Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Chiến lược và Lịch sử Bộ Công an; Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân:

Văn hóa con người Việt Nam ẩn sâu, bền vững ở tầng chìm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến các vấn đề về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới của đất nước, Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Chiến lược và Lịch sử Bộ Công an; Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân.

Cần nhìn vào văn hóa ở bề sâu, đừng nhìn vào bề nổi

- PV: Thưa Thiếu tướng, là một trong các đại biểu của ngành Công an tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, cá nhân ông đánh giá như thế nào về những vấn đề văn hóa nổi cộm hiện nay?

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái (Phó Cục trưởng Cục Khoa học Chiến lược và Lịch sử Bộ Công an; Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân)

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái (Phó Cục trưởng Cục Khoa học Chiến lược và Lịch sử Bộ Công an; Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân)

- Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái (Phó Cục trưởng Cục Khoa học Chiến lược và Lịch sử Bộ Công an; Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân): Tôi thấy bây giờ, kể cả báo chí, truyền thông hay mạng xã hội đều gọi chung một cụm từ là “văn hóa xuống cấp”, điều đó tôi không đồng tình chút nào. Đúng là đã có những biểu hiện lệch lạc, có những báo động về mặt thể hiện của một số nhóm người trong ứng xử là lệch chuẩn, đáng phê phán. Nhưng, chúng ta cần nhìn vào văn hóa ở bề sâu, đừng nhìn vào bề nổi. Cũng không thể vì một vài bài hát gây phản cảm, một số hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội hay có một số bộ phim, những cuốn sách sáng tác nghệ thuật thấp về thẩm mỹ, chạy theo thị hiếu tầm thường, a dua hoặc lai căng, chưa để tôn vinh cái đẹp đã vội kết luận “văn hóa xuống cấp” thì không đúng. Tất nhiên, đang có những báo động về mặt ứng xử văn hóa, coi trọng đồng tiền, ứng xử giữa con người với con người trong xã hội có nhiều câu chuyện, biểu hiện đáng buồn.

Có mấy điểm căn cốt sau đây để tôi có thể khẳng định văn hóa con người Việt Nam vẫn ẩn sâu, bền vững ở tầng chìm, mà biểu hiện rõ nhất là 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 gây ra biết bao hệ lụy, khủng hoảng và cả những mất mát, hy sinh đối với người dân cả nước. Nhưng trong những ngày tháng cả đất nước khó khăn đó, đã có biết bao nhiêu câu chuyện xúc động, những tấm lòng và cả những sẻ chia... - tất thảy những điều ấy xuất phát từ nền tảng văn hóa Việt Nam. Văn hóa là cái gốc ấy đã thổi bùng lên ngọn lửa ấm những yêu thương giữa con người với con người gây xúc động bao con tim cả người trong nước và cộng đồng quốc tế. Những “chuyến bay giải cứu”, những “cây ATM gạo”, “ATM oxy”, trạm cung cấp xăng miễn phí, thực phẩm miễn phí cho người trốn dịch lỡ độ đường xa…. Văn hóa làm nên nghĩa đồng bào. Yêu thương đoàn kết và giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Đó cũng là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta xây dựng, phát huy nghĩa tình, lòng nhân ái khoan dung, “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, một lần nữa là dịp để toàn dân tộc có thể tập trung khát vọng xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng, phát huy nền văn hóa Việt Nam, con người mới Việt Nam ứng xử trong xu thế hội nhập với thế giới. Trước đây, văn hóa của chúng ta từng bị thử thách trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, và nền văn hóa đó đã chiến thắng để làm nên một Việt Nam độc lập, tự cường ngày hôm nay. Thì nay, tôi tin nền văn hóa Việt Nam đang tiếp thụ những điểm tinh hoa văn hóa của nhân loại sẽ giữ vững bản sắc hội nhập để xứng đáng là nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần sức mạnh nội sinh để xây dựng đất nước ta hùng cường, đóng góp bản sắc của mình vào vườn hoa giàu hương sắc của thế giới.

