Chuyện hài và cả nỗi khổ tâm của nhà siêu mỏng, siêu méo

ANTĐ - Từ trước tới nay, nói tới Hà Nội, ai cũng nghĩ rằng giá đất cao nhất là ở các khu phố cổ như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai. Đó là sự nhầm lẫn. Giá đất mặt phố cao nhất là ở các phố mới mở đường. Tôi đã chứng kiến, trên phố Hào Nam thời mới mở đường, có một diện tích đất, bề ngang có 4m, sâu 30cm rao bán với giá 2,4 tỷ đồng. Như vậy là mỗi mét vuông có giá 2 tỷ đồng, gấp 5 lần giá mặt tiền phố Hàng Đào. 

Đó là phần đất sau giải phóng mặt bằng (GPMB), chủ đất vẫn giữ được quyền sở hữu, có sổ đỏ hẳn hoi. Dĩ nhiên, chủ đất không thể xây nhà, anh ta xây một bức tường để giữ đất. Chủ miếng đất ở trong, chỉ cách mặt đường có 30 cm mà không ra mặt tiền được, vẫn phải ra vào bằng lối đi trong ngõ. Hỏi mua lại miếng đất 1,2m2 này, chủ bức tường cười tươi: Chỉ hơn hai tỷ một tý mà bác. Bác có bức tường của em, nhà bác có giá gấp mười lần, cho nên giá bức tường của em chỉ dám bằng 30% nhà bác thôi. Cái sự siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội nó là sản phẩm của văn hóa mặt tiền như vậy đấy. 

Chuyện hài và cả nỗi khổ tâm của nhà siêu mỏng, siêu méo ảnh 1 Chuyện hài và cả nỗi khổ tâm của nhà siêu mỏng, siêu méo ảnh 2

Cho đến tháng 5-2015, Hà Nội còn 174 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn đọng từ nhiều năm trước. Tại quận Tây Hồ có 23 trường hợp trên địa bàn phường Bưởi và Thụy Khuê. Tại quận Ba Đình, sau nhiều năm nỗ lực giải quyết, hiện vẫn còn 68 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại từ trước 15-3-2005, đây đều là các công trình được hộ dân sử dụng thời gian dài, ổn định. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ riêng ở quận Ba Đình nếu thu hồi những ngôi nhà siêu mỏng siêu méo này, ngân sách cần khoản chi đền bù giải phóng mặt bằng lên đến 450 tỷ, chưa kể chi phí lo nhà đất tái định cư cho các hộ. Cùng với các trường hợp tồn tại cũ, tại các tuyến đường mới sau GPMB cũng xuất hiện những thửa đất không đủ diện tích xây dựng khiến các quận rất “vất vả” trong xử lý.

Chuyện hài và cả nỗi khổ tâm của nhà siêu mỏng, siêu méo ảnh 3 Chuyện hài và cả nỗi khổ tâm của nhà siêu mỏng, siêu méo ảnh 4

 Lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết: Tuyến đường Vành đai 2 đoạn qua địa bàn quận cũng xuất hiện 18 trường hợp các thửa đất không đủ diện tích xây dựng. Vị này cho rằng, dù chưa phát sinh xây dựng để hình thành công trình “siêu mỏng, siêu méo”, nhưng đây chính là nguy cơ xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo mới. 

Chuyện hài nhà siêu mỏng siêu méo

Không phải đên bây giờ vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo mới là gánh nặng của các quận huyện có đường mới mở rộng. Việc xử lý những nhà siêu mỏng, siêu méo đã được đặt ra từ hơn chục năm trước, nhưng phải đến năm 2011, Hà Nội mới thể hiện quyết tâm cao khi lập Ban chỉ đạo để giải quyết dứt điểm vấn nạn này. Cuối năm 2012, UBND Thành phố ra chỉ đạo đến hết hết quý I/2013 phải xử lý dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, sau nhiều lần lỗi hẹn, các mốc thời gian mới lại được lãnh đạo TP Hà Nội lùi sang cuối quý IV/2013 và “vắt” cả sang đầu quý I/2014. Trong thông báo mới nhất, trong số hơn 600 công trình siêu mỏng, siêu méo, sau một thời gian xử lý, hiện Hà Nội còn 174 nhà, đó là chưa kể những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo lại mới xuất hiện trên các con đường mới. 

Có thể thấy trên đường Trần Phú kéo dài (điểm đầu là nút giao thông Trần Phú - Lê Trực - Ông Ích Khiêm và điểm cuối là nút giao thông Kim Mã - Sơn Tây (Ba Đình) dù mới chỉ được thông xe từ đầu tháng 2/2015 vừa qua nhưng đến nay đã xuất hiện trên 20 nhà siêu mỏng.Tuyến đường này có chiều rộng 22m và dài 450m với tổng vốn đầu tư vào khoảng hơn 225 tỷ đồng.

