“Van” điều tiết tiền tệ

ANTĐ - Đầu tháng 10 này, nhiều ngân hàng đã “âm thầm” đẩy lãi suất huy động các kỳ ngắn hạn lên cao để cạnh tranh “hút” tiền gửi. Việc nâng lãi suất huy động được các ngân hàng thực hiện với các chiêu “thưởng điểm”, “quay số”. Tổng Giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận xét, do diễn biến trên thị trường tiền tệ, người dân có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng lớn, nên các ngân hàng nhỏ buộc phải đẩy lãi suất huy động lên cao để giữ tiền gửi. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện nay mặc dù thấp nhưng rất khó vay vì các ngân hàng dư vốn “chọn mặt gửi vàng” rất kỹ.

Nhiều chuyên gia nhận xét, hệ thống tài chính - ngân hàng được coi là huyết mạch của nền kinh tế đang gần như “đông” lại bởi “cục” nợ xấu ngày một xơ cứng. Hiện nay các ngân hàng đang rơi vào tình cảnh vừa là chủ nợ vừa là con nợ.

Theo một chuyên gia kinh tế có uy tín, nguyên nhân là do ngân hàng huy động vốn nhưng cũng là “sân sau” của các đại gia, các tổ chức có liên quan đến các thành viên hội đồng quản trị, đầu tư bất động sản. Chính vì cho vay theo đối tượng chứ không theo dự án, các ngân hàng đã không làm tốt việc thẩm định hiệu quả sử dụng vốn, là nguyên nhân dẫn đến con số nợ xấu ngày càng nặng nề hơn. Nhiều ngân hàng cho vay lãi suất cao cứ tưởng rằng sẽ thu lời lớn, nhưng thực ra là tự hại mình, bởi doanh nghiệp không trả nợ được nên ngân hàng mất cả vốn lẫn lãi.

Tại một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 8 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận hoạt động thanh tra giám sát của ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, thậm chí có những lúc tê liệt, hiệu quả và tính hiệu lực của hoạt động này hầu như bị bỏ ngỏ đã để lại những hệ lụy đến tận hôm nay. Phá “tảng băng” vốn trong hệ thống ngân hàng cũng chính là nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận các kênh vốn. Rõ ràng cần có các biện pháp kịp thời và thực tế để khơi thông sự “nghẽn mạch” của ngân hàng trong mấy tháng cuối năm vào mùa sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thị trường tiền tệ ngân hàng đang xuất hiện một số dấu hiệu tiêu cực. Lãi suất huy động có xu hướng tăng vượt trần quy định, đó là chỉ báo cho thấy một số ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Các dấu hiệu trên diễn ra trong cùng một khoảng thời gian, nếu không được khắc phục sớm sẽ rất dễ gây ra hiệu ứng cộng hưởng, tác động tâm lý xấu đến thị trường, ảnh hưởng lớn tới mục tiêu kiềm chế lạm phát cuối năm. Ủy ban đặc biệt lưu ý, cần phòng ngừa những tác động có thể phát sinh sau khi các ngân hàng thương mại chấm dứt hoạt động cho vay, huy động vàng. Ngân hàng Nhà nước cần sớm công bố chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người dân.

Trong một thị trường luôn chịu nhiều sức ép tâm lý, nhất là “lạm phát tâm lý”, thị trường tiền tệ liên ngân hàng thực sự là “chiếc van”  điều tiết tiền tệ, giải quyết thanh khoản của các ngân hàng khó khăn tạm thời. Ngân hàng Nhà nước, với tư cách là “người cho vay cuối cùng” chỉ can thiệp hỗ trợ khi thị trường không điều tiết nổi mà thôi.