Một cảnh trong bộ phim “Sát thủ online” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (Tiểu thuyết “Sát thủ Online” từng được trao giải A năm 2010 trong Cuộc thi viết “Vì an ninh tổ quốc, vì bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phát động)

Một cảnh trong bộ phim “Sát thủ online” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (Tiểu thuyết “Sát thủ Online” từng được trao giải A năm 2010 trong Cuộc thi viết “Vì an ninh tổ quốc, vì bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phát động)

Chúng ta đã từng có những cuộc chiến để giữ gìn nền độc lập của dân tộc, chiến thắng của chúng ta trong lịch sử không chỉ được hun đúc từ lòng yêu nước, mà chính là sức mạnh trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh của cả nền văn hóa Việt Nam qua 4.000 năm lịch sử. Bây giờ là một thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Càng hội nhập, văn hóa càng giao thoa. Vậy trước những thách thức của sự giao thoa, chúng ta ứng xử như thế nào với sự du nhập của những nền văn hóa khác. Đó là vấn đề cần phải giải quyết, định hướng để có những thiết chế trong thời điểm này cho mỗi người Việt Nam. Xây dựng, phát triển, tôn vinh, bồi đắp nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo quan điểm của Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh để tạo nên sức mạnh mềm, ứng xử, tiếp thụ tinh hoa các nền văn hóa trên thế giới nhưng vẫn có những cái riêng của mình, đó chính là tinh thần của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xây dựng con người Việt Nam với khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh.

Thành tựu văn hóa Công an nhân dân toàn diện và nhân văn

- Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này có ý nghĩa như nào đối với việc phát triển văn hóa nói chung và văn hóa trong Công an nhân dân nói riêng, thưa Thiếu tướng?

- Phải nói ngay rằng, trong rất nhiều năm vừa qua, lãnh đạo Bộ Công an trong các thời kỳ đều quan tâm xây dựng văn hóa trong Công an nhân dân. Thành quả của chủ trương ấy đã tạo nên đời sống văn hóa tinh thần phong phú, phát triển sâu rộng trong cuộc sống, công tác, chiến đấu của toàn lực lượng Công an nhân dân trong lịch sử 76 năm qua. Văn hóa Công an nhân dân đã góp phần to lớn phát triển, bồi đắp nhân cách người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Tài sản tinh thần vô giá của lực lượng Công an nhân dân chính là 6 điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 11-3-1948 có giá trị trường tồn. Từ phong trào học tập và thực hiện 6 điều dạy của Bác, chúng ta đã có những cuộc phát động phong trào thi đua lớn, như Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người chiến sĩ Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” thấm đậm tinh thần nhân văn sâu sắc góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, “chỉ biết còn Đảng thì còn mình”, “Vì an ninh Tổ quốc, vì nhân dân phục vụ”.

“Trước đây, văn hóa của chúng ta từng bị thử thách trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, và nền văn hóa đó đã chiến thắng để làm nên một Việt Nam độc lập, tự cường ngày hôm nay. Thì nay, tôi tin nền văn hóa Việt Nam đang tiếp thụ những điểm tinh hoa văn hóa của nhân loại sẽ giữ vững bản sắc hội nhập để xứng đáng là nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần sức mạnh nội sinh để xây dựng đất nước ta hùng cường, đóng góp bản sắc của mình vào vườn hoa giàu hương sắc của thế giới”.

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái (Phó Cục trưởng Cục Khoa học Chiến lược và Lịch sử Bộ Công an;Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân)

Thời gian qua, nhiều thành tựu về hoạt động phong phú, đa dạng, liên tục, toàn diện của các lĩnh vực như báo chí, xuất bản, truyền hình, văn học, nghệ thuật, đời sống văn hóa Công an nhân dân… đã tác động tích cực, có hiệu quả thiết thực nâng tầm mọi hoạt động văn hóa của toàn lực lượng, góp phần vào thành tích chung của lực lượng Công an nhân dân trong công tác và chiến đấu phòng, chống tội phạm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân.

