Văn hóa... bệnh viện

(ANTĐ) - Cái gì thiếu, cái gì yếu thường được xã hội nói đến nhiều. Văn hóa là một trong những điều vừa yếu và thiếu, vừa sa sút. Đời sống vật chất lên trông thấy; văn hóa tối thiểu và sơ đẳng tụt thảm hại. Văn hóa công sở, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp được nhắc đến và bàn tới quá nhiều. Thậm chí đến những xe buýt cũng phải sơn đậm hai chữ  “văn hóa” và nay người dân và dư luận lại không thể chịu đựng thêm về văn hóa trong bệnh viện.

Văn hóa... bệnh viện

(ANTĐ) - Cái gì thiếu, cái gì yếu thường được xã hội nói đến nhiều. Văn hóa là một trong những điều vừa yếu và thiếu, vừa sa sút. Đời sống vật chất lên trông thấy; văn hóa tối thiểu và sơ đẳng tụt thảm hại. Văn hóa công sở, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp được nhắc đến và bàn tới quá nhiều. Thậm chí đến những xe buýt cũng phải sơn đậm hai chữ  “văn hóa” và nay người dân và dư luận lại không thể chịu đựng thêm về văn hóa trong bệnh viện.

Hãy để sang một bên chuyện y đức nghe có vẻ cao xa và “xa xỉ” quá. Chỉ nói tới chuyện nhỏ nhặt và “vặt vãnh”: thái độ, cử chỉ, lời ăn tiếng nói của bác sĩ, y tá, nhân viên đối với người bệnh và người nhà của những con người chẳng may đau ốm, đổ bệnh phải nhờ cậy bàn tay bác sĩ  chăm sóc, cứu chữa.

Thời xa xưa, dân ta quen gọi bệnh viện là “nhà thương”. Nôm na mà sâu sắc quá. Đấy là nơi thương người, cưu mang người trong những lúc hiểm nguy, “thập tử nhất sinh”. Bác Hồ từng căn dặn: “Thầy thuốc như mẹ hiền”.

Đành rằng, bước vào mọi bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM cũng như trên khắp cả nước, đâu đâu cũng đầy ắp, chen chúc người bệnh. Hiếm có nơi nào quá tải như bệnh viện. Đành rằng, cường độ làm việc của các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế căng thẳng đến mức không thể chịu nổi, trong khi bệnh tật ngày càng phức tạp, thời gian khám và chữa bệnh dồn dập, căng thẳng, điều kiện, cơ sở y tế hạn hẹp, không thể đòi hỏi thầy thuốc, y tá lúc nào cũng phải nở nụ cười với người bệnh.

“Mẹ hiền” đến mấy cũng khó kiên nhẫn suốt “ngày dài đêm thâu”. ở đây, người bệnh và người thân của họ chỉ mong nhận được từ những “lương y” sự cảm thông, chia sẻ và sự đồng cảm giữa con người với con người. ở đây, có một sự  thật không thể bỏ qua.

Các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế đã quá quen mắt, quen chứng kiến nỗi đau đớn, hốt hoảng, lo sợ và tuyệt vọng của người bệnh. Ngày tiếp ngày, tháng này qua tháng khác, lúc nào cũng sống giữa không khí “đầy mùi” bệnh tật, giữa những bộ mặt nhăn nhúm, thiểu não, chán chường.

Có phải vì thế nên họ đã “chai sạn” cảm xúc trước nỗi đau của đồng loại, “vô cảm” trước nỗi khổ nhiều khi còn khủng khiếp hơn cả nỗi đau khiến người bệnh suy sụp, chìm trong tuyệt vọng? Có phải vì thế nên những người thầy thuốc, y tá nói năng cộc lốc, cáu bẳn, thậm chí lớn tiếng quát mắng người bệnh?

Trong xã hội, nghề y đòi hỏi tình yêu thương con người cao nhất hơn cả bằng cấp, chuyên môn. Bước vào nghề này là chấp nhận “xả thân” cứu người, “thương người như thể thương thân” với lời thề thiêng liêng Hypôcrat. Cả xã hội chỉ dành hai chữ “thầy” kính trọng đối với thầy giáo và thầy thuốc. Vẫn biết sự đãi ngộ của xã hội dành cho hai người thầy chưa tương xưng với công sức lớn lao cùng những vất vả, hy sinh thầm lặng.

Song, một cử chỉ quan tâm, đồng cảm; một ánh mắt, giọng nói thân thiện của người thầy thuốc, y tá có thể có tác dụng như liều thuốc dịu bớt nỗi đau thể xác, tinh thần của người bệnh.

Thật đáng quý, đáng trân trọng khi biết rằng, các bệnh viện ở TP.HCM đang mở các lớp học dạy kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ, nhân viên y tế. Người thầy thuốc không chỉ được học để chữa bệnh cứu người! Các bệnh viện Hà Nội chẳng lẽ lại không học tập?

Đan Thanh