Thông tin phải mang tính nhân văn

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ đăng bài: “Quy chụp khi chưa đủ chứng cứ là vi phạm pháp luật”, phản ánh thời gian gần đây một số video clip ghi lại hình ảnh lực lượng CSGT đang thực thi nhiệm vụ được tung lên mạng với dụng ý xấu, phóng viên Báo ANTĐ ghi nhận thêm một số ý kiến xác đáng.


Cần sàng lọc đánh giá thông tin

Lâu nay, vấn đề tham gia giao thông tại các thành phố lớn diễn ra khá lộn xộn, mạnh ai nấy đi, bất chấp quy định của pháp luật. Ở những tuyến đường, giao lộ vắng bóng CSGT, tình trạng người điều khiển phương tiện ngang nhiên vi phạm giao thông ngày càng phổ biến, như một hiện tượng xã hội đáng báo động. Đơn cử, khi phát hiện người tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông nếu CSGT truy đuổi sẽ nguy hiểm cho người đi đường. Do đó, cần có chế tài rõ ràng hơn để bảo vệ tính mạng cho người thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm TTATGT cũng như đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường bộ, đường sắt.

Vừa qua, nhiều đoạn video clip về CSGT đánh người, hay nhận tiền hối lộ… được tung lên mạng tràn lan đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh chiến sĩ CSGT. Tôi cho rằng, trong sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, người dân nên chọn lọc, phân tích thông tin, từ đó đưa ra những đánh giá khách quan, để đảm bảo tính chân thực và độ chính xác của những thông tin. Bởi nếu những thông tin, hình ảnh trên các trang thông tin điện tử không chính xác, hay chỉ phản ánh một phần sự việc thì đồng nghĩa với việc dư luận sẽ có những nhìn nhận sai về bản chất sự việc đó. Hơn nữa, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số như hiện nay thì việc cắt cúp hay lồng ghép những hình ảnh không có thật vào trong những đoạn video clip là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Dương Huy Hoàng (Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Du lịch Sapa)

Đừng để bạn đọc quay lưng lại với báo chí

Loại hình báo chí nào cũng phải tuân thủ theo Luật Báo chí và nguyên tắc hoạt động báo chí. Mọi sản phẩm báo chí phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, phản ánh những vấn đề xuất phát từ thực tiễn của đời sống xã hội. Nhà báo phải chịu trách nhiệm về tin tức mình cung cấp cho bạn đọc, phải lựa chọn và lược thuật được các tin tức đề cập đến những sự kiện diễn ra trên các lĩnh vực. Mỗi tác phẩm báo chí phải phản ánh được đầy đủ, chính xác, khách quan các sự kiện được nêu ra.

Cụ thể là tránh những nhận xét, đánh giá mang tính đơn phương, chủ quan, cần theo dõi vấn đề và sự kiện một cách nghiêm túc, có cái nhìn đúng đắn và sâu sắc trước mọi vấn đề và bằng sự thận trọng của bản thân trong quá trình tác nghiệp. Thông tin đưa ra phải trung thực, chính xác, khách quan, mục đích trong sáng, đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo. Người làm báo không được bộc lộ những quan điểm, suy nghĩ, thái độ của mình một cách tuỳ tiện và vu vơ mà cần có sự nghiêm túc và thấu đáo.

Do hiệu quả tác động của báo chí đến công chúng là rất lớn nên chỉ cần một thông tin không chính xác, không khách quan được đưa ra sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, làm phát sinh những phản ứng tiêu cực. Thời gian qua có một số video clip phản ánh những hiện tượng tiêu cực của xã hội (cảnh sát ăn tiền, cảnh nóng…) được tung lên mạng khiến dư luận bức xúc. Kèm theo đó là những lời bình luận gây sốc mang tính chụp mũ, quy kết trách nhiệm.

Theo cá nhân tôi, đây chính là những tác phẩm báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Do đó, cơ quan báo chí, người đăng những thông tin đó phải nhanh chóng đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi bạn đọc, đừng để bạn đọc ngày càng mất lòng tin, thậm chí quay lưng lại với báo chí.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Nhiệm (Chủ nhiệm khoa Phát thanh - Truyền hình Học viện Báo chí và Tuyên truyền)