Văn hóa trên điện thoại

ANTĐ - Tôi mới chuyển chỗ ở, thay đổi số điện thoại nên có ý định thông báo cho bạn bè biết. Nhớ tới anh T là trưởng ban liên lạc nhóm bạn cũ thời học đại học, tôi liền “phôn” cho anh. 

Đầu dây bên kia có một giọng nữ (chắc là vợ anh T) buông một câu: “Anh T đi vắng không có nhà!”.  Tôi nói: “Tôi là Tiến, bạn học cũ của anh T vừa chuyển nhà mới, chị ghi giúp số  điện thoại mới của tôi và báo giúp tôi cho anh T biết”. Giọng nữ đáp: “Tối nay anh gọi lại nhé!”, rồi cúp máy. Tất nhiên tối hôm đó tôi không gọi lại cho anh T.

Hôm sau, tôi lại gọi cho anh Tr. là người được nhóm bạn cũ giao phụ trách tài chính và chuyên lo tổ chức các cuộc họp mặt. Anh Tr cũng đi vắng và người tiếp điện thoại cũng là một giọng nữ. Nghe chị nói: “Nhà em đi vắng”, tôi hiểu đó là vợ anh Tr. Tôi cũng nói lý do gọi điện và nói lời nhờ như trên. Chị trả lời: “Anh chờ em lấy giấy bút”. Một lát sau, tôi đọc đầy đủ địa chỉ, số điện thoại mới của tôi cho chị ghi và không quên nói lời cảm ơn chị vợ anh Tr.

Tự nhiên lòng tôi thấy vui qua cuộc nói chuyện điện thoại này. Tôi và hai anh T, Tr tuy là bạn học cũ, nhưng chưa bao giờ đến nhà nhau, chỉ “giao lưu” qua điện thoại nên tôi chưa gặp hai “bà xã” của hai anh. Nhưng rõ ràng qua cung cách giao tiếp điện thoại kể trên thì hai người phụ nữ này khác hẳn nhau: một người gây cảm giác khó chịu và một người khiến tôi hài lòng. 

Vài hôm sau anh Tr gọi điện cho tôi, hỏi thăm việc tôi chuyển nhà ra sao... Tôi kể lại hai câu chuyện “giao tiếp điện thoại” nói trên để anh Tr biết và một lần nữa nhờ anh Tr chuyển tới “bà xã”của anh lời cảm ơn của tôi. Anh Tr cười xòa và chỉ nói đơn giản: “Vợ mình từ xưa đến nay vẫn thế!”.