Vận chuyển bình gas, lơ là sẽ... nổ!

ANTĐ - Bình gas loại 12kg, 45kg có thể phát nổ trong quá trình vận chuyển, nếu người vận chuyển không có kiến thức phòng ngừa - đại diện cơ quan PCCC khuyến cáo.

Xe ô tô BKS: 29U-0724 vận chuyển chất nổ nguy hiểm vượt quá số lượng, khối lượng quy định

Quy định một đằng… làm một nẻo

Thượng tá Trần Quang Cường, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn về phòng cháy - Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: Điều kiện an toàn trong quá trình vận chuyển gas được quy định rất chặt chẽ, tuy nhiên việc vận chuyển loại hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ này, lâu nay bị các đại lý kinh doanh, cơ sở san chiết gas xem nhẹ. Nghị định 104/2009/NĐ-CP, quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm, bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, nêu rõ: khí gas là loại khí độc hại, dễ cháy với mức độ nguy hiểm loại 2/9. Do vậy, quá trình vận chuyển loại hàng này trên đường, bắt buộc phải đóng gói cẩn thận bằng thùng chứa đã được kiểm định. Bên cạnh đó, người tham gia vận chuyển phải được huấn luyện nghiệp vụ, được cấp giấy chứng nhận về loại hàng nguy hiểm mà họ trực tiếp vận chuyển. Phương tiện chuyên chở hàng phải được cơ quan kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ kiểm định, được cơ quan PCCC cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển.

Đối chiếu các quy định nghiêm ngặt trên, thì việc vận chuyển gas bằng xe máy phổ biến hiện nay trên địa bàn Thủ đô không đảm bảo an toàn. Tình trạng các ô tô chuyên dùng chở gas số lượng lớn như xe bồn, ô tô tải… vận chuyển loại hàng nguy hiểm cháy nổ này không có giấy phép, không đảm bảo quy định về PCCC vẫn diễn ra thường xuyên. Chỉ huy Phòng Hướng dẫn về phòng cháy dẫn chứng: Trước đây ở địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), từng xảy ra vụ nổ bình gas trong quá trình vận chuyển trên ô tô. Lần đó, lái xe vận chuyển gas không được tập huấn nghiệp vụ PCCC, không sắp xếp bình gas, chằng buộc theo quy định, dẫn đến lúc vận chuyển trên đường, bình va đập mạnh khiến khí gas rò rỉ. Thời tiết nắng nóng, cộng với việc quây kín bạt sau thùng xe khiến khí gas phát nổ, xé rách một vỏ bình. Rất may vụ tai nạn trên không khiến ai bị thương.

Xử lý như “muối bỏ bể”

Trước tình trạng vi phạm trong vận chuyển hàng nguy hiểm cháy, nổ diễn ra lâu nay, Sở Cảnh sát PCCC đã lên kế hoạch kiểm tra, xử lý. Qua công tác nắm tình hình, cơ quan PCCC phát hiện, một số phương tiện ra vào trạm chiết nạp gas thuộc Công ty TNHH Khí đốt Gia Định (Khu Công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên, Hà Nội), không có giấy phép vận chuyển, không đảm bảo quy định về PCCC. Để làm rõ những vi phạm này, sáng 15-11, cơ quan PCCC bất ngờ kiểm tra. Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc công ty cho biết: Trung bình mỗi ngày, trạm chiết nạp đón từ 10-15 xe chở gas đến lấy hàng, cung cấp cho nhiều đại lý lớn trên địa bàn Thủ đô và một số tỉnh lân cận. Các phương tiện vào nhận gas tại trạm chiết nạp phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn cháy nổ theo quy định. Lái xe phải được đào tạo chuyên môn trong quá trình vận chuyển.

Tuy vậy, kiểm tra thực tế tại khu vực chiết nạp gas của Công ty TNHH Khí đốt Gia Định, lực lượng công an phát hiện xe ô tô BKS: 34L-1022, do lái xe Trần Văn Sơn điều khiển, không có giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, lái xe chưa có chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC, trên xe có 2 bình chữa cháy hỏng... nhưng vẫn “vô tư” vào nhận hàng. Xe ô tô BKS: 30U-0724, do lái xe Đặng Văn Toan điều khiển, chở vỏ bình đến đổi gas, vượt quá số lượng, khối lượng cho phép, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn chở hàng nguy hiểm về cháy nổ. Đáng chú ý, xe bồn chở gas trọng tải lớn BKS: 31F-6802, do lái xe Vũ Văn Thắng điều khiển, trang bị phương tiện chữa cháy không đảm bảo quy định. Để xảy ra các vi phạm trên, do bảo vệ doanh nghiệp thiếu trách nhiệm không kiểm tra giảm sát, để “lọt” các xe không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn PCCC ra vào khu vực chiết nạp - một cán bộ trong đoàn nói.

Vi phạm trong vận chuyển hàng nguy hiểm cháy, nổ diễn ra phổ biến, song tại sao việc xử lý hạn chế - câu hỏi được PV ANTĐ đặt ra với đại diện Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội sau buổi kiểm tra. Theo lý giải, khi phát hiện các phương tiện vận chuyển gas không đảm bảo an toàn trên đường, Cảnh sát PCCC không có thẩm quyền dừng xe kiểm tra. Muốn xử phạt những trường hợp này, rất cần sự phối hợp của các lực lượng CATP Hà Nội. Quy chế phối hợp giữa 2 lực lượng trong kiểm tra, xử lý là rất cần thiết, nếu muốn chặn vi phạm - đại diện Sở Cảnh sát PCCC khẳng định.