Vẫn chưa có hồi kết

(ANTĐ) - Trong khi việc tìm kiếm và đào tạo tài năng thể thao luôn được đánh giá là vô cùng khó khăn thì ở môn xe đạp, một tài năng trẻ  đang bị lãng phí, đó là trường hợp của cua rơ Nguyễn Thùy Dung (ảnh), người được báo chí thường xuyên đề cập tới trong vòng gần hai năm nay do thâm niên phải ngồi ngoài giải vì liên tục  bị khiếu nại.

Xung quanh việc cua rơ Nguyễn Thùy Dung bị “treo xe”:

Vẫn chưa có hồi kết

(ANTĐ) - Trong khi việc tìm kiếm và đào tạo tài năng thể thao luôn được đánh giá là vô cùng khó khăn thì ở môn xe đạp, một tài năng trẻ  đang bị lãng phí, đó là trường hợp của cua rơ Nguyễn Thùy Dung (ảnh), người được báo chí thường xuyên đề cập tới trong vòng gần hai năm nay do thâm niên phải ngồi ngoài giải vì liên tục  bị khiếu nại.

Không ai chịu ai

Trao đổi vấn đề này, tân chủ nhiệm CLB xe đạp Hà Nội, Nguyễn Minh Thành tỏ ra khá bức xúc: “Từ khi Hà Nội  phát hiện, tuyển chọn và đào tạo Dung, tới nay đã  5-6 năm, từ chỗ chưa biết đua xe đạp là gì đến khi Dung trưởng thành, có chút thành tích, được gọi vào đội tuyển trẻ QG thì  Dung  lại quay ngoắt đầu quân cho Bình Dương mà không hề đưa ra lời thông báo gì. Nuôi con cho đến ngày con khôn lớn đâu có đơn giản. Ngay cả Bình Dương là đơn vị  nhận Dung trong thời gian qua cũng không hề có ý kiến gì với phía Hà Nội về việc này, dù chúng tôi và cả phía Liên đoàn xe đạp Việt Nam đã không ít lần đánh tiếng, đề nghị đơn vị này, nếu cần Dung thì gửi công văn ra hoặc làm việc trực tiếp, nhưng không có động thái gì”.

Trong khi đó,  không ít lần Trưởng bộ môn xe đạp Bình Dương, Bành Chấn Quyền tâm sự với báo chí, khi ký hợp đồng với Thùy Dung, CLB không gặp bất kỳ trở ngại nào bởi tay đua này cho biết mình là VĐV tự do vì đơn vị Hà Nội - nơi Thùy Dung thi đấu không có hợp đồng với cô và cũng không còn trả lương cho cô. Mọi việc diễn ra êm đẹp nhưng cứ trước mỗi giải đấu, hễ thấy tên Thùy Dung đăng ký thi đấu cho CTN-MT Bình Dương là đơn vị Hà Nội lập tức kiện lên BTC.

Được biết, trong buổi tiếp xúc với lãnh đạo Liên đoàn xe đạp Việt Nam mới đây, đại diện Sở VH-TT&DL Bình Dương là PGĐ Nguyễn Phú Yên cam kết sẽ tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp với Sở VH-TT&DL Hà Nội để giải quyết “cái tình” như đại diện Liên đoàn xe đạp Môtô thể thao Việt Nam đã gợi ý. Thế nhưng tới ngày hôm qua, theo như ông Thành cho biết thì phía Bình Dương chưa hề có buổi làm việc cụ thể nào với Hà Nội.

“Bốn bề”  chịu thiệt

Ai đúng ai sai, có lẽ giới chuyên môn và chính những người trong cuộc sẽ hậu xét, nhưng  hậu quả rõ ràng là không chỉ VĐV phải chịu thiệt thòi mà cả thể thao Việt Nam cũng phải chịu tổn thất. Trong vòng chưa đầy 1 năm qua,  sau khi rời Hà Nội và đầu quân cho đơn vị mới là Công ty Cấp thoát nước-Môi trường Bình Dương, ít nhất cua rơ Nguyễn Thùy Dung đã phải ngồi ngoài cuộc 3 giải, đó là giải VĐQG  2008, cuộc đua xe đạp “Về điện Biên Phủ 2009” và gần đây nhất là giải xe đạp nữ quốc tế Cúp truyền hình An Giang chỉ vì những lá đơn khiếu nại từ phía đơn vị chủ quản cũ là Hà Nội.

Theo nguyên tắc,  trường hợp nào bị tranh chấp không giải quyết được, BTC các giải  sẽ không cho  thi đấu vì thế, đã 8 tháng nay, VĐV này phải ngậm ngùi ngồi ngoài cuộc. Ngay cả 1 suất vào đội tuyển QG với Dung cũng không có nốt, trong khi hiện nay Dung đang được đánh giá là một trong những cua rơ có nước rút rất tốt. Tại giải xe đạp quốc tế Perlis, Malaysia mở rộng hồi tháng trước, do đội tuyển Việt Nam không tham gia, Bình Dương đã cử Dung và một số VĐV khác dự. Kết quả, Dung đã hai lần về nhất chặng và vượt qua nhiều VĐV quốc tế khác. Rõ ràng chỉ vì những khúc mắc giữa hai đơn vị mà Nguyễn Thùy Dung đã phải lãnh chịu hậu quả không đáng có.  Qua nhiều lần trao đổi với đại diện Liên đoàn xe đạp Môtô TTVN, một số vị chỉ lắc đầu “Chúng tôi đã khuyên rồi mà cả hai đều không giải quyết dứt điểm, thì cũng… bó tay thôi”.

Qua chuyện này, cũng cho thấy còn nhiều kẽ hở trong việc ký hợp đồng với VĐV.  Đây cũng không phải là lần đầu tiên những chuyện bung xung này xảy ra đối với các VĐV thể thao. Điều đó cho thấy đã đến lúc cần phải có quy định cụ thể về mặt pháp luật về việc chuyển nhượng VĐV tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” như hiện nay.                          

Thảo My