Vẫn chỉ “đánh bùn sang ao”

ANTĐ - Từ việc album “Mười tám +” của ca sỹ Văn Mai Hương bị phát tán tràn lan trên mạng trước ngày ra mắt, câu chuyện về thu phí tải nhạc trực tuyến cùng cuộc chiến chống nạn xâm phạm bản quyền âm nhạc một lần nữa dấy lên...

Các nghệ sỹ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để đẩy lùi những hành vi vi phạm bản quyền âm nhạc

Đánh vào chỗ trống 

Thu phí tải nhạc trực tuyến được đưa vào áp dụng từ 1-11-2012 trên nhiều website nhạc lớn, nhưng rồi sau gần 1 năm thực hiện, hiệu quả vẫn chưa được bao nhiêu. Theo công bố gần đây của Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tính đến hết tháng 5-2013, tổng số tiền thu được từ việc sử dụng các sản phẩm âm nhạc trong và ngoài nước, trong đó dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ… là 12 tỷ đồng. Con số này tương đương với cùng kỳ năm 2012, tức là khi việc thu phí tải nhạc trực tuyến chưa được áp dụng. 

Chỉ nhìn vào cách thức thu phí ngay cả trên website nhạc số đi tiên phong trong lĩnh vực này cũng có thể thấy rõ sự lúng túng. Ở nhiều địa chỉ, ngoài những người có nhu cầu thưởng thức những bài hát chất lượng cao (320kbps) thì những bài hát chất lượng thấp hơn (128kbps) luôn để ngỏ để người nghe tải miễn phí. Đó là chưa kể, người nghe hoàn toàn có thể nghe toàn bộ bài hát hoặc album tại website đó mà không mất khoản phí nào. 

Đăng nhập vào các website nhạc số hàng đầu Việt Nam, người yêu nhạc phải “đỏ mắt” mới tìm được cách tiếp cận với các sản phẩm âm nhạc có tính phí. Người nghe nhạc dù có ý thức trả tiền cho sản phẩm mình yêu thích cũng dễ “chùn bước” trước một loạt hình thức thanh toán, từ SMS, thẻ ATM cho đến vô số các cổng thanh toán khác nhau.

Vi phạm như… cơm bữa

Việc thu phí tải nhạc trực tuyến bên cạnh việc thay đổi thói quen nghe nhạc của người dân còn là động thái nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho những nghệ sỹ, những nhà sản xuất đối với đứa con tinh thần của mình. Quay trở lại với việc album “Mười tám +” của ca sỹ Văn Mai Hương bị phát tán tràn lan trên nhiều website nhạc mà không có sự đồng ý của nhà sản xuất, thì vấn đề quản lý những sản phẩm nhạc số và cuộc đấu tranh chống lại nạn xâm phạm bản quyền âm nhạc một lần nữa được đặc biệt quan tâm. Việc nhạc sỹ Huy Tuấn - nhà sản xuất album “Mười tám +” và cũng là một trong những người khởi xướng dự án “Nghe có ý thức” gửi văn bản đến các cơ quan truyền thông yêu cầu việc album phải được phát hành một cách hợp pháp cho thấy bước đầu những người làm âm nhạc đang có những động thái quyết liệt hơn để tuyên chiến với nạn vi phạm bản quyền. 

Vẫn trông chờ vào ý thức 

Theo nhạc sỹ Hồ Hoài Anh, anh gần như chưa bao giờ nhận được lời hỏi hay xin phép từ các website âm nhạc khi đăng tải những bài hát của mình. “Bản thân tôi nhiều lần chứng kiến việc bài hát của mình hôm trước ra mắt, hôm sau đã đầy rẫy trên các trang mạng mà không có sự đồng ý. Cũng chưa thấy có ai hỏi xin những thông tin về bài hát”. Còn nhạc sỹ Huy Tuấn, cho rằng, hiện tượng này bắt nguồn từ tư duy làm ăn chộp giật mà những người làm nhạc dù rất bức xúc nhưng không thể trông chờ vào sự thay đổi một sớm một chiều.

Nhiều lúc nhìn thấy sản phẩm của mình bị sử dụng một cách bất hợp pháp, cũng lên tiếng nhưng… đâu lại vào đó. Ngay thói quen nghe và sử dụng những sản phẩm âm nhạc được phát tán bất hợp pháp, nhạc sỹ Huy Tuấn cho rằng, không thể đổ lỗi cho công chúng nghe nhạc, mà trách nhiệm thuộc về những người “tiếp tay” cho cách thưởng thức âm nhạc như vậy. “Mặt trái của việc tải những ca khúc miễn phí là người ta cho thế nào, thì nhận thế đấy. Khi được sử dụng không mất tiền, thì cái mà bạn đem về có khi chỉ là đồ giả, đồ na ná như thế”. Trên thực tế, việc thu phí tải nhạc là một động thái thúc đẩy hành vi tiêu dùng thông minh, nhưng khi không thực hiện đồng bộ triệt để, thì cũng như “đánh bùn sang ao”. Trong khi càng ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm bản quyền dưới nhiều hình thức, thì các nhạc sỹ, nhà sản xuất vẫn chỉ trông chờ vào ý thức của những website nhạc và những người yêu nhạc.