Vẫn chỉ là giấc mơ

(ANTĐ) - Phong trào Hồi giáo Hamas vừa lên tiếng cho biết không chấp thuận ông S. Fayyad, người của phong trào Fatah, lãnh đạo chính phủ đoàn kết Palestine trong tương lai. Mâu thuẫn nội bộ Palestine vừa lắng xuống đã căng thẳng trở lại.

Vẫn chỉ là giấc mơ

(ANTĐ) - Phong trào Hồi giáo Hamas vừa lên tiếng cho biết không chấp thuận ông S. Fayyad, người của phong trào Fatah, lãnh đạo chính phủ đoàn kết Palestine trong tương lai. Mâu thuẫn nội bộ Palestine vừa lắng xuống đã căng thẳng trở lại.

Thủ tướng S. Fayyad đang gặp phải sự phản ứng quyết liệt của Hamas
Thủ tướng S. Fayyad đang gặp phải sự phản ứng quyết liệt của Hamas

Theo ông A. Marzouk, quan chức cấp cao của Hamas, việc chỉ định ông S. Fayyad làm thủ tướng chính phủ mới là không thể chấp nhận được. Hamas cho rằng chính phủ đoàn kết Palestine sẽ là sự kết hợp giữa chính phủ của Hamas hiện đang nắm quyền kiểm soát dải Gada và chính phủ của ông S. Fayyad thuộc phong trào Fatah do Tổng thống Abbas lãnh đạo đang quản lý khu Bờ Tây. Chính vì thế, Hamas không thể chấp thuận việc ông S. Fayyad tiếp tục tại vị mà thủ tướng của phía mình là ông H. Haniyeh lại phải ra đi.

Hồi giữa tháng 5 vừa rồi, Fatah và Hamas đã đạt được thỏa thuận quan trọng nhằm khắc phục mọi bất đồng quan điểm và vướng mắc từ sau cuộc bầu cử nghị viện năm 2006 đến nay, tiến tới chấm dứt tình trạng “một Palestine - hai chính phủ”. Thay cho hai chính quyền riêng biệt tại hai khu vực lãnh thổ là dải Gaza và khu Bờ Tây như hiện nay, hai bên nhất trí chính phủ đoàn kết chung của Palestine sẽ bao gồm các nhà kỹ trị độc lập.

Đây có thể coi là bước đột phá trong hòa giải dân tộc mà dư luận đánh giá là tạo ra cục diện hoàn toàn mới cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Ấy thế nhưng ngay trong bước đi đầu tiên thực hiện thỏa thuận hòa giải là xác định người đứng đầu chính phủ đoàn kết dân tộc đã nảy sinh bất đồng sâu sắc giữa Fatah và Hamas. Những tin tức lộ ra từ nội bộ Palestine cho biết Hamas không chấp nhận ông S. Fayyad vì cho rằng ông S. Fayyad thân cận với phương Tây và có thể thỏa hiệp với Israel.

Tuy nhiên, bản chất mâu thuẫn giữa Fatah và Hamas phức tạp hơn nhiều. Từ trước đến nay, nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas luôn tuyên bố sẽ không từ bỏ vũ lực cho đến khi nhà nước Palestine ra đời theo đúng nguyên trạng ban đầu. Chính vì thế, Hamas kịch liệt phản đối Hiệp ước hòa bình Oslo ký năm 1993 giữa Israel và người Palestine. Đối với họ, Israel là kẻ thù quyết không đội trời chung. Trong khi đó, Phong trào Fatah lại tỏ ra ôn hòa, ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình với Israel và giải pháp hai nhà nước Palestine và Israel song song tồn tại.

Cùng chung một chí hướng là giành quyền độc lập hoàn toàn cho Palestine nhưng Fatah và Hamas lại quá khác nhau về phương pháp tiến tới mục tiêu. Sự cát cứ về lãnh thổ và quyền lực giữa Fatah và Hamas đã cản trở việc hình thành một nhà nước Palestine độc lập và thống nhất trên các khu vực lãnh thổ của người Palestine, buộc hai phe phái lớn này phải bắt tay hòa giải với nhau. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là hai bên đã tìm thấy một con đường chung mà vụ Thủ tướng S. Fayyad là bằng chứng mới nhất.

Giờ đây, vấn đề đặt ra với Tổng thống M. Abbas không chỉ là làm sao để Hamas chấp nhận ứng cử viên S. Fayyad làm thủ tướng, mà còn phải ép các nhóm vũ trang Hamas từ bỏ quan điểm quyết không thỏa hiệp cũng như ngừng các cuộc đánh bom liều chết nhằm vào binh lính và dân thường Israel để Palestine và Israel có thể bước vào vòng đàm phán hòa bình mới. Khi quan điểm giữa hai bên còn rất khác nhau, mục tiêu của người Palestine về một nền hòa bình lâu dài vẫn chỉ là giấc mơ. 

Hoàng Sơn