Vấn đề bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng: Mỗi lúc càng căng thẳng

ANTĐ - Hôm nay 29-12, VPF bất ngờ có công văn gửi VTV, trong đó cho phép nhà đài được khai thác các giải đấu do VPF quản lý. Đây chẳng khác nào lời “tuyên chiến” dành cho AVG, đơn vị đã có bản quyền giải đấu này trong 20 năm.

“Bầu” Kiên đã chính thức châm ngòi cho cuộc xung đột mới giữa VPF và AVG

Trong công văn gửi VTV của VPF, có đoạn: “Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chấp thuận cho phép thành lập tại Công văn số 3841 ngày 9-11-2011 và căn cứ Nghị định số 426/QN-LĐBĐVN của Chủ tịch LĐBĐVN ký ngày 28-12-2011. Công ty VPF được quyền quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bao gồm: Giải bóng đá Ngoại hạng quốc gia; Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia; Giải bóng đá Cúp quốc gia và Siêu cúp quốc gia từ năm 2012.

Căn cứ Điều 53 Luật Thể thao năm 2006 và Nghị quyết số 04 HĐQT-11 ngày 29-12-2011 của HĐQT công ty VPF, bằng văn bản này, công ty VPF xác nhận cho phép Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và các đơn vị trực thuộc VTV được tuyên truyền, truyền hình trực tiếp và phát lại các trận bóng đá của các Giải bóng đá nêu trên cho tới khi công ty VPF có thông báo mới nhất về vấn đề bản quyền truyền hình các giải đấu nêu trên.

Là người trực tiếp ký và gửi công văn đồng ý cho VTV, VTC và các đài khác truyền hình trực tiếp giải Ngoại hạng, Phó Chủ tịch HĐQG VPF Nguyễn Đức Kiên thản nhiên: “Tôi chỉ biết đến những công việc ở VPF. Chúng tôi sẽ làm những gì nằm trong quyền hạn của công ty. Còn việc VFF đã ký hợp đồng bản quyền truyền hình với AVG, đấy là việc của họ”. Ông Kiên còn khẳng định, bản hợp đồng mà VPF ký với VTV “có giá trị hơn nhiều” so với hợp đồng 6 tỷ đồng /năm của VFF với AVG: “Tôi bảo đảm một điều là VPF sẽ có một hợp đồng bản quyền truyền hình giá trị cao hơn nhiều lần so với hợp đồng đã có”.

Về phần mình, AVG chỉ xem xét việc thay đổi liên quan tới hợp đồng và đàm phán với VFF, khi và chỉ khi VFF cam kết và bảo đảm Liên đoàn vẫn là đơn vị nắm quyền sở hữu bản quyền truyền hình như đã được quy định trong Điều lệ của VFF, và trong hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG. Trong mắt của AVG, VPF lúc này hoàn toàn “vô giá trị” và chưa được thừa nhận. Chỉ sau khi AVG và VFF cùng nhất trí bằng một thỏa thuận văn bản, về việc VPF tiếp nhận một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng như nội dung các yêu cầu này của AVG, thì VPF mới bắt đầu được tham gia chính thức thực hiện việc đàm phán các nội dung liên quan tới hợp đồng đã ký. Điều này đồng nghĩa với việc, yêu cầu ký lại hợp đồng với thời hạn 3 năm một, nâng giá trị hợp đồng lên 10 tỷ đồng/năm của VPF tạm thời vẫn nhận được cái lắc đầu từ AVG.

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: Anh Kiên đã vội vàng

Tôi nghĩ việc VPF bất ngờ có công văn gửi VTV là do anh Kiên hơi nóng ruột. Anh Kiên sẽ phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Theo đúng tinh thần của VFF, cuộc chuyển giao phải theo thứ tự, không thể nóng vội được. Hiện tại VFF mới chỉ có Nghị quyết chứ chưa ký hợp đồng bàn giao cho VPF. Tôi nghĩ rằng nên dừng ở đây vì phải theo thứ tự, từng bước một. Tuần sau Thường trực VFF mới họp để đưa ra vấn đề này. Nghị quyết sẽ được giao cho Thường trực, sau đó sẽ cụ thể hóa thành một văn bản, chuyển giao đàng hoàng. Tôi nghĩ rằng anh Kiên đã nóng ruột vì đã hứa với báo chí là trong vòng 10 ngày phải xong. Tuy nhiên, như tôi đã nói, thủ tục phải có thứ tự từng bước vì VPF ra đời muộn.
Ông Hoàng Xuân Bắc, Phó Giám đốc AVG: Đây là hành vi cố ý làm trái pháp luật

Nếu đúng là có văn bản như vậy, thì đây là hành vi cố ý làm trái, vi  phạm  nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế về vấn đề bản quyền. AVG sẽ gửi hồ sơ chứng lý tới các cơ quan chức năng và các cơ quan hữu quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp ghi nhận trong Hợp đồng bản quyền giữa AVG và VFF. Chúng tôi tin các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không bỏ qua hành vi vi phạm này.