Vẫn chỉ có người ốm mua bảo hiểm y tế

ANTĐ - Sau 3 năm có hiệu lực, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã góp phần nâng độ bao phủ BHYT toàn dân lên 67%. Tuy vậy, sức hút của BHYT chưa được nâng lên khi đa phần đối tượng chủ động tham gia BHYT vẫn là những người ốm đau hoặc có nguy cơ bệnh tật…

Thay đổi thái độ của nhân viên y tế giúp người bệnh BHYT tin tưởng hơn

Bán BHYT theo hộ gia đình

Chính vì nguyên nhân trên, tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Luật BHYT vừa diễn ra ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải sửa đổi một số điều của Luật BHYT để phù hợp với hoàn cảnh mới, nhằm đạt được mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT- Bộ Y tế cho biết, nếu chỉ có người ốm hoặc có nguy cơ ốm đau mới mua BHYT thì tính nhân văn, ý nghĩa chia sẻ rủi ro của BHYT không còn ý nghĩa. Khi đó, chỉ có người ốm chia sẻ với người ốm, tính bền vững của quỹ BHYT bị đe dọa. 

Các cơ quan thực hiện BHYT đều ý thức được điều này và đã triển khai rất nhiều nhóm giải pháp trong thời gian qua, từ tăng hỗ trợ cho nhóm cận nghèo, hộ làm nông-lâm-ngư nghiệp, tăng các dịch vụ trong danh mục được hưởng BHYT, tăng viện phí… nhằm thu hút các đối tượng còn lại cùng tham gia BHYT, tuy nhiên mức tăng rất chậm. Bà Tống Thị Song Hương cho rằng, muốn công tác này có hiệu quả, Luật BHYT cần quy định chặt chẽ, chẳng hạn các gia đình muốn được hỗ trợ mức đóng thì phải tham gia đầy đủ cho toàn bộ thành viên trong hộ gia đình đó. Đây cũng là ý kiến nhận được sự đồng tình cao của nhiều chuyên gia. Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT – BHXH Việt Nam cho rằng, sửa đổi Luật BHYT theo hướng quy định việc tham gia BHYT theo hộ gia đình được coi là một giải pháp tối ưu. Bởi bán BHYT theo hộ gia đình sẽ bắt buộc các thành viên trong gia đình phải tham gia 100%. Kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới và khu vực cho thấy, họ đã đạt được độ bao phủ BHYT toàn dân khi thực hiện chủ trương này. 

Bên cạnh đó, một số chuyên gia góp ý, muốn quản lý và nâng cao số người tham gia BHYT thì nên sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Luật BHYT để xác định lại các nhóm đối tượng tham gia. Theo Luật hiện nay có 25 nhóm tham gia BHYT, tuy nhiên quá trình triển khai đã phát sinh một số trường hợp không nằm trong các nhóm này. Ngược lại, xuất hiện tình trạng một số người rơi vào 2-3 nhóm tham gia khác nhau nên có thể được cấp 2-3 thẻ BHYT. Chính điều đó khiến cho việc quản lý số thực chất tham gia BHYT vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Tạo sức hút bằng chất lượng

Tại hội nghị tổng kết nói trên, đại diện Bộ Y tế nhận định, chất lượng điều trị còn hạn chế, yếu kém là một nguyên nhân chính khiến BHYT chưa tạo được sức hút. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, thủ tục rườm rà, thanh toán quá phiền hà, thái độ phục vụ của cán bộ nhân viên y tế ở các BV chưa cải thiện nhiều, trong khi hầu hết BV Trung ương vẫn quá tải trầm trọng... 

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT ngoài mục đích tăng tỷ lệ tham gia để đảm bảo lộ trình thực hiện BHYT toàn dân còn phải hướng đến tăng thêm quyền lợi cho người tham gia. Nguyên tắc sửa đổi để thực hiện BHYT trong các cơ sở y tế là phải tăng quyền lợi tối đa nhưng hạn chế thấp nhất sự chi trả từ tiền túi của người bệnh. 

Ngoài ra, theo bà Tống Thị Song Hương, mức hưởng BHYT khi khám trái tuyến cũng cần được nghiên cứu thêm. Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng Luật quy định thanh toán BHYT trong trường hợp bệnh nhân vượt tuyến là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải ở tuyến trên. Vì thế nên sửa đổi, bổ sung quy định về mức hưởng trong trường hợp này. Một số ý kiến khác đề nghị, nên bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội, thân nhân người có công vì người bệnh không có khả năng chi trả cũng như tính phức tạp trong tổ chức thực hiện.