Vẫn bình chân trước những thị phi

ANTD.VN - Sau mỗi cuộc Liên hoan ảnh khu vực toàn quốc, những nghi án “ảnh ghép vẫn đoạt giải cao” thường khiến dư luận bàn ra tán vào.  Mặc dù thị phi không phải là ít, nhưng Ban tổ chức các cuộc thi kể trên vẫn bình chân như vại và “không hề nao núng”.

Tác phẩm “Ném đĩa” của Nguyễn Sinh Long đoạt giải Nhì Liên hoan Ảnh khu vực TP.HCM 2016

Ảnh giải Nhất bị “tố” chắp ghép

Liên hoan Ảnh khu vực Hà Nội năm 2016 xuất hiện các bức ảnh chắp ghép, khô cứng, trái với quy chế của cuộc thi nhưng vẫn được Hội đồng nghệ thuật “ưu ái” trao tặng giải thưởng. Bất ngờ và thất vọng, nhiều người theo dõi cuộc thi cho biết, nếu thi ảnh mà chấm giải như vậy thì họ hoàn toàn mất niềm tin vào những “người cầm cân nảy mực”.

Trong đó, bức ảnh đoạt giải Nhất cuộc thi - “Họa sỹ Phan Kế An” của tác giả Nguyễn Đắc Như, được xem như đỉnh điểm cho sự thiếu chính xác, chủ quan của Hội đồng giám khảo. Chỉ sau khi bị cư dân mạng lên tiếng phản đối với các bằng chứng và lý luận sắc nét, Ban tổ chức đành phải thu hồi giải thưởng.

Diễn ra ít tháng sau đó, Liên hoan Ảnh khu vực TP.HCM 2016 cũng tạo nên những lùm xùm, vẫn là “ảnh ghép mà đoạt giải cao”. Cụ thể, bức ảnh “Ném đĩa” của tác giả Nguyễn Sinh Long đoạt giải Nhì cuộc thi đã bị các nhà nhiếp ảnh “tố” dàn dựng, làm sai lệch thực tế. 

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Phước Lộc và Nguyễn Gia Bình thẳng thắn chỉ ra “Vận động viên khuyết tật khi thi đấu thì chân phải chằng vào ghế và ghế cũng cần phải chằng lại cho cố định. Nhìn kỹ bức ảnh thì thấy động tác của vận động viên đang thõng thượt, chỉ ngồi lên ghế “làm màu” chứ không phải là đang trong một trận đấu”.

Tuy nhiên, giải thưởng vẫn được trao cho tác giả với lý do, “bức ảnh nếu có chắp ghép thì chỉ sai về lỗi kỹ thuật chứ không sai sự thật, vì vẫn là vận động viên khuyết tật trong cuộc thi đấu. Hơn nữa, ý nghĩa của bức ảnh  “Ném đĩa” rất nhân văn” - NSNA Bùi Minh Sơn, Trưởng Ban giám khảo lý giải.

Thậm chí, trong một cuộc tọa đàm sau khi công bố kết quả Liên hoan Ảnh khu vực TP.HCM, bức ảnh này một lần nữa được đem ra phân tích, mổ xẻ để làm thỏa mãn các nhà nhiếp ảnh và là dịp để các giám khảo đối chiếu giữa ảnh gốc và tác phẩm sau khi đã chỉnh sửa.  

Sau khi đối chiếu file gốc, BGK đã quyết định không rút giải thưởng

Quy trình ngược

Việc chấm ảnh tại các liên hoan ảnh khu vực hầu hết dựa vào kinh nghiệm và cảm tính của các thành viên Ban giám khảo. Và những lùm xùm của mỗi cuộc thi cũng được bắt đầu từ những “người cầm cân nảy mực”. Chỉ đến khi bị dư luận lên tiếng chỉ trích, khâu thẩm định ảnh mới được thực hiện.

Trong khi đó, đáng lý quy trình này cần được thực hiện ngay tại buổi chấm ảnh, thậm chí là từ trước khi các bức ảnh lọt vào chấm giải thì đa phần, Hội đồng nghệ thuật thường làm ngược lại. Tức là, cứ chấm và ra quyết định trao giải. Nếu sau đó, có ý kiến thắc mắc về tác phẩm được chọn treo, chọn giải, lúc ấy Hội đồng nghệ thuật mới đối chiếu với file gốc để chứng minh, giải thích hoặc rút giải thưởng.

Hơn thế, các rắc rối liên quan đến Liên hoan Ảnh khu vực còn bắt nguồn từ độ tuổi của các thành viên giám khảo thường vào quãng... 50 tuổi, độ tuổi không còn trẻ để tiếp cận nhanh nhạy với công nghệ. Trong khi ấy, nhiếp ảnh là bộ môn của nghệ thuật và kỹ thuật thì sự tụt hậu, ít tiếp cận với cái mới của Hội đồng nghệ thuật cũng phần nào giải thích cho các thị phi liên quan đến kết quả cuộc thi. 

Bức ảnh chép ghép vụng về của Nguyễn Đắc Như bị lật tẩy

Xuất phát từ thực tế chấm ảnh hiện nay, NSNA Lý Hoàng Long, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam nhận định: “Để công tác chấm ảnh ngày càng hoàn thiện, cần có thời gian và nhân lực. Thời gian để hoàn thiện và chuẩn hoá quy chế chấm ảnh, về nhân lực, thường giám khảo là những nghệ sĩ tên tuổi, có uy tín và kinh nghiệm, tuy nhiên vì gánh nặng thời gian và sự phát triển không ngừng của công nghệ số, tôi nghĩ rất cần một lực lượng trẻ bổ sung”.

Bên cạnh đó, NSNA Lý Hoàng Long cũng nhấn mạnh tới vai trò của tác giả khi tham gia các sân chơi ảnh. Ông cho rằng, người tham dự cần tuân thủ luật chơi, ví dụ các thể loại: báo chí, thiên nhiên, phong cảnh, tuyệt đối không chấp nhận lắp ghép nhưng trên thực tế, tình trạng phạm quy luôn xảy ra mọi lúc, mọi nơi.

Không thể đổ lỗi cho Hội đồng giám khảo bởi xem, cân nhắc và bỏ điểm trên 2.000 ảnh trong một ngày thật sự rất áp lực, sẽ không tránh khỏi những sai sót. Đã đến lúc, các tác giả cần tập trung vào bản chất đích thực của nhiếp ảnh, đó là khoảnh khắc.