Vần đề xây dựng văn hóa chính trị cho sinh viên hiện nay

ANTĐ - Sinh viên là lực lượng xã hội hùng hậu, có sức khoẻ, có trình độ học vấn, có tiềm năng sáng tạo, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học hiện đại. Trong giai đoạn cách mạng mới, với bối cảnh thế giới biến động phức tạp, trước những thách thức to lớn của xu thế toàn cầu hoá về kinh tế, sự phát triển của kinh tế tri thức, Đảng ta khẳng định: Thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, là nguồn nhân lực quyết định thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Sinh viên là những người có tri thức và nhiệt huyết, là tinh hoa trong giới trẻ nói chung. Chính vì lẽ đó, sinh viên luôn là những người có khả năng nhận thức tốt hơn, đồng thời nếu có định hướng tốt chắc chắn sẽ trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng trong mọi thời kỳ cách mạng. Muốn vậy, tất yếu phải xây dựng văn hóa chính trị cho sinh viên Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu của tình hình mới và phù hợp với đặc thù nền chính trị Việt Nam.

Thông thường khi nói đến văn hóa chính trị, mọi người quan tâm hàng đầu đến trình độ văn hóa chính trị của giai cấp trên – giai cấp cầm quyền trong xã hội. Nhưng trên thực tế, với sự phát triển của xã hội hiện nay, xu thế dân chủ hóa đã thu hút sự tham gia của nhân dân vào công việc của nhà nước đòi hỏi chúng ta phải xây dựng, nâng cao trình độ văn hóa chính trị của mọi tầng lớp nhân dân. Hơn thế nữa, sự phát triển của kinh tế trí thức khiến cho sự đóng góp của tầng lớp trí thức vào đời sống chính trị ngày càng to lớn.

Vần đề xây dựng văn hóa chính trị cho sinh viên hiện nay ảnh 1

Sinh viên trường Đại học Tân Trào trong buổi tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang 

Trong tầng lớp trí thức, sinh viên đóng một vai trò quan trọng. Họ là tiền thân của lực lượng lao động có chất lượng trong tương lai. Một phần trong số họ sẽ trở thành những cán bộ, công chức nhà nước, thậm chí sẽ là lực lượng lãnh đạo nòng cốt. Đất nước có trở nên giàu đẹp, văn minh hay không chính là nhờ phần lớn sự đóng góp của lực lượng này – lực lượng có sức khỏe, có trí tuệ, có nhiệt huyết. Tuy nhiên từ trước tới giờ, chúng ta thường coi sinh viên là lực lượng chính của lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chứ chưa nhìn nhận vai trò của sinh viên đối với lĩnh vực chính trị.

Văn hóa chính trị của sinh viên Việt Nam hiện nay bao gồm những hiểu biết của sinh viên về đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, về thế giới quan khoa học theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chính sách pháp luật của Nhà nước; truyền thống văn hóa chính trị quý báu của dân tộc Việt Nam và những tri thức khoa học chính trị tiên tiến trên thế giới. Từ đó hình thành thế giới quan, lập trường tư tưởng, niềm tin, tình cảm và thái độ của sinh viên đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, tính tự giác và tích cực tham gia các hoạt động chính trị của đất nước phục vụ lợi ích của sinh viên và toàn xã hội.

Giáo dục văn hóa chính trị cho sinh viên là giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; giáo dục vai trò và sứ mệnh lịch sử của sinh viên Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cụ thể là góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với đặc điểm riêng của mình, văn hóa chính trị của sinh viên nước ta hiện nay được xem xét trên 3 khía cạnh:

Về tri thức chính trị: Sinh viên được trang bị một cách có hệ thống tri thức lý luận chính trị khi ngồi trên ghế giảng đường. Trong tất cả các trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam, sinh viên đều phải học các môn lý luận chính trị trong 2 năm học đầu tiên, bao gồm 3 học phần: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam.

Với xuất phát điểm học lực khá cao, sinh viên có khả năng nắm bắt được những nội dung cơ bản về nền tảng tư tưởng chính trị của hệ thống chính trị Việt Nam. Từ đó họ trở thành những người được trang bị phông kiến thức nền khá bài bản.

