Vẫn chỉ là ý tưởng!

(ANTĐ) - Đã có khá nhiều cuộc thi ý tưởng kiến trúc được tổ chức, đề bài ra cho các thí sinh đều tập trung cải tạo, làm đẹp cho các tuyến phố cổ, đồng thời chỉnh trang, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị. Nhiều giải thưởng đã được trao. Nhưng có điều, cho đến tận bây giờ, khi thời điểm kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã cận kề thì những ý tưởng đó vẫn chưa trở thành hiện thực.

Vẫn chỉ là ý tưởng!

(ANTĐ) - Đã có khá nhiều cuộc thi ý tưởng kiến trúc được tổ chức, đề bài ra cho các thí sinh đều tập trung cải tạo, làm đẹp cho các tuyến phố cổ, đồng thời chỉnh trang, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị. Nhiều giải thưởng đã được trao. Nhưng có điều, cho đến tận bây giờ, khi thời điểm kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã cận kề thì những ý tưởng đó vẫn chưa trở thành hiện thực.

Phố cổ Hà Nội vẫn nhếch nhác, dù ngày đại lễ đang đến gần

Phố cổ Hà Nội vẫn nhếch nhác, dù ngày đại lễ đang đến gần

Khi sự lãng mạn được chắp cánh

Với mục đích tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo về giải pháp kiến trúc cho khu phố cổ Hà Nội, đồng thời góp phần tạo cảnh quan cho từng phố, năm 2003, lần đầu tiên, mạng kiến trúc Ashui.com phối hợp cùng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc Việt Nam (Bộ Xây dựng) tổ chức Cuộc thi sáng tác kiến trúc mang tên “Hà Nội 36 phố phường - ý tưởng cho một góc phố đẹp”.

Giải A của cuộc thi năm ấy được trao cho đồ án “Góc phố đời thường” của 5 kiến trúc sư còn rất trẻ. Không muốn đồ án chỉ dừng lại ở mức ý tưởng, khi thiết kế, tác giả đã cố gắng không thay đổi nhiều hoạt động vốn có của phố Gia Ngư, không thay đổi không gian nội thất và hình thức kiến trúc mà chỉ tác động lên bề mặt kiến trúc như cải tạo mặt tiền của các ngôi nhà, tôn cao vỉa hè, lát lại đường, lắp đặt các trang thiết bị đô thị...

Đồ án đoạt giải B đề xuất giải pháp cải tạo tháp nước vườn hoa Hàng Đậu thành một gallery nghệ thuật, còn giải C thuộc về đồ án cải tạo phố Gầm cầu Hàng Cót - Phùng Hưng thành một khu phố đi bộ và bán hàng lưu niệm. Năm 2004, mạng Ashui.com lại tiếp tục phát động một cuộc thi ý tưởng kiến trúc “Tôn vinh thành phố” dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL), Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. Mở rộng đề tài, cuộc thi lần này nhằm cải tạo điều kiện sống cho người dân sống trong khu phố cổ, khu nhà tạm, chung cư, vùng ngoại ô và cư dân ven sông.

Đến năm 2007, lại thêm một cuộc thi nữa được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu kiến trúc (Bộ Xây dựng) mang tên “Làm đẹp thành phố Hà Nội”. Đoạt giải nhất cho ý tưởng đề xuất mới về quy hoạch kiến trúc là đề án “Mang dòng sông trở lại”. KTS Trần Nguyễn Quảng (Viện Nghiên cứu kiến trúc) cùng 5 đồng nghiệp rất táo bạo đề xuất làm sống lại những con sông chết của thành phố như sông Lừ, sông Sét bằng cách đưa ra giải pháp cống ngầm hình hộp một đoạn sông Lừ bắt đầu từ cầu Trung Tự tới hồ Xã Đàn.

Một dòng sông nhân tạo sẽ được chảy bên trên hệ thống cống ngầm này. Cũng tính tới phương án “lấy ngắn nuôi dài”, các KTS đã “ngắm” một số đoạn vỉa hè trên dòng sông để tiến hành dịch vụ gia tăng như cho thuê chỗ làm quán cà phê, các nhà hàng nhỏ ngoài trời. Đặc biệt, tại một số vị trí thuận lợi có mặt cắt phù hợp, có thể bố trí thêm một đến hai tầng hầm làm chỗ để xe ôtô, tăng cường diện tích giao thông tĩnh cho Hà Nội... 

