Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11:

Vẫn còn triệu triệu thầy cô dành tấm lòng vàng cho trẻ

ANTD.VN - Ở đâu đó trong ngành giáo dục còn có hạt sạn, đâu đó ngoài xã hội có nhiều người công việc nhàn nhã, thu nhập lại cao, nhưng các cô hãy cứ tự hào với sự nghiệp trồng người.

Vẫn còn triệu triệu thầy cô dành tấm lòng vàng cho trẻ ảnh 1Đâu đó trong ngành giáo dục còn có hạt sạn, nhưng phần lớn niềm yêu thương con trẻ đã thể hiện bằng chính ngành nghề các cô đã chọn

Có một lần đi đón cháu ở lớp mẫu giáo bé, tôi đến sớm được chứng kiến một giờ kể chuyện. Một cô kể, 2 cô “trọng tài biên”, gần 50 cháu ngồi ngay ngắn, chăm chú lắng nghe. Bỗng có tiếng kêu: “Bạn Hùng ị đùn cô ơi”. Thế là xôn xao cả một góc phòng. “Đâu? Cô xem nào”. Không hề cáu gắt, một cô chạy vào bê cả ghế lẫn cháu bé vào nhà vệ sinh, vừa đi vừa trêu: “Lêu lêu Hùng ị đùn”. Ba, bốn phút sau lớp mới trở lại trật tự. Cô chưa bắt đầu thì lại có tiếng khóc ré lên, hai cháu đánh nhau, bốn cái tay giằng cấu nhau, hai cái mồm lu loa, lần này cả hai cô phải vào can thiệp, mỗi cô dỗ một cháu, vừa nịnh vừa khuyên giải. 

Tấm lòng yêu trẻ

Mới chỉ chứng kiến có 2 tình huống trên mà tôi đã phải suy ngẫm rất nhiều. Khi xin phép đón cháu, thằng “quỷ sứ” nhà tôi tự ra xếp ghế, khoanh tay xin phép cô con về. Quá bất ngờ! Ở nhà không bao giờ cháu làm được cái việc xếp ghế, cất đồ chơi dù đã được nhắc hàng trăm lần. Về kể chuyện với cả nhà, con dâu tôi bảo: ông mà chứng kiến bữa ăn của cháu thì mới kinh khủng cơ, chỉ có độ 20 đứa ngồi tự xúc ăn, còn khoảng 30 đứa vừa ăn vừa nghịch, đi lại trêu bạn, hất đổ đồ ăn ra bàn…

Ba cô miệng nói, chân chạy, sắp xếp trật tự chỗ này, can thiệp chỗ kia, đút cho cháu này một thìa, đút cho cháu kia một thìa… cứ là mệt nhoài. Rồi đến ngủ trưa thì hết dỗ dành đứa này, quát mắng đứa kia, phải sau 30 phút mới được nghỉ ngơi, tranh thủ ăn trưa rồi ngả lưng một lát. 

Ở nhà tôi, thỉnh thoảng mới tập trung đủ 3 đứa cháu, mà bữa ăn cứ loạn cả lên, 70% số lần này, tôi đều phải ăn vội rồi… trốn. Thế mà các cô ngày nào cũng thế. Tôi cho rằng không phải là các cô có khả năng chịu đựng giỏi, mà là vì các cô có tấm lòng yêu trẻ. Tôi thành thật khâm phục, ngưỡng mộ các cô. Đâu đó trong ngành giáo dục còn có hạt sạn, đâu đó ngoài xã hội người ta thu nhập cao, công việc nhàn nhã, nhưng tôi nghĩ các cô có quyền tự hào: các cô là mẹ hiền. 

Tôi đoán nhiều người nghĩ: các cô giáo mầm non thì “như mẹ hiền” còn khả dĩ, chứ các cô giáo phổ thông trung học thì còn “lăn tăn” lắm. Phải thôi! Thời buổi này giáo dục đã bị xã hội hóa, thương mại hóa quá nhiều. Nhiều trường, nhiều thầy cô bị biến chất, nhưng thử hỏi số đó có đến 100 trường, 10.000 thầy cô không? Tỷ lệ là bao nhiêu? Xin hãy phán xét công bằng.