Tính ra, mỗi mét đường ở đây có chi phí lên tới 500 triệu đồng (gồm cả chi phí cho khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng). Dọc hai bên đường, hiện đã xuất hiện khá nhiều nhà siêu mỏng. Có căn nhà còn được chủ nhân làm cửa xếp khóa trái. Một số căn nhà khác vẫn đang trong tình trạng phá dỡ dở dang, có độ cao khác nhau khiến con phố đắt giá lại thành ra lem nhem. Tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (từ nút giao thông Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Khánh Toàn đến nút giao thông Cầu Giấy) có chiều dài 500m với tổng vốn đầu là hơn 900 tỷ đồng dù chưa hoàn thiện nhưng hiện nay cũng đã xuất hiện nhà siêu mỏng. Một số căn nhà siêu mỏng đang được quây kín lại để thi công, có căn nhà thì đã hoàn thiện, sơn màu mới và đóng kín cửa. Tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, tuyến phố được mệnh danh là đắt nhất hành tinh, dù đã được thông xe cả năm nay nhưng vẫn chình ình nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo khiến tuyến phố trở nên xấu xí.

Nhưng vấn đề khó khăn nhất là cách xử lý. Không khác được, những mảnh đất thừa ra không đủ để xây nhà theo quy định pháp luật hiện nay (diện tích dưới 25m2, sâu dưới 3m) chỉ có hai cách: Thu hồi hoặc hợp khối với diện tích bên trong. Cả hai phương pháp này đều vướng. Ngay sau GPMB, những phần đất còn lại tuy ít ỏi, nhưng vẫn là mặt tiền phố và vì thế giá thị trường rất cao, thêm nữa, như câu chuyện đã kể ở trên, nếu có phần mặt tiền, giá trị ngôi nhà phía trong sẽ cao hơn rất nhiều, vì vậy xu hướng chung là chủ phần đất siêu mỏng, siêu méo luôn đặt giá rất cao đối với chủ các ngôi nhà có nhu cầu hợp khối. Chính vì vậy, phương án hợp khối không có mấy trường hợp thành công.

Trong quá trình vận động hợp thửa, nhiều hộ dân có nguyện vọng được hợp thửa, cải tạo chỉnh trang để tiếp tục tồn tại, nhưng sau khi đăng ký hợp thửa theo mẫu đơn được phát, việc thỏa thuận không thực hiện được do không thống nhất được giá cả. Còn thu hồi thì vướng vấn đề chi ngân sách. Nhưng không chỉ vấn đề ngân sách cực lớn mà còn vì sự thiếu công bằng. Các hộ phía trong, sau khi ngân sách bỏ tiền GPMB lại được hưởng lợi lớn một cách vô lý. Không lẽ vì chê đắt, không hợp khối những chủ đất phía trong không tốn đồng xu nào vẫn trở thành nhà mặt phố thì dân xung quanh không chấp nhận được. Rõ ràng cần có những giải pháp mới hài hòa lợi ích giữa người được hưởng lợi và Nhà nước. 

Làm sao cho hết nhà siêu mỏng, siêu méo

Ở nước ta, đô thị thường phát triển trên đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp có các thửa đất có thế của nó, sắp xếp theo một hướng nhất định, có trật tự. Khi đô thị hóa, ta mở đường đi qua đất đó lại không theo thế đất đó mà theo nhu cầu vận tải đi lại trong đô thị, do đó đường ấy có thể lệch, méo với thửa đất. Do đó, ngay từ ngày xưa đã có nhà méo, nó không siêu mỏng, hay siêu méo thôi. Nếu chịu khó quan sát ở Hà Nội như Cửa Nam bên ngoài tưởng nó vuông góc nhưng thực chất là nó méo. Hiện nay theo các quy định về quy hoạch và đầu tư xây dựng, khi làm đường chỉ đền bù đường vừa đúng chỉ giới đường, còn vài chục cm2 hay vài m2 cũng không thể đền bù, và dân cũng không cho thu hồi đất ngoài quy hoạch. Miếng đất còn lại mỏng, méo nên bán cũng không được, thì cố xây lên thành nhà siêu mỏng siêu méo với hy vọng củi mục biến thành trầm hương, giá cả rất cao, là một cách để trấn anh đằng sau.

Vậy để không còn những ngôi nhà méo mó, mỏng dính, chúng ta cần phải làm gì? Rõ ràng phải bắt đầu từ việc thay đổi các quy định về quy hoạch và đầu tư xây dựng. Khi chúng ta muốn mở đường, phải sắp xếp lại các thửa đất 2 bên đường cho vuông góc với đường. Việc thay đổi vị trí thửa đất để tạo những thửa đất vuông góc với đường thì từng cá nhân không thể thực hiện được mà phải do một dự án phát triển bất động sản ở 2 bên con đường mới thực hiện được. Dự án phát triển bất động sản ấy trong luật xây dựng, luật quy hoạch đô thị quy định khi mở một con đường tối thiểu phải tái phát triển nhà cửa, các lô đất hai bên đường trong bề rộng khoảng 50m. 

Đã có một đề xuất rất đáng chú ý để giải quyết dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trong tương lai, đó là GPMB khi chưa có dự án, lập đền bù GPMB, tái định cư, sau khi làm đường thì đấu giá hoặc đấu thầu việc sử dụng đất hai bên đường. Lúc bấy giờ dự án mới vào từng lô đất sạch, dù đắt nhưng xây được ngay. Đó là lập quỹ đất sạch để phát triển đô thị, thực hiện quy hoạch. Luật hiện nay cũng cho phép điều đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất, Quốc hội và Chính phủ cần xem xét đề xuất này.