Cùng với những Chỉ thị, Nghị quyết về văn hóa Công an qua các thời kỳ, mới đây nhất, ngày 28-9-2021, Đảng ủy Công an Trung ương đã ra Nghị quyết số 05 về “Nâng cao chất lượng công tác văn hóa văn nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng chính quy tinh nhuệ, hiện đại” đã thể hiện tầm nhìn và trách nhiệm ngay từ rất sớm của lực lượng Công an nhân dân tiên phong thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng.

Có thể lấy ví dụ trong những năm qua, để phát huy tác động tích cực của văn hóa trong đời sống, ngành Công an cũng đã phát triển nhiều bộ môn văn hóa nghệ thuật, thành lập các chi hội nhà văn, chi hội điện ảnh, chi hội sân khấu, chi hội âm nhạc, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Âm nhạc Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam… sáng tạo tác phẩm, tổ chức các liên hoan, hội diễn sân khấu phục vụ đời sống tinh thần không chỉ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân mà cả người dân ở mọi miền Tổ quốc. Riêng đối với lĩnh vực văn học, từ những năm 1996 đến nay, liên tục Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam mở 4 cuộc vận động sáng tác về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống”, 2 lần phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, 2 lần chỉ đạo Chi hội nhà văn Công an cùng Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức giải sáng tác văn học mang tên “Cây bút vàng”… Qua những cuộc phát động đó, đã có hàng nghìn lượt nhà văn trong và ngoài lực lượng tham gia sáng tác, thâm nhập đời sống của cán bộ, chiến sĩ Công an từ cơ sở để sáng tạo tác phẩm. Nhiều nhà văn uy tín của Việt Nam đã tham gia, đồng hành sáng tạo nên những tác phẩm xuất sắc như nhà văn Ma Văn Kháng, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Chu Lai, Dương Duy Ngữ, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Quang Đẩu, Xuân Đức, Trầm Hương, Phạm Thanh Khương, Nguyễn Như Phong và các nhà văn trẻ Di Li, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp, Phùng Nguyên…

“Mê cung” - bộ phim có chủ đề về lực lượng Công an nhân dân đã được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam thời gian gần đây

“Mê cung” - bộ phim có chủ đề về lực lượng Công an nhân dân đã được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam thời gian gần đây

Mấy chục năm qua, đã có hàng nghìn tác phẩm văn học về đề tài công an ra đời và trở thành tài liệu, giá trị, món ăn tinh thần cho lực lượng Công an nhân dân. Bộ Công an đã cho in và phổ biến đến toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên toàn quốc để đọc, tiếp cận với lượng sách có giá trị này. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng tổ chức 4 lần liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân quy tụ hàng chục đoàn nghệ thuật trong toàn quốc tham dự, tạo nên những hiệu quả nghệ thuật cao đối với đời sống văn hóa của toàn lực lượng. Bộ Công an cũng phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam vận động, sáng tác những ca khúc về đề tài công an. Rất nhiều bài hát hay, xúc động đã ra đời từ những cuộc vận động này. Gần đây nhất, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định xây dựng Nhà hát Công an tại vị trí đắc địa, rất đẹp ở trung tâm Thủ đô, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ vài trăm bước chân. Đây sẽ là sân chơi, nơi hội tụ sáng tạo của các nghệ sĩ Công an, của Thủ đô và cả nước. Hi vọng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, khán giả Thủ đô và cả nước sẽ được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao trong thời gian sớm nhất. Có thể nói những đầu tư cho văn hóa như trên các lĩnh vực của Bộ Công an trong thời gian qua là liên tục, khoa học và hiệu quả, ngày càng hứa hẹn những thành tựu văn hóa toàn diện và nhân văn.

Văn hóa của một quốc gia, dân tộc đều buộc phải đi qua ngõ của từng gia đình; bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện qua ngôn ngữ, văn học và nhiều loại hình nghệ thuật khác

Văn hóa của một quốc gia, dân tộc đều buộc phải đi qua ngõ của từng gia đình; bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện qua ngôn ngữ, văn học và nhiều loại hình nghệ thuật khác

Giá trị đẹp cần phải được lan tỏa

- Có một thực tế là, chúng ta có nhiều cuộc thi, tổ chức nhiều cuộc vận động, tuy nhiên, những tác phẩm về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân dù được đánh giá cao nhưng việc phổ biến đến với đông đảo công chúng vẫn còn nhiều hạn chế. Theo Thiếu tướng, phải làm thế nào để những tác phẩm có chất lượng này được tiếp cận đông đảo bạn đọc, khán giả hơn nữa?

