Văn Cao - Người đi dọc biển

ANTĐ - “Trong một chuyến cùng đi làm phim chân dung với nhà thơ Tế Hanh, khi máy bay đã lẫn vào những đám mây, Tế Hanh bỗng hỏi tôi: “Kha làm công tác âm nhạc, Kha nghĩ thế nào về bốn ông nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận và Văn Cao?”.

Vốn đã ngẫm nghĩ về tứ trụ này từ lâu, tôi trả lời: “Văn Cao là trời cho. Đỗ Nhuận là đời cho. Nguyễn Xuân Khoát là người cho. Lưu Hữu Phước là thời cho”. Tế Hanh cười: “Được. Hay lắm. Mình đã từng nghĩ như thế, nhưng chưa rút ra gọn như vậy”.

Tôi cảm thấy vui vì ý nghĩ của mình đã được một nhà thơ lớn tuổi đồng cảm. Thật vậy, Văn Cao đúng là trời cho.

Dường như trong tất cả những sáng tạo của mình, sau khi đã ngẫm nghĩ khá lâu, khi đặt bút viết, Văn Cao thực hiện xong tác phẩm nhờ một mách bảo gì đó trong vô thức. Bởi vậy, về Văn Cao, cho đến nay, không phải đã ngớt những lời bàn, những tranh luận. Đối với đông đảo nhân dân mọi thế hệ, cái ý Văn Cao là trời cho được mọi người đồng tình. Ai là người Việt Nam mà không tự hào về tác giả Quốc ca nước mình. Không chỉ riêng với Quốc ca, mọi sáng tạo âm nhạc của Văn Cao tuy không nhiều nhưng đã được đón nhận thật nồng nhiệt.

Thế giới âm thanh của Văn Cao thật sang trọng và lâu bền - sự sang trọng không tuân thủ “khuôn vàng thước ngọc” của bất kỳ nền văn hóa nào cố tình áp đặt lên cảm xúc của người nghệ sĩ này. “Khuôn vàng thước ngọc” ở sáng tạo của Văn Cao là do chính ông định ra. Nó có thể giúp cho những nghệ sĩ không có sự đố kỵ soi sáng vào sáng tạo của mình để tìm ra một phong cách riêng. Còn nếu như ai đó chỉ suốt đời là một người học trò áp dụng những bài học đầy khuôn phép của âm nhạc dạy trong các nhà trường ở mọi nước trên hành tinh này thì không mấy mặn mà với những sáng tạo trời cho. May mà số học trò đó không nhiều lắm và cũng không đủ mạnh để phủ định. Văn Cao vẫn cứ “rền trên cõi tiên” của mình những âm thanh vọng vào nhân thế.

Cuốn sách “Văn Cao - cuối cùng và còn lại” được thực hiện vào năm Văn Cao 75 tuổi và vào dịp mộ chí của ông vừa được Nhà nước và gia đình xây cất cẩn trọng như một di tích văn hóa cho đời sau, chỉ mang chứa một ước vọng nhỏ để đa số những người đã đồng cảm với Văn Cao có thêm đồng cảm. Và với những người chưa thật nhiều đồng cảm, có thể nhận ra từ những trang sách này những lời chia sẻ dịu dàng và nồng ấm của những tên tuổi từng gắn bó với Văn Cao. Và chúng ta có một thế giới Văn Cao ngay trong căn nhà trang trải đời mình”... - Đó là những lời tự sự của tác giả Nguyễn Thụy Kha, người có cơ hội tiếp xúc nhiều với nhạc sĩ Văn Cao lúc sinh thời. Tác giả đã đưa đến cho độc giả những trang viết giàu chất thơ và ăm ắp câu chuyện thú vị về một “bậc tài danh thế kỷ” đã vĩnh viễn ra đi khỏi cõi đời vào những ngày tháng 7 năm 1995.  “Văn Cao - Người đi dọc biển” gồm 21 chương: Những năm thơ ấu, Hành khúc cho một dự báo, Trên đường kháng chiến, Lạnh từ xứ tuyết, Quán “Thủy hử”, Trở lại mùa xuân đầu tiên, Khát vọng biển...