nhân dân mình. Điều quan trọng hiện nay là làm thế nào để khơi dậy, phát huy, kết hợp được giữa tài thao lược của người lãnh đạo với sự đồng tâm hợp lực của nhân dân.

PV: Theo đồng chí, lúc này chúng ta phải làm gì?

Thiếu tướng, TS Nguyễn Quang Đạm: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm thiêng liêng không chỉ đối với lịch sử dân tộc, mà còn là nhân tố quan trọng bảo đảm cho đất nước ta phát triển bền vững, nhân dân ta yên ổn, ấm no. Quan điểm tư tưởng cơ bản về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, tập trung ở Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc và Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, đường lối chủ đạo là phát huy sức mạnh tổng hợp: Động viên, quy tụ, phát huy cao độ sức mạnh của các nhân tố chính trị, tinh thần, tư tưởng, văn hóa, quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để giữ vững chủ quyền biển, đảo, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trước sự dòm ngó, xâm phạm của các quốc gia lớn, sự chống phá của các thế lực thù địch làm ảnh hưởng đến mối quan hệ đoàn kết dân tộc, cần có sự định hướng đúng đắn cho nhân dân để nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sáng suốt xử lý những vấn đề lớncủa đất nước. Song song với đó, cũng phải làm cho nhân dân hiểu được lợi ích của nhân dân, lợi ích của giai cấp luôn là một. Từ đó, nhân dân sẽ thấy được cần phải làm gì để đồng hành với Chính phủ giải quyết tốt các vấn đề trong điều kiện hiện nay. Có như vậy thì sức mạnh của nhân dân cũng sẽ là sức mạnh của Nhà nước. Đấy chính là mối quan hệ biện chứng giữa quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải đánh giá đúng tình hình, đánh giá đúng tương quan lực lượng, vận dụng những nguyên tắc phù hợp nhất, sáng tạo nhất mà không tự bó mình hoặc dừng lại ở một vài biện pháp thông thường; biết sử dụng sức mạnh trong từng thời điểm, từng chiến cuộc, biết tận dụng các yếu tố địa-nhân-thời thế và biết khéo léo trong lãnh đạo, chỉ huy.

Dân tộc ta có truyền thống tạora sức mạnh tổng hợp ngay cảtrong lúc khó khăn nhất. Trên cơ sở lòng yêu nước gắn với truyền thống văn hóa ứng xử của người Việt Nam, tôi tin tưởng rằng nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!