- Điều này thì phải thừa nhận là đúng. Riêng về văn học chúng ta có nhiều tác phẩm hay của nhiều thế hệ nhà văn về đề tài người chiến sĩ Công an nhân dân. Ngay ở trong ngành cũng đã xuất hiện những tác phẩm có giá trị nội dung nghệ thuật cao của các nhà văn Lê Tri Kỷ, Ngôn Vĩnh, Văn Phan, Tôn Ái Nhân, Hữu Ước, Như Phong, Phan Quế, Khổng Minh Dụ, Nguyễn Hồng Thái, Bùi Anh Tấn, Trần Thanh Hà, Chu Thanh Hương, Đào Trung Hiếu…, nhưng việc lan tỏa giá trị tác phẩm đến với đông đảo bạn đọc vẫn còn hạn chế. Tôi nghĩ, trong thời gian tới, vấn đề tuyên truyền, truyền thông rất quan trọng. Cần phải có nhiều hơn nữa những cuộc tọa đàm, hội thảo về những tác phẩm hay, tác phẩm mới. Nghĩa là một giá trị đẹp cần phải được lan tỏa cho nhiều người biết chứ không thể cứ giữ mãi ở trong kho sách được.

Cũng có thể chuyển thể từ tác phẩm văn học sang sân khấu, điện ảnh để tiếp cận được với nhiều tầng lớp khán giả hơn. Tôi nói ví dụ, tác phẩm “Bão ngầm” của tác giả Đào Trung Hiếu, từng được một doanh nghiệp chuyển thể thành bản điện ảnh với mức đầu tư 2 triệu USD, tuy nhiên, thời điểm này vì một vài lý do nào đó mà chưa kịp ra mắt. Nhiều tác phẩm văn học viết về đồng chí Lê Giản, Nguyễn Tài, Nguyễn Văn Ngọc, tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải viết về đồng chí Mai Chí Thọ, Trần Quốc Hương hoặc như “Đơn tuyến” của nhà văn Phạm Quang Đẩu viết về nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc…, nhưng rất tiếc chúng ta chưa có chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh xứng tầm để có kênh lan tỏa hấp dẫn.

“Chạy án” (2006-2008) là 2 phần hay nhất của loạt phim Cảnh sát hình sự

“Chạy án” (2006-2008) là 2 phần hay nhất của loạt phim Cảnh sát hình sự

Phải có những đầu tư nhất định và dài hơi

- Cách đây khoảng 20 năm, một bộ phim đã gây ấn tượng mạnh và để lại biết bao yêu thích trong lòng khán giả là “Cảnh sát hình sự”. Bộ phim khi đó nổi tiếng đến nỗi ngay cả ca khúc nhạc phim cũng làm mưa làm gió trên các sân khấu ca nhạc thời bấy giờ. Hiện tại, lực lượng Công an nhân dân từng ngày từng giờ vẫn khám phá được những chuyên án lớn. Ngay cả trong đại dịch Covid-19 cũng có quá nhiều cống hiến, hy sinh, những câu chuyện xúc động về lực lượng Công an nhân dân được chính nhân dân kể lại. Và chúng ta cũng chưa có những tác phẩm để nói về chúng ta, để dân hiểu hơn, tin yêu hơn?

- Tôi nghĩ, chúng ta cần phải có những đầu tư nhất định và dài hơi, có chính sách cụ thể. Ví dụ cơ chế đặt hàng kịch bản các nhà văn có tên tuổi, khâu tổ chức sản xuất cần có sự kết hợp đầu tư ngân sách và xã hội hóa. Trong thời gian tới, khi Luật Điện ảnh mới được Quốc hội thông qua, tôi nghĩ sẽ “cởi trói” rất nhiều trong việc phối hợp sản xuất. Tôi tin các nhà văn Công an nói riêng, các văn nghệ sĩ Công an nhân dân nói chung sẽ là những người tiên phong sáng tạo tác phẩm như kỳ vọng của lãnh đạo ngành Công an và bạn đọc.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái!

