Văn hóa tiêu tiền

ANTĐ - Gần đây, dư luận trong Nam ngoài Bắc xôn xao về hai đám cưới của cặp đôi thiếu gia, tiểu thư của hai đại gia. Một đám cưới ở miền Trung, cụ thể hơn là thị trấn Hương Sơn, Hà Tĩnh. Một đám cưới hoành tráng không kém ở Cần Thơ, miền Tây Nam bộ. Cách nhau rất xa về khoảng cách địa lý nhưng cả hai đám cưới đều giống nhau ở sự siêu sang, với mấy chục “siêu xe” rước dâu, với dàn ca sĩ siêu sao ca hát giúp vui, với những bàn tiệc “siêu ẩm thực” như là kiểu cách vung tiền của những đại gia thừa tiền lắm bạc.

Hai đám cưới đã gây choáng cho hàng triệu người từ người trực tiếp dự đến những người chỉ biết thông tin về sự tốn kém, xa hoa qua báo chí. Cả hai đám cưới đều do 2 bà mẹ “doanh nhân” tổ chức cho con, tuy ở tỉnh lẻ hay thành phố không lớn lắm nhưng từ lúc rước dâu đến khi vào đám, có hàng chục xe ô tô loại “hàng khủng” nối nhau thành hàng dài, có hàng nghìn người dự, có hàng chục tỷ đồng đã được tung ra, có các ca sĩ vào loại “sao” thượng thặng, chủ yếu là ca sĩ hải ngoại biểu diễn gần trọn đêm. Nghe đâu, quà tặng cho đôi dâu rể còn là chiếc ô tô Ferrari Califonia nhập khẩu nguyên chiếc, là ngôi nhà 130 tỷ đồng từ công sức mồ hôi nước mắt của bà mẹ ở đất Hương Sơn.

Nhưng ngẫm kỹ hai đám cưới cũng có cái khác. Khác vì mục đích tổ chức đám cưới “khủng” rất khác nhau. Một đám cưới là của gia đình bà  Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần thủy sản Bình An, TP Cần Thơ. Làm ăn thua lỗ, hiện nợ gần 1.000 tỷ đồng, riêng nợ nông dân bán cá tra cho họ mấy năm nay đã 300 tỷ đồng, khả năng thanh toán là rất khó khăn. Nhiều ngày nay, Công ty đã bị những chủ nợ (những nông dân trong vùng làm nghề nuôi cá tra) bao vây, đòi nợ. Phải chăng mục đích đám cưới “khủng”  như vậy là để người ta tin rằng bà vẫn còn tiền trả nợ. Âu cũng là một mánh lừa trong rất nhiều mánh lừa của doanh nhân trong thời buổi kinh tế thị trường sơ khai, vàng thau lẫn lộn.

Còn đám cưới con của bà Nguyễn Thị Liễu, theo bà nói thì mục đích lại khác. Ấy là tiêu tiền…  vì tiền nhiều quá, không biết tiết kiệm để làm gì. Thì bù trừ cho con, đãi đằng người thân quen, khoe của cho bõ lúc cơ hàn, đầu tắt mặt tối. Tâm lý này không chỉ của bà Liễu mà của khá nhiều “đại gia” hiện nay. Giàu lên nhanh chóng đến mức chưa kịp học cách tiêu tiền một cách có văn hóa. Có nhiều đại gia tung tiền vào các thú hưởng lạc kinh hoàng, coi đồng tiền như thứ để đôn mình lên cao, tạo sự nổi tiếng trong xã hội, điều mà họ đang thiếu. Có đại gia chơi cây cảnh hàng triệu đô, riêng cây thế có tên “Ngai vàng” đổi bằng 6 lô đất biệt thự (so như thế thì một đám cưới “khủng”, có khi chưa bằng giá trị một cây cảnh). Còn nhiều chuyện lạ tai hơn nữa: Một bát phở có giá 3 triệu đồng. Một miếng bít tết giá 2 triệu đồng. Chưa hết, trong khi bệnh nhân còn phải 3 người một giường thì ở ta tính ra hiện có gần 100 bệnh viện dành riêng cho chó, mèo mà viện phí có khi tới vài chục triệu; lại còn có thẩm mỹ viện… chó gồm cả spa, nail…

Vẫn biết trong nền kinh tế thị trường phải chấp nhận cảnh người nghèo - kẻ giàu, người kiếm miếng ăn khó khăn, kẻ thì thừa bứa, dễ dàng. Giá mà những đại gia kia nhìn ra xung quanh thấy vẫn còn hàng triệu gia đình thiếu đói, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, con cái không đủ tiền học hành mà bớt đi cái “siêu”, đem giúp bà con nghèo như xây trường học, cầu (dù mang tên họ đi nữa) cho nơi nghèo khó thì hay biết mấy! Chỉ cần vậy thôi chứ chưa nghĩ đến việc họ dành một phần tài sản của mình như ông A.Nobel để thành lập giải Nobel danh giá hay tỷ phú Bill Gate dành cả tỷ đô la làm từ thiện. Cái tiếng ấy để lại mãi cho đời chứ cái sự sài sang, tổ chức cưới xin rình rang, dây chuyền đeo còng cả lưng, “gãy cả cổ” như ở ta chỉ là khoe mẽ, thiếu tôn trọng đạo lý phản ánh văn hóa không lành mạnh của một bộ phận người giàu. Văn hóa tiêu tiền là tiêu tiền vào mục đích chính đáng và cần thiết chứ không phải cứ có nhiều tiền là đem ném qua cửa sổ. Tiêu tiền kiểu đó chẳng khác nào  trò mua vui một cách kệch cỡm cho thiên hạ cười mà thôi.