Giải nhất thứ 2 dành cho giải pháp sử dụng vật liệu được trao cho đề án “Thiết kế đô thị khu vực chợ Hàng Da” của 5 sinh viên Đại học Xây dựng. ý tưởng thiết kế chung của đồ án là liên kết không gian 3 chiều với việc tạo dựng một quảng trường ngầm - không gian chuyển tiếp, liên kết với các không gian thương mại chợ Hàng Da - không gian văn hóa rạp Hồng Hà và tuyến phố đi bộ thương mại du lịch Yên Thái ở phía trên.

Kiến trúc của chợ Hàng Da được lấy ý tưởng từ mái nhà lô xô tạo sự liên kết mật thiết với khu phố cổ. Tuyến phố Yên Thái kế đó sẽ được thống nhất các biển hiệu, sử dụng chung mái hiên che đèn lồng treo và sử dụng vật liệu gạch tự nhiên để ốp chân tường...

Chìm vào lãng quên

Đã hơn 7 năm kể từ sau cuộc thi ý tưởng làm đẹp thành phố lần đầu tiên được tổ chức, tất cả các đồ án đoạt giải, từng được giới chuyên môn đánh giá là rất khả thi đều vẫn chỉ dừng ở trên... giấy. Theo KTS Lê Việt Hà - Chủ nhiệm mạng kiến trúc Ashui.com thì trong tiêu chí của mọi cuộc thi do Ashui.com tổ chức, tính khả thi của mỗi đồ án đều phải được đưa lên hàng đầu.

Việc áp dụng 3 đồ án đoạt giải cao trong cuộc thi “Hà Nội 36 phố phường - ý tưởng cho một góc phố đẹp” vào thực tiễn là việc hoàn toàn có thể thực hiện được bởi đây không phải là đồ án tốn kém, cũng không phụ thuộc quá nhiều vào việc giải phóng mặt bằng, chỉ cần có sự quyết tâm của cơ quan quản lý và sự đồng thuận của người dân phố cổ là chúng ta đã có được những “góc phố đẹp”.  KTS Nguyễn Việt Hà cho biết thêm, ngay sau khi cuộc thi kết thúc vào năm 2003, những ý tưởng này đã được chuyển giao cho Ban Quản lý phố cổ - đơn vị đồng tổ chức “để tìm cách ứng dụng vào thực tế”.

KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, trong quá trình xét duyệt giải thưởng, nếu ý tưởng hay mà không có tính khả thi sẽ không được lựa chọn để trao giải. Tuy nhiên, giữa ý tưởng về tổ chức không gian, chỉnh trang đô thị và khả năng thực thi bao giờ cũng còn một khoảng cách.

Khoảng cách đó được thu hẹp hay nới rộng phụ thuộc vào chính quyền đô thị hoặc người đặt hàng có quyết tâm thực hiện hay không. Lấy ví dụ từ cuộc thi ý tưởng Quy hoạch hồ Gươm đang được tổ chức bởi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, KTS Nguyễn Tấn Vạn cho biết dù giải thưởng còn chưa công bố, nhưng mọi người đều lường được rằng, rất có thể 10-20 năm hoặc lâu hơn nữa  mới được áp dụng vào thực tế.

Cái được trước mắt mà cuộc thi mang lại là đã đánh thức nhận thức của toàn xã hội, kêu gọi tinh thần trách nhiệm của mỗi người, và cuộc thi cũng đã đưa ra thông điệp rằng, không gian đó là của cả cộng đồng, đừng ai chiếm đoạt nó làm của riêng cho mình.

Mỗi cuộc thi như thế được tổ chức đều đã ít nhiều đánh thức được tình yêu Hà Nội trong lòng mỗi người dân Thủ đô. Đoạt giải đã là một niềm vui, nhưng niềm vui ấy sẽ được sẻ chia cùng hàng vạn con người khi những ý tưởng đó thành hiện thực.

Quỳnh Vân