Vẫn còn người khiến Hà Nội thêm duyên

ANTĐ - Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, đáng nhẽ ra cái tên Nguyễn Trương Quý sẽ gắn liền với danh xưng “Kiến trúc sư” vừa hiện đại, vừa thời thượng hợp mốt. Thế rồi chả hiểu thế nào, đùng một cái xoay ra nghề viết văn. Cả thảy 5 cuốn tản văn, tiểu luận ấn hành trong thời gian qua Nguyễn Trương Quý đều viết về Hà Nội. Những câu chuyện về Hà Nội được tác giả kể với đầy đủ các sắc thái, khi thì dưới góc nhìn kiến trúc, lúc lại là những con người sống trong đô thị với đủ các thói tật, hành vi…

Một trong những cuốn tản văn của Nguyễn Trương Quý

Duyên tiền định

Quãng độ hơn chục năm trước, khi nghề kiến trúc sư đang thời thượng thì Nguyễn Trương Quý “dứt áo” chạy theo tiếng gọi của văn chương. Ban đầu là thích, rồi yêu và giờ thì chắc chắn một điều rằng, Nguyễn Trương Quý đã mê mẩn nghề viết lắm rồi. Ngẫm ra mới thấy, cuộc đời thường trăm sự gặp nhau ở chữ “Duyên”. Thuở nhỏ, anh là “dân” chuyên văn, lớn lên thì mê vẽ vời. Theo học vẽ một thời gian bỗng thấy sợ làm họa sĩ, vì văn nghệ sĩ thường trên gió trên mây, lại cứ tưởng tượng ra họa sĩ thì thường màu vẽ lấm lem nhếch nhác. Thế là lại bỏ đam mê, chạy theo tiếng gọi rất lý trí- nghề kiến trúc sư mốt nhất lúc bấy giờ. Giờ hỏi lại Nguyễn Trương Quý còn chút lưu luyến gì với những sức bền vật liệu, với độ sụt lún, đàn hồi hay phụ gia xây dựng… Anh cười và bảo, nghề kiến trúc dạy cho anh có mắt quan sát, tổ chức không gian sống thế nào, nhu cầu ra làm sao, nghề tuy thực tế, nhưng lại có sức chuyên chở những bay bổng. 

Nhẩn nha kể chuyện phố

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, có lẽ vì thế mà mọi chuyện về Hà Nội Nguyễn Trương Quý đều muốn tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Từ cuốn tiểu luận đầu tiên “Tự nhiên như người Hà Nội” xuất bản năm 2004, tiếp đó là “Ăn phở rất khó thấy ngon” rồi “Hà Nội là Hà Nội” hay “Xe máy tiếu ngạo” và mới đây nhất là “Còn ai hát về Hà Nội”… anh đã dẫn dắt người đọc đến với những câu chuyện nhẹ nhàng, có khi chỉ là những chi tiết bé cỏn con, lúc là chuyện chợ cóc nào co lại, chợ cóc nào mới phình ra, chuyện nhà mặt tiền dị hợm nhôm kính át hồn vía… Rồi còn có cả chuyện phố, chuyện làng, chuyện cây xanh, rồi cả văn hóa công viên… Quý cứ nhẩn nha kể, tuy nhẩn nha thế thôi nhưng đầy tính thời sự, bức xúc cũng có, ghi nhận riêng cũng có, trích lục tài liệu cũng có cả. Năm 2012, cuốn “Xe máy tiếu ngạo” của Nguyễn Trương Quý ấn hành, gây được nhiều thiện cảm của người đọc. Thôi thì đủ mọi chuyện xoay quanh cái xe máy từ chuyện một thú chơi rồi đến thước đo giá trị giàu nghèo, đặc biệt là văn hóa đi xe máy - một chuyện vốn xưa nay tốn rất nhiều giấy mực và thời gian họp hành nhằm tìm ra giải pháp “cải tạo”. Không lời lẽ đao to búa lớn, không đanh đá chua ngoa lên gân lên cốt, văn chương của Quý nhẹ nhàng, dí dỏm và từ tốn. Điều đó thể hiện vốn văn hóa, vốn sống và khả năng tư duy, khảo sát xã hội học của nhà văn trẻ này. 

Góp thêm lãng mạn cho Hà Nội

Có lẽ Nguyễn Trương Quý là tác giả - nhà văn đầu tiên mang đến cho bạn đọc một thống kê hoàn hảo về các bài hát liên quan đến Hà Nội kể từ khi nền tân nhạc sơ khai hình thành. Cuốn tản văn được NXB Trẻ phát hành “Còn ai hát về Hà Nội” dày gần 400 trang, ở đó các ca khúc như một lý do để tác giả tung tẩy dẫn người đọc tiếp cận thành phố nghìn tuổi này theo cách vừa riêng vừa sâu sắc. Nhìn lại quá khứ cũng là cách để sống thực sự với Hà Nội, nghe lại những bài ca Hà Nội, đọc lại những câu chuyện- giai thoại xưa là để hiểu về chính mình và nghĩ về tương lai. Bắt đầu từ bản “Thăng Long hành khúc ca” của nhạc sĩ Văn Cao-1943 cho đến “Hội nghị Diên Hồng” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước-1944, rồi “Gò Đống Đa” - Văn Cao - 1944… một không gian huyền thoại Thăng Long đã được dựng nên. Ai bảo Thăng Long phi chiến địa? Tiếp đó là những câu chuyện âm nhạc về Hà Nội 36 phố phường, về mùa thu đầy quyến rũ và về cả những cuộc tình không thể nào quên. Đọc “Còn ai hát về Hà Nội” nhiều lúc tưởng tác giả lan man, nhưng không, Nguyễn Trương Quý mượn xa để nói gần. Tác giả kể về “tứ đại mỹ nhân” đất Hà thành, về những mối tình của họ, và những người đẹp ấy chính là cảm hứng bất tận để những nhạc sĩ tài hoa, đa tình... viết nên những ca khúc bất hủ. Cuốn sách được viết theo diễn tiến thời gian đi suốt từ thời kỳ khi nền tân nhạc mới hình thành với các đại diện Văn Cao, Phạm Duy, Lưu Hữu Phước, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Nguyễn Văn Tý và tới thế hệ sau này như: Trần Tiến, Phú Quang, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Dương Thụ… Chỉ cần qua ca khúc thôi, người đọc có thể hình dung về sự thay đổi của xã hội, những biến động thời cuộc. Đặc biệt nhất vẫn là vẻ lịch lãm, hào hoa, thái độ ứng xử của người Hà Nội dù cho đó là thời chiến hay thời bình.

Hỏi Nguyễn Trương Quý, sao mãi chỉ viết về Hà Nội liệu có sợ nhàm? Anh cười và lý giải, đừng nghĩ Hà Nội chỉ là một vùng đất, một Thủ đô phát triển mà Hà Nội như một danh từ hàm nghĩa biểu tượng. Đó không đơn thuần là nơi có nhiều cảnh đẹp, nhiều danh thắng mà là nơi ẩn chứa giá trị không thể đong đếm được. Cả một thế hệ văn chương Việt có khai thác đời này sang đời khác thì giá trị văn hóa, lối sống, sự biến thiên ấy viết mãi cũng không bao giờ hết chuyện… Lý giải là thế, nhưng rồi Nguyễn Trương Quý lại thừa nhận, anh yêu Hà Nội gắn bó máu thịt với nó. Vì thế, còn chất liệu là còn viết, chẳng tội gì…