Vận động bằng hành động

ANTĐ - Mặc dù tay nghề đội ngũ bác sĩ Việt Nam ngày một nâng cao, điều trị thành công nhiều ca bệnh khó đến thế giới cũng phải bó tay, nhưng mỗi năm vẫn có khoảng 40.000 người bệnh ra nước ngoài chữa bệnh. Điều đó có nghĩa là mỗi năm 1 tỷ USD “chảy” vào các bệnh viện ở nước ngoài. Cuộc hội thảo “Người Việt Nam ưu tiên khám chữa bệnh tại Việt Nam” nhằm mục tiêu quảng bá thế mạnh y học Việt Nam và vận động người dân điều trị trong nước thay vì xuất ngoại, gây thất thoát ngoại tệ lớn.

Chữa bệnh, dù học nước ngoài đương nhiên là tốn nhiều tiền hơn ở trong nước, song đâu chỉ là chuyện “sính ngoại” hay lắm tiền của như người ta thường nghĩ. Tại cuộc hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, bác sĩ Việt Nam không thua gì bác sĩ nước ngoài. Nền y học Việt Nam đã tiến khá xa và phát triển nhiều kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, ghép mô tạng, thụ tinh trong ống nghiệm…

Tuy nhiên trình độ tay nghề của bác sĩ không đồng đều, thường tập trung ở một số bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, TP.HCM, đó là chưa kể hàng loạt những “tai nạn nghề nghiệp” đã từng xảy ra ở nhiều bệnh viện cũng như tình trạng quá tải nằm ghép giường, hàng nghìn bệnh nhân chầu chực chật ních hàng giờ ở bệnh viện nhưng thời gian bác sĩ khám bệnh chỉ được 5-10 phút. Đặc biệt, có những khoa như ung bướu, cấp cứu, tim mạch, nhi - sản… mỗi ngày phải tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân. Họ phải trải qua 12 khâu thủ tục, chỉ riêng việc chờ lấy số đến làm thủ tục để được khám, mỗi bệnh nhân phải mất 60 phút. Toàn bộ thời gian từ lúc lấy số thứ tự cho đến lúc khám đã mất 2-3 giờ.

Con số 1 tỷ USD theo chân những người ra nước ngoài chữa bệnh chỉ là ước tính, vì chưa tính đến chi phí của người nhà đi cùng, chi phí đi lại và ăn ở. Thực trạng này dường như chưa khiến cho các nhà quản lý y tế nước ta quan tâm, bởi họ chưa đưa ra những giải pháp căn cơ lâu dài như mở rộng, xây thêm bệnh viện khang trang, hiện đại hoặc đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao. Nhiều đại diện từ khu vực y tế tư nhân cho biết, một hệ thống y tế chưa đồng bộ giữa công và tư vẫn đang tồn tại. Bệnh viện công có bác sĩ giỏi, cứu chữa thành công nhiều trường hợp nan giải, nhưng lại thiếu dịch vụ chăm sóc chu đáo hậu phẫu. Ngược lại, bệnh viện tư có thế mạnh dịch vụ tốt thì lại chưa thu hút được bác sĩ chuyên gia giỏi. Một giám đốc bệnh viện đầu ngành thừa nhận, tâm lý “sính ngoại” của người dân là hiển nhiên khi ngành y tế thiếu giải pháp và tạo niềm tin cho người bệnh. Một thực tế là những kỹ thuật được áp dụng thành công ở trong nước có giá dịch vụ thấp hơn nước ngoài hàng trăm lần, nhưng người bệnh Việt Nam vẫn không tin tưởng. Đơn cử thay khớp háng ở bệnh viện trong nước chỉ tốn 90 triệu đồng, trong khi cùng kỹ thuật này ở Singapore là 570 triệu đồng; can thiệp động mạch vành và đặt stent ở Việt Nam chỉ 38 triệu đồng còn ở Singapore là 350 triệu đồng.

Vận động “Người Việt Nam ưu tiên khám chữa bệnh tại Việt Nam” không chỉ là một khẩu hiệu hô hào suông. Muốn mang lại hiệu quả thiết thực thì cuộc vận động phải bằng hành động cụ thể, bằng những giải pháp mang tính đột phá mới có thể ngăn được hiện tượng “chảy máu” ngoại tệ y tế.