Vận động đầu thú trong vùng ma túy

ANTĐ - Sẽ không thể nào quên vụ việc 3 cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Hòa Bình ngã xuống khi đối đầu với tội phạm buôn bán ma túy tại Hang Kia - Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Dần. Và cũng bắt đầu từ thời điểm ấy, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm và Cục Cảnh sát truy nã tội phạm lên phương án 592, thành lập tổ công tác về những điểm nóng ma túy vận động các đối tượng đầu thú. 

Tổ công tác xuống bản đi vận động đầu thú

Từ nhận thức mới…

Nhắc đến Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) và Lóng Luông, Vân Hồ (Mộc Châu, Sơn La), là nói đến địa điểm trung chuyển ma túy lớn nhất cả nước. Nhằm đảm bảo ổn định ANTT trên địa bàn, 5 cán bộ của phòng 4 Cục Cảnh sát truy nã tội phạm đã nhận lệnh lên đường với mục tiêu vận động tối đa các đối tượng đang mang lệnh truy nã ra đầu thú. Theo Đại tá Nguyễn Dĩnh - Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm thì bắt đối tượng có lệnh truy nã cũng là một nhiệm vụ quan trọng nhưng nếu vận động được thì mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề. “Phải làm thế nào đó để họ tự trở về tốt hơn là mình bắt họ” - chỉ đạo của đồng chí Cục trưởng đã làm thay đổi  suy nghĩ của lực lượng công an bắt truy nã. Điểm đến đầu tiên là Mai Châu, Hòa Bình và sau 1 năm, tổ công tác của Cục Cảnh sát truy nã tội phạm lại hành quân lên Lóng Luông, Mộc Châu, Sơn La. Cho đến thời điểm này, tổ công tác vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình ở cái nơi mà nhắc đến tên cũng  làm nhiều người e ngại. Theo chân một đoàn phượt, chúng tôi đến thăm các anh.

Xã Lóng Luông có địa hình phức tạp nằm trong khu vực rừng núi Tây Bắc hiểm trở, đường sá đi vào khó khăn, dân số có đến 85% là người dân tộc Mông, trước đây sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng cây thuốc phiện. Bí thư Đảng ủy xã Mùa A Chìa bảo: Khó khăn lắm, thu nhập bình quân đầu người có hơn 5 triệu đồng/năm thôi. Ma túy từ Lào về để xuống được vùng đồng bằng và các thành phố khác phải đi qua Lóng Luông. Người dân nhận thức hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật, lại không có nghề gì làm ngoài trồng ngô lúa. Bị bọn xấu dụ dỗ mua chuộc đi vận chuyển thuê hàng trắng là họ thành người phạm tội. Chính trong dòng họ của lãnh đạo xã cũng còn nhiều người đi buôn thứ hàng chết người đó. 

…Đến những việc làm thiết thực

Thiếu tá Đồng Ngọc Hà, thành viên tổ công tác cho biết: Việc đầu tiên khi đến với địa bàn không phải là “điểm danh” những đối tượng cầm đầu ở địa phương xem mặt mũi như thế nào mà các anh phải thực hiện công tác nắm tình hình tổng thể. Theo thống kê của lực lượng Công an xã Lóng Luông thì trong xã hiện có 134 đối tượng đang thi hành án các tội về ma túy; số đối tượng có lệnh truy nã là 35, trong đó có 31 người dân tộc Mông. Xã Vân Hồ cũng có 3 đối tượng truy nã và đều là người dân tộc Mông. 

Với một bức tranh tối màu như vậy, tổ công tác đến khiến dân rất nghi ngại, không tiếp xúc. Trung tá Dương Đình Lập, một thành viên tổ công tác nhớ lại những ngày đầu gian khó: Đi đến nhà dân dù có cán bộ cơ sở đi cùng, hỏi chuyện họ đều nói tiếng địa phương. Làm quen ban đầu rất khó khăn, nhưng anh em quyết không nản, miệng nói tay làm sao cho dân tin, dân hiểu. Con đường vào các bản Lũng Xá, Tà Dê chỉ có một lối duy nhất là vượt núi nên chỉ có cách đi bộ. Đây cũng là những bản có lượng “lô cốt” khó đánh nhất. Nhiều đối tượng cố thủ trong hang động hoặc xây hầm trú ẩn trong chính nhà mình. Trong số này, hầu hết đã buôn ma túy hoặc có lệnh truy nã đang lẩn trốn trong địa bàn sử dụng vũ khí nóng. Chúng sẵn sàng chống trả khi có lực lượng công an tiến hành truy bắt.

Mất hai tháng để làm quen, sau những nghi ngại đề phòng, người dân cũng bắt đầu hiểu lực lượng công an nói chung, lính truy nã nói riêng. Đầu tiên là người già trong bản, rồi đến thanh niên bắt đầu đồng tình ủng hộ. Lính truy nã bắt đầu gây dựng phong trào bằng các hình thức khác nhau. Kế hoạch 135 được vạch ra, các lực lượng tham gia ngoài Cục Cảnh sát truy nã tội phạm còn tăng cường thêm Công an tỉnh Sơn La và CAH Mộc Châu, gọi chung là tổ công tác 135. Tổ đã lựa chọn những già làng, trưởng bản có uy tín để chuẩn bị cho kế hoạch vận động đầu thú. Chia thành từng nhóm nhỏ, các anh thay nhau xuống tận các gia đình có người thân là đối tượng truy nã, gửi thư kêu gọi đầu thú. “Bảo bối” của tổ công tác chính là thông báo liên ngành của công an - tòa án - VKSND tỉnh Sơn La, thông báo 71 của Bộ Công an về việc khoan hồng cho những đối tượng truy nã người Mông, xử dưới khung nếu ra đầu thú. Thông qua người thân trong gia đình, những đối tượng đã ra đầu thú lại vận động người chưa đầu thú. Thiếu tá Hà chia sẻ: Giữa lúc có một số đối tượng bắt đầu ra đầu thú thì một đoàn công tác gồm Cục Cảnh sát truy nã, Bệnh viện 198, Công an tỉnh Sơn La, CAH Mộc Châu đã tổ chức chương trình “Vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc nhân dân” tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho đồng bào trong xã. Ngay sau đó, một lễ kết nghĩa giữa Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ xã Lóng Luông với 2 đơn vị này của Cục Cảnh sát truy nã tội phạm đã được tổ chức. Đại tá Nguyễn Dĩnh lên thăm, tiếp nhận đối tượng đầu thú đã tặng áo thi đấu và bóng da cho các đội bóng của xã. Kết thúc là một trận đấu giao hữu giữa thanh niên xã Lóng Luông và thành viên tổ công tác. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng lại có hiệu ứng tích cực, công an và người dân địa phương trở nên gần gũi với nhau hơn.

(Còn nữa)