Nhà văn Thùy Dương:

“Văn chương là chuyện đường dài”

ANTĐ - Trong nghề văn, Thùy Dương có thể may mắn hơn các đồng nghiệp trong làng văn, chỉ cần làm phép tính giản đơn, nhiều tiểu thuyết của chị đã được giải văn chương. Năm 2010 tiểu thuyết “Nhân gian” ẵm giải Hội Nhà văn Hà Nội, “Thức giấc” nhận giải ba Hội Nhà văn Việt Nam.

Thoạt nhìn bề ngoài, Thùy Dương thư nhàn, dịu nhẹ. Cũng là một cách phân thân để làm nghề báo và rộng đường văn chương. Không gian sống của Thùy Dương giản dị, đủ ấm áp cho bốn người. Chị là người của gia đình, của cái bếp luôn đỏ lửa, của nếp nhà dạy dỗ con gái biết tề gia, biết sống và quan tâm yêu  thương con người. Có thể văn chương chưa đưa Thùy Dương lên đỉnh cao, nhưng thiên chức làm mẹ, làm vợ của Thùy Dương thì hơn nhiều người.

Chị cũng là nhà văn nữ đi nhiều, học cách nhìn động của các doanh nghiệp. Trong khi trên bàn viết cần sự tĩnh, Thùy Dương có vốn sống đầy để trang trải với mọi số phận con người thành đạt hay thất bại. Nếu chỉ  nói về viết, lao động chữ nghĩa trên tiểu thuyết thì Thùy Dương đã  lao lực. Đó là công việc nhọc nhằn, ai vào cuộc mới thấm nỗi đọa đày của chữ nghĩa. Thùy Dương đã lao động như thế, không ngưng nghỉ. Đối thoại trong văn chương của Thùy Dương giản dị, bình thản như đời sống vốn có. Những trang chị tả về nấu ăn rất thi vị, dù là canh dưa nấu cá trong tiểu thuyết Ngụ cư, hay  món măng khô ninh sườn trong Thức giấc. Những chi tiết cảm động về người bà, người bà dù bà nội hay bà ngoại nhà quê của đồng bằng Bắc bộ khác hẳn với người bà Nam bộ. Văn chị cũng hiển lộ văn hóa của vùng đồng bằng, chậm rãi, có phần kể nhiều hơn phần nhân vật bộc lộ tính cách.

Chị viết tiểu thuyết “Nhân gian” bằng những ám ảnh trên những chuyến đi Hà Nội- Bình Định vào quê chồng. Gió vẫn tràn qua mặt, thổi thốc tóc ngang trời, mà đắm đuối với nhân gian về những ngôi mộ của cõi âm độc thoại. Những người đã đi sang thế giới bên kia vẫn mang nỗi niềm ở thế giới bên này. Phía sau nhân gian còn đầy ắp nỗi đau khác của quả tim con người đang đập trong ngực. Phía sau Thức giấc Thùy Dương cũng đặt ra một câu hỏi, liệu sau giả trá, dối lừa con người còn trăn trở, không máu lạnh? Thế gian vẫn còn nhiều kẻ máu lạnh. Thức giấc để thấy Người vẫn phấn đấu hăm hở trở nên Người hơn, sống giản dị hơn như cuộc sống vốn có.

Có thể Thùy Dương không có nhiều thời gian tĩnh để lắng lại nhiều số phận trong tiểu thuyết của chị. Nhưng chị vẫn gắng chuyển tải những khát vọng của nhà văn đến với bạn đọc. Những thân phận đơn côi, những ấm áp nhân gian vẫn còn nhiều trong tình người lao động.

Trong gia tài văn chương Thùy Dương đã có sáu tập truyện ngắn và ba cuốn tiểu thuyết. Chị dự định sẽ viết cuốn tiểu thuyết mới trong năm nay với những công việc đời sống bộn bề hơn năm ngoái. Dù bận thế nào thì bữa ăn tối cả gia đình vẫn quây quần bên nhau. Có lẽ cách tổ chức họp mặt gia đình của Thùy Dương thành công nhất, chị có hai cô con gái rượu, nề nếp và biết chia sẻ với mẹ nhiều vui buồn của đời sống. Thường ngày chị vẫn ung dung trang điểm, thích shopping, đi chợ và mặc cả. Đi chợ và dúi cho người nghèo ít đồng để bà cụ già không đứt bữa. Đi chợ để hả hê mua hoa đẹp về ngồi viết trong phòng. Đi chợ nhanh còn về viết khi được tự do, khi ở nhà ba bố con đi vắng, không gian chị chiếm lĩnh hoàn toàn. Niềm vui thích thú của nữ nhà văn rất giản dị. Được ngồi bên bàn viết không bị vướng những câu hỏi của con, không bị vướng các sự cố khác trong gia đình, khi chồng chị biết san bớt gánh nặng văn chương với chị. Anh hiểu chị và đỡ chị những việc có thể, để chị dành thời gian cho viết.

Tôi vẫn tin Thùy Dương dám làm, dù nghề viết thành công trong giải  thưởng, thì giải thưởng lớn vẫn là ám ảnh của tác phẩm trong lòng người đọc. Khát vọng của văn chương cũng là một bí ẩn của người viết và người dám đi hết chặng đường dài.

Tôi  mừng cho chị , một cây bút văn xuôi bền bỉ và vén khéo tề gia. Không phải ai cũng đảm đương được nhiều việc và  hiệu quả như chị, khi quỹ thời gian của chị còn nhiều để gieo trồng trên tác phẩm văn chương nước nhà.