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng: Đi đến tận cùng của văn hóa dân tộc thì sẽ gặp văn hóa thế giới

“Tôi sống ở Hà Nội tính đến nay cũng gần 20 năm. Đây là mảnh đất hào hoa, thanh lịch, nên bất cứ ai ở tỉnh khác về đều xem Hà Nội giống như thành phố đáng sống của mình, để rồi từ đó muốn góp phần xây dựng sự văn minh, thanh lịch của người Hà Nội. Điều này cũng giống như một người ngỗ nghịch đến mấy mà bước chân vào chùa chiền, nhìn thấy tượng Phật thì cũng nền tính hơn vậy. Văn hóa Hà Nội, vì thế, có thể nói là sự chuyển hóa, kết tinh từ nhiều vùng văn hóa khác. Nó buộc người ta phải tự uốn mình sống theo, tự nâng tầm văn hóa của mình lên để làm sao xứng đáng với Hà Nội. Tất nhiên, ngay cả những thành phố phồn hoa đô hội trên thế giới cũng có góc này, góc khác. Hà Nội cũng vậy thôi, song rõ ràng đây là một thành phố đáng sống, thành phố vì hòa bình.

Lẽ thường, bản sắc văn hóa thể hiện qua ngôn ngữ, văn học và nhiều loại hình nghệ thuật khác. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm cách giữ được cái cốt lõi tạo nên bản sắc ấy. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là nếp sống văn hóa từ nhà đến trường học, cơ quan, công sở… mà mỗi người cần phải có ý thức xây dựng và giữ gìn. Văn hóa của một quốc gia, dân tộc, đều buộc phải đi qua ngõ của từng gia đình. Từng gia đình đó làm nên văn hóa của cả một quốc gia, dân tộc chứ không phải văn hóa ở đâu xa lạ cả. Văn hóa là vậy! Cho nên nếu muốn giữ gìn bản sắc văn hóa thì hãy giữ gìn văn hóa trong từng gia đình, xóm thôn. Tất cả những điều đó làm nên văn hóa chung của Hà Nội thanh lịch. Tôi tin rằng trong sự phát triển và hội nhập của đời sống hiện đại, những nét văn hóa gốc, văn hóa nền vẫn giữ được, đó là truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu lễ với cha mẹ…

Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc đầu tiên để giữ gìn được bản sắc văn hóa thì phải xây dựng được văn hóa trong những người làm văn hóa. Làm văn hóa mà không hiểu cội nguồn văn hóa dân tộc, rồi lai căng… thì sẽ tác động rất lớn đến nhận thức của nhiều tầng lớp khác. Tôi rất tâm đắc với câu nói: “Chúng ta đi đến tận cùng của văn hóa dân tộc thì sẽ gặp văn hóa thế giới”. Bởi xét cho đến tận cùng thì văn hóa thế giới cũng là văn hóa của mỗi quốc gia tạo nên nền văn minh nhân loại. Cho nên mới nói, bản sắc văn hóa chính là tấm “căn cước văn hóa” của mỗi quốc gia. Văn hóa Hà Nội, theo tôi, cũng không thể đứng ngoài xu thế phát triển chung, nhưng việc gìn giữ bản sắc của mảnh đất này là vô cùng quan trọng. Tôi vẫn nghĩ để giữ được bản sắc văn hóa của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến thì một trong những điều cần thiết là việc quy hoạch lại diện mạo không gian văn hóa đô thị. Ví như chúng ta không nên đưa thêm các công trình cao tầng vào nội đô nữa; chuyển dần các trường đại học, cơ quan, công sở, bệnh viện… ra khỏi nội đô; quy hoạch các trung tâm văn hóa, khu phố đi bộ, đi xe đạp… Đó dĩ nhiên là tầm nhìn chiến lược lâu dài, nhưng tôi hy vọng Hà Nội đã và đang làm được”.