Văn hóa tối thiểu

(ANTĐ) - Ngày 2-8-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Khi Quy chế ra đời, nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề bức xúc được đặt ra.

Văn hóa tối thiểu

(ANTĐ) - Ngày 2-8-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Khi Quy chế ra đời, nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề bức xúc được đặt ra.

Có người đặt câu hỏi: Vì sao Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 129 về quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước? Vì sao phải quy định từ trang phục, giao tiếp cho tới ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi làm việc tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp? Vì sao Thủ tướng yêu cầu họ phải có thái độ lịch sự, tôn trọng; không được nói tục, nói lóng, quát nạt dân, mà phải nhã nhặn, lắng nghe, hướng dẫn rõ ràng; không được hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ? Hơn thế, Thủ tướng còn nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức hút thuốc lá trong phòng làm việc, sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia) tại công sở?

Suy cho cùng, mọi quy định đó có thể gói gọn trong mấy chữ “văn hóa tối thiểu” hay “văn hóa sơ đẳng” mà bất kể người có nhận thức, có tự trọng đều ứng xử, hành xử từ trong gia đình, nhà trường ra ngoài xã hội và trong công sở.

Ngay từ khi thành lập Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, công chức phải là “đầy tớ” của dân, “công bộc” của dân. Mấy chục năm xây dựng Nhà nước dân chủ, ở hầu hết các cơ quan hành chính, các công sở - nơi hàng ngày tiếp xúc, giải quyết công việc của dân đều treo cao trên đầu khẩu hiệu nhắc nhở cán bộ, công chức “lịch sự, nhã nhặn, lễ phép” với dân.

Tiếc thay, không ít “đầy tớ”, “công bộc” của dân lại làm ngược lại. Hành chính là hành dân là chính. Một đời người, ai chẳng đã từng hơn một lần bước chân tới các công sở, “giáp mặt” với các cán bộ, công chức. Thử hỏi cảm tưởng và ấn tượng có gì dễ chịu, thoải mái? Hay là mỗi lần đặt chân vào những nơi này đều “phát ớn”, “ám ảnh mãi”. “Bộ mặt” của chính quyền, của Nhà nước, thực ra là “bộ mặt” bằng xương bằng thịt của mỗi cán bộ, công chức khi làm việc với dân, với doanh nghiệp, với các nhà đầu tư nước ngoài.

Người dân có câu: “Quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Chưa biết cán bộ, công chức giỏi giang đến đâu, trình độ cao siêu đến mức nào hay năng động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm ra sao, nhưng đập vào mắt người dân, ấn tượng đầu tiên phải là những “văn hóa tối thiểu”.

Đó là nét mặt, ánh mắt, thái độ, lời nói, cử chỉ. Phẩm chất đạo đức phải được “phát tiết”, biểu hiện ra bên ngoài trước hết. Quy chế văn hóa công sở vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định, xem ra không phải là những yêu cầu cao xa, khó thực hiện. Đây là sự cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Học hàng ngày, học suốt đời, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ quan hành chính Nhà nước.

Thủ tướng đã hứa trước quốc dân khi nhậm chức: “Sẽ kiên quyết đẩy lùi bằng được tệ quan liêu, tham nhũng, tập trung chỉ đạo cải cách tốt thủ tục hành chính... Khắc phục sự chậm trễ, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp”. Các cán bộ, công chức thực hiện Quy chế văn hóa công sở chính là thực hiện lời hứa trước dân một cách cụ thể, thuyết phục nhất.

Đan Thanh