Những câu chuyện cần suy ngẫm

Tôi xin kể điển hình về một trường mà tôi từng tham gia giảng dạy một số giờ, đó là ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội. Các cô giáo chủ nhiệm mỗi năm học vài ba lần được tập huấn, trao đổi kỹ lưỡng về phương pháp giáo dục, tâm lý giáo dục nên về lý thuyết các cô rất tinh thông và kỹ năng thì thành thục. Nhưng cái mà không lớp bồi dưỡng, tập huấn nào dạy được, đó là tình yêu thương của các cô. Vì yêu thương, các cô có thể vận dụng lý thuyết vào thực tế một cách tài tình, linh hoạt, giúp các em học sinh học tập tiến bộ lên từng chút một.

Cô Lê Minh cặm cụi mua mì ăn liền nấu cho nhóm học sinh ở lại buổi trưa ăn để họp bàn kế hoạch cho tuần tới của lớp. Một thầy giáo sau giờ học ra trao đổi với cô Thùy Nga về trường hợp một học sinh không học, không chép bài. Cô chia sẻ: thầy ơi, để em động viên em ấy. Em này tối nào cũng phải đi làm thêm, phụ việc ở một quán ăn. Tối qua chủ nhật chắc phải làm việc đến quá nửa đêm thầy ạ. Cô Hải Thanh tất tả đi tìm thầy cô bộ môn xin bài tập cho học sinh có lỗi làm thêm. 

Cô Hoàng Hương kể: “Học sinh nào có lỗi em không bỏ qua, gặp riêng nhắc nhở và bắt phạt, có khi em phạt nặng lắm thầy ạ, phạt mà xót xa”. Tôi hình dùng ngay một bà mẹ có đứa con nhỏ mắc lỗi, mẹ phạt đánh đòn, con khóc, mẹ cũng khóc. Cô Tố Tâm thì không biết bao nhiêu lần ứng tiền đóng học phí cho học sinh, bao nhiêu lần đứng ra bảo lãnh với phòng kế toán, trăn trở tìm việc làm thêm giúp học sinh có tiền đóng học phí.

Cô Trâm hiệu trưởng nhớ mặt, thuộc tên đến 1/5 số học sinh trong trường, em nào ở lớp nào, ngoan, học giỏi, có tiến bộ cô đều biết; em nào còn hay đi học muộn, trong lớp hay nói chuyện, bướng bỉnh, học kém, cô nắm chắc trong lòng bàn tay. 

Còn nhiều, nhiều lắm những câu chuyện tương tự. Thử hỏi không có tâm, không thương yêu học sinh có thể làm như vậy được không? Tỉ mỉ chu đáo đến thế là cùng. Tự ngẫm mình cũng yêu thương học sinh nhưng không thể làm được như vậy, chỉ có thể là một ông giáo đứng lớp mà thôi. Ngưỡng mộ, khâm phục các cô vô cùng. 

Lại nữa, làm sao mà các cháu học sinh biết ngày sinh nhật của cô giáo chủ nhiệm, thế là chỉ với 1-2 chiếc bánh gatô chia ra mỗi cô trò chỉ được 1 miếng bằng độ quả bóng bàn nhưng cũng thổi nến, cũng nhắm mắt ước, cũng hát mừng, trên bảng cũng dây hoa, bóng bay xanh đỏ và đầy kín mặt bảng “Chúng con yêu mẹ”. Ngày 20-11 từng nhóm học sinh đến trường thăm cô, mẹ mẹ con con rối rít cả lên, cứ là loạn hết cả trường. Nhìn mà sướng mắt. 

Theo tôi, ở Hà Nội, ở cả nước mình, không chỉ có các cô giáo trường Đinh Tiên Hoàng có tấm lòng như vậy, phải có hàng trăm, hàng nghìn trường, hàng triệu triệu thầy cô có tấm lòng vàng như thế. Ở đâu đó trong ngành giáo dục còn có hạt sạn, đâu đó ngoài xã hội có nhiều người công việc nhàn nhã, thu nhập lại cao nhưng các cô cứ tự hào với nghề của mình, vì các cô là những mẹ hiền.