"Vận đen" của chứng khoán thế giới

ANTĐ - Những người giàu nhất thế giới vừa mất hàng trăm tỷ đô la trong hơn 3 tuần qua. Theo Bloomberg Business, sự suy sụp của thị trường chứng khoán toàn cầu đã khiến các tỷ phú thua lỗ, đồng thời gây lo ngại rằng tăng trưởng toàn cầu đang đứng trước nhiều khó khăn. 

"Vận đen" của chứng khoán thế giới ảnh 1Giá dầu giảm, chứng khoán chưa khởi sắc đầu năm 2016

Ngậm ngùi nhìn tiền tỷ “bốc hơi”

400 nhân vật giàu có nhất hành tinh đã tiếc nuối nhìn 305 tỷ USD “ra đi” trong tháng 1 này. Đây là con số tổn thất lớn nhất trong 3 năm qua trên thị trường chứng khoán. Theo Bloommberg Billionaires Index, chỉ trong tuần qua các tỷ phú đã lỗ hơn 115 tỷ USD, với 7 người trong số họ mất hơn 1 tỷ USD vào ngày thứ sáu (15-1).

Người sáng lập ra Tập đoàn Amazon.com Jeff Bezos dẫn đầu danh sách chỉ số trên của Bloomberg. Ông Bezos mất hơn 8,9 tỷ USD kể từ đầu tháng này và hơn 1,9 tỷ USD vào hôm 15-1.  Trong khi đó, tài sản của “cha đẻ” Microsoft - tỷ phú Bill Gates bị hao hụt đi 6,8 tỷ USD, còn người giàu nhất Trung Quốc, Vương Kiện Lâm thua lỗ 6,4 tỷ USD.

Tổng cộng tài sản thực của 400 tỷ phú này đạt đỉnh điểm vào tháng 5-2015 với 4,3 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên kể từ đó tới nay con số này đã giảm 16%. Chỉ có 9 trong số 400 tỷ phú có mức tăng trong tổng tài sản thực. Trong đó có tỷ phú dầu mỏ Mukesh Ambani của Ấn Độ, Chủ tịch Tập đoàn Reliance có trụ sở tại Mumbai với tổng tài sản tăng thêm 620 triệu USD.

Lý do điêu đứng

Nguyên nhân của những tổn thất trên là do chỉ số Dow Jones (chỉ số giá chứng khoán bình quân của 65 chứng khoán hàng đầu được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán New York) bị giảm 391 điểm, trong khi các thị trường chứng khoán châu Âu rơi vào tình trạng “thị trường gấu” - nghĩa là nhiều loại giá chứng khoán cùng sụt giảm. Chỉ số Shanghai Composite (chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc) cũng “trở mặt” bất chấp nỗ lực từ một chương trình giải cứu mang tính nhà nước trước đó và rơi vào “thị trường gấu” lần thứ hai chỉ trong 7 tháng.

Các thị trường chứng khoán rớt giá do tác động từ giá dầu. Giá dầu thế giới đã giảm xuống dưới 30 USD/thùng trong lần chạm đáy lần đầu tiên 12 năm qua, theo thông tin từ Financial Times. Giá dầu ở vào mức thê thảm là vì lượng cung dầu đang thừa. Đặc biệt khi Iran được Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế liên quan tới vấn đề hạt nhân gây tranh cãi. Từ đây, Tehran có thể tham gia hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Ngày 17-1, ông Amir Hossein Zamaninia - Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran cho biết, Iran quyết tâm tăng sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày ngay sau khi lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ được chấm dứt. Ông Zamaninia còn khẳng định năng lực sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ đạt tới mức 1 triệu thùng mỗi ngày chỉ trong vài tháng nữa. 

Do động thái này, giá dầu thô Brent đã giảm dưới 28 USD/thùng tại thị trường châu Á vào sáng đầu tuần 18-1-2016.  Thông tin về kế hoạch “tấn công” thị trường xuất khẩu dầu thô thế giới của Iran cũng đẩy các thị trường chứng khoán Trung Đông vào diễn biến mới. 

Các thị trường chứng khoán khắp khu vực này đã “bốc hơi” 27 tỷ bảng Anh (khoảng 38 tỷ USD). Tất cả 7 thị trường ở các nước vùng Vịnh sụt giảm khi các thương nhân nao núng. Chỉ số DFM General của Dubai đã đóng cửa khi giảm 4,65% xuống còn 2.684,9; chỉ số Tadawul All Share của Arập Xêút - chỉ số lớn nhất thị trường Arập bị rớt 7%, trước khi phục hồi và kết thúc ở mức sụt giảm 5,44% xuống còn 5.520,41 - đây là con số thấp nhất trong 5 năm. Giao dịch chứng khoán Qatar giảm 7,2%  kết thúc ở mức 8.527,75 và Sàn chứng khoán Abu Dhabi lỗ 4,24% kết thúc ở mức 3.787,4. Còn thị trường chứng khoán Kuwait trở về mức chưa từng thấy từ tháng 5-2004 khi trượt giảm hơn 3,2%; các thị trường nhỏ hơn ở Oman và Bahrain  giảm 3,2% và 0,4%.

Hy vọng tươi sáng chỉ thuộc về chứng khoán của Iran. Chỉ số chứng khoán Iran tăng 1%, và trở thành một trong những thị trường có hiệu suất tốt nhất trên thế giới với mức tăng 6% kể từ đầu năm nay.