- Mới: Sắp tới, giáo viên được dạy thêm bên ngoài nhà trường?
- Thêm nhiều cơ sở giáo dục phải tạm dừng dạy học liên kết trong trường học
Cuộc đua học thêm từ tiểu học tới đại học
Nói đến hiện trạng học thêm đang diễn ra ở các cấp học có thể thấy từ nông thôn đến thành thị, đây đang là áp lực không nhỏ với học sinh. Mặc dù quy định của Bộ GD-ĐT vẫn cấm dạy thêm với bậc Tiểu học, tuy nhiên đứng trước cuộc đua vào trường “hot”, phụ huynh nào cũng phải ép con học thêm để môn nào cũng phải được điểm 9, điểm 10, để đạt danh hiệu học sinh xuất sắc mới mong vượt qua được vòng loại hồ sơ khi tuyển sinh lớp 6. Bên cạnh đó, thu nhập và bệnh thành tích từ các giáo viên cũng khiến phụ huynh dù không muốn cũng phải cho con đi học thêm bất chấp các con đã học cả ngày ở trường.
Áp lực thành tích, áp lực tuyển sinh khiến học sinh các cấp học đều phải đối mặt với tình trạng quá tải học thêm |
Ngoài ra, nhu cầu học thêm (mà thực chất là gửi trẻ của các gia đình có bố mẹ đi làm ca kíp, không thể về đón con sau khi tan trường) là khá nhiều, nhất là tại những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp. Việc gửi thầy cô vừa trông con, vừa cho con ăn, vừa cho con học, làm bài tập sau giờ học chính khóa đã trở thành nhu cầu tất yếu với những gia đình trẻ, không có sự trợ giúp của ông bà.
Đối với học sinh THCS, dù học 1 hay 2 buổi ở trường thì nếu định hướng phải vào lớp 10 công lập thì điều chắc chắn là sẽ phải học thêm khi điểm đầu vào các môn thi bắt buộc phải từ 7,5 - 8 điểm trở lên. Chị Đinh Hoàng Mai, phụ huynh học sinh trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình) cho biết, con chị có lịch học thêm dày đặc bởi nhu cầu ôn luyện thi vào lớp 10. Việc Hà Nội chỉ đáp ứng được 60% học sinh tốt nghiệp THCS được học tại các trường THPT công lập đã khiến cuộc đua học thêm với học sinh THCS không có hồi kết.
Với học sinh THPT, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến cho việc học thêm càng quyết liệt khi các em vẫn chưa yên tâm với các phương thức, tổ hợp xét tuyển từ năm 2025 của các trường đại học. Ngoài ra, việc ngày càng nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng đánh giá tư duy, đánh giá năng lực lại khiến học sinh miệt mài học thêm, luyện thi dù các trường đều khẳng định nội dung thi trong chương trình phổ thông.
Học sinh mong muốn có biện pháp giảm áp lực học thêm để việc đến trường trở thành niềm vui đúng nghĩa |
Giáo viên dạy thêm vì thu nhập quá thấp
Ngày 18-11, Đại học Quốc gia TP.HCM đã công bố báo cáo nghiên cứu về đời sống giáo viên mầm non và phổ thông, thực nghiệm tại Bình Thuận, Tây Ninh, Hậu Giang. Các thầy cô tham gia khảo sát cho biết, dù lương cơ sở đã tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng thì thu nhập của giáo viên cũng chỉ đáp ứng 51,8% nhu cầu chi tiêu gia đình hàng tháng. Riêng giáo viên có thâm niên dưới 10 năm đánh giá, thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 45,7% nhu cầu chi tiêu hàng tháng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 63,57% giáo viên bày tỏ nguyện vọng được hợp pháp hóa việc dạy thêm, bao gồm cả dạy thêm ở nhà và dạy thêm online để tăng thu nhập từ chính năng lực của mình.
Kết quả khảo sát 12.500 giáo viên tham gia cho thấy, có 25,4% giáo viên cho biết đã dạy thêm trong trường và 8,2% có dạy thêm ngoài trường. Việc dạy thêm chủ yếu tập trung vào các môn Toán, Văn, Anh Văn, Lý, Hóa. Trong đó, giáo viên dạy thêm ở cấp Tiểu học là 8,6 giờ/tuần, cấp THCS là 13,75 giờ/tuần và cấp THPT là 14,91 giờ/tuần. Theo ý kiến của nhiều giáo viên, việc cấm dạy thêm là không công bằng khi ở các ngành nghề khác như bác sĩ, luật sư… hoàn toàn vẫn có thể làm thêm hợp pháp bên ngoài theo đúng lĩnh vực chuyên môn của mình.
Cần loại bỏ biến tướng trong dạy thêm
Nêu quan điểm về vấn đề dạy thêm, học thêm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, việc học thêm với mục đích có điểm không đúng với năng lực thực sự do người dạy thêm không khách quan mới là điều cần chấm dứt, vì thực tế nhu cầu dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại khách quan. Do đó, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với về vấn đề này, trong dự án Luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm, học thêm.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, chủ trương của Bộ là không cấm dạy thêm, nhưng cấm những hành vi vi phạm đạo đức về dạy thêm, trong đó có việc “giáo viên ép buộc học sinh học thêm”. Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng quy định mới, loại bỏ các thủ tục hình thức. Chẳng hạn, thay vì xin phép hiệu trưởng để được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình, thầy cô có thể dạy nhưng cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em phải học. Đồng thời, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Đồng tình với biện pháp này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh đề xuất, nếu cơ sở giáo dục nào cho phép thầy cô dạy chính học sinh của mình thì các bài kiểm tra ở đó phải được lấy ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi với đầy đủ các độ khó trước khi làm bài kiểm tra, phản ánh đúng năng lực học sinh, đảm bảo công bằng cho tất cả các em học sinh.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò.
Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, thay thế Thông tư 17 hiện hành. Dự thảo Thông tư này quy định 5 nguyên tắc với hoạt động dạy thêm học thêm.
Thứ nhất, dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu và được cha mẹ/người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Thứ hai, nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.
Thứ ba, thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.
Thứ tư, không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Thứ năm, không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.