Ngoài ra, sinh viên được học tập ở môi trường đại học – môi trường có trình độ khoa học, văn hóa cao; các trường đại học thường tập trung ở trung tâm các thành phố, vì vậy sinh viên có điều kiện tiếp cận với các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nên họ có tri thức chính trị xã hội cao hơn so với các thanh niên cùng lứa khác.

Về niềm tin chính trị: Với việc được trang bị những kiến thức khá bài bản về tri thức chính trị, cùng với việc được sinh sống trong một môi trường học tập tích cực, sinh viên có cơ sở để xây dựng niềm tin chính trị. Cùng với những chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đối với sinh viên, những hoạt động của các đoàn thể, hội sinh viên… sẽ dễ dàng hình thành niềm tin và lý tưởng chính trị cho sinh viên.

Bản thân sinh viên là những người khá độc lập về tư duy, họ có tri thức và bản lĩnh để phân biệt đúng, sai, đồng thời họ là những người trẻ, năng động, hoạt bát, cho nên khi sinh viên đã có được niềm tin chính trị, thì họ sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong các hoạt động phong trào.

Về hành vi chính trị: Sinh viên rất hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào đoàn thể khi họ cảm thấy tin tưởng, những phong trào này có thể diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống: văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị…

Những lá phiếu bầu ra những người trẻ đại diện cho mình trong các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội sinh viên), các tổ chức chính trị (Hội đồng nhân dân xã, phường...) của sinh viên thực sự  rất quý báu, nó thể hiện niềm tin chính trị của họ.

Sinh viên là những công dân trẻ đầy năng lực và nhiệt huyết, học tập ở các trung tâm của các tỉnh và các thành phố lớn, họ có điều kiện tham gia các phong trào do đoàn thể và chính quyền phát động. Đồng thời họ là những công dân có trí tuệ, có trách nhiệm trong những cuộc bầu cử định kỳ bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Gần đây, phản ứng của sinh viên Việt Nam đối với sự kiện Trung Quốc gây hấn với Việt Nam ở Biển Đông, xét về một góc độ nào đó, cũng cho thấy tinh thần chính trị của sinh viên Việt Nam: yêu nước, dám nói, dám hành động khi Tổ quốc cần.

Tóm lại, sinh viên là những người trẻ đầy nhiệt tình yêu nước và có năng lực hành vi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, văn hóa chính trị của sinh viên hiện nay cũng vẫn còn tồn tại một số bất cập. Đó là: Sinh viên chưa tích cực tìm hiểu, học tập, nâng cao nhận thức chính trị, một bộ phận sinh viên thiếu niềm tin vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, hành động chính trị của sinh viên còn thụ động, thiếu tính sáng tạo…

Nguyên nhân chính là do công tác giáo dục văn hóa chính trị còn hạn chế về nội dung, chương trình, giáo trình, phương pháp, hình thức, phương tiện giáo dục. Nội dung chương trình chưa chú ý việc ứng dụng thực tiễn; chưa cập kịp thời những thành tựu mới nhất của khoa học hiện đại. Hình thức, phương tiện giáo dục văn hóa chính trị còn đơn điệu, nghèo nàn, trình độ hạn chế; phương pháp chưa được đổi mới… Do đó, ít gây được hứng thú cho sinh viên. Vì thế đã có không ít những sinh viên học đối phó, tham gia các hoạt động, phong trào một cách miễn cưỡng… và hệ quả tất yếu là giáo dục văn hóa chính trị không đem lại kết quả như mong đợi. 

Như vậy, muốn sinh viên đạt được trình độ văn hóa chính trị cao, đòi hỏi Đảng ta phải làm tốt công tác giáo dục văn hóa chính trị. Giáo dục văn hóa chính trị giúp sinh viên rèn luyện năng lực tư duy, là cơ sở lý luận soi đường chỉ lối cho mỗi cá nhân vận dụng vào hành động thực tiễn của mình, bởi bản chất của giáo dục văn hóa chính trị không phải là hệ thống lý luận có tính áp đặt, khô cứng, bắt buộc sinh viên phải tuân theo một cách thụ động, mà đó là những nguyên lý vừa mang hàm lượng khoa học cao, vừa có tính nhân văn sâu sắc.

Với phẩm chất tốt và bản tính năng động của mình kết hợp với hệ thống lý luận khoa học, năng lực tư duy và năng lực hành động sinh viên càng có cơ hội phát triển tốt, đó là con đường mang đến thành công trong cuộc sống của mỗi sinh viên.