Văn bản thôi chưa đủ

ANTĐ - Cuộc sống thường ngày của người dân tại các đô thị luôn bị bủa vây bởi những nỗi lo không bao giờ dứt. Ra đường lo kẹt xe, ùn tắc, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Rồi ô nhiễm môi trường bụi khí thải, rác phế thải, nguồn nước. Ngay đến miếng ăn, thức uống cũng nơm nớp lo ngại an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chưa bao giờ thịt bẩn, gà thối, nội tạng bốc mùi cùng những món ăn “khoái khẩu” khác nhập khẩu ồ ạt, tràn lan từ biên giới phía Bắc vào nước ta, nhiều như những năm gần đây. Vài tuần, vài tháng các lực lượng chống buôn lậu, quản lý thị trường, công an lại bắt được cả xe tải chở hàng tấn thực phẩm “bẩn” tuồn sâu vào thị trường nội địa. Nhìn tình trạng này, có cảm giác thị trường nước ta đang dần biến thành “bãi rác” chất đống mọi thứ phế thải, đồ thừa ế, đồ hỏng xấu bỏ đi.

Trong khi đó, lực lượng chức năng phòng chống, ngăn chặn lại quá mỏng không đủ để “dàn quân” mọi ngả đường, ngăn chặn mọi phương tiện vận chuyển. Đó là chưa kể sự tiếp tay “nối giáo” của những kẻ buôn bán bất chính và bất lương, kiếm đồng tiền nhơ nhớp từ những thực phẩm thiu thối, lẽ ra phải thiêu hủy thì lại để cho đồng loại ăn. Hàng loạt các loại bệnh từ thực phẩm mất vệ sinh lây sang người đã xuất hiện ở nước ta. Mới đây Cục Thú y và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) vừa công bố kết quả dự án được tiến hành từ tháng 4-2011 đến tháng 6-2012.

Khảo sát 118 cửa hàng thịt tại các chợ ở Hà Nội và hơn 100 cửa hàng ở TP.HCM, lấy gần 600 mẫu thịt để phân tích, kết quả phát hiện các vi khuẩn đều dương tính về nguy cơ an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt lo ngại là, lấy mẫu thịt ngẫu nhiên tại các chợ ở Hà Nội, có đến 100% mẫu thịt bò, 93% mẫu thịt gà và 27% mẫu thịt lợn có chứa vi khuẩn E.coli vượt ngưỡng cho phép.

Tại TP.HCM con số còn đạt “kỷ lục” 100% mẫu thịt bò, lợn, gà đều có E.coli vượt ngưỡng an toàn. Hiện trạng vệ sinh tại các cửa hàng thịt còn đáng báo động hơn. Chỉ có 17,6% số cửa hàng ở Hà Nội và 27% số cửa hàng ở TP.HCM có thùng lạnh bảo quản thịt; 5% số cửa hàng ở Hà Nội và 87% số cửa hàng ở TP.HCM có nguồn nước sạch. Các chuyên gia của FAO cảnh báo một tình trạng đáng lo ngại, cả nước chỉ có độc nhất một phòng kiểm nghiệm được Nhật Bản công nhận đạt chuẩn về kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng buồn thay lại là phòng kiểm nghiệm của một doanh nghiệp tư nhân. Thịt từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu được bày bán trên bàn, phản, sạp tại các chợ dân sinh không có thiết bị ướp lạnh, không thể đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc quản lý và kiểm soát việc giết mổ gia súc gia cầm dù có cũng như không.

Luật An toàn thực phẩm đã đi vào cuộc sống cùng với 82 văn bản gồm nghị định, quyết định, thông tư, chỉ thị, quy chuẩn về chăn nuôi, thú y an toàn vệ sinh thực phẩm. Song cả luật lẫn văn bản vẫn không đủ sức ngăn chặn thực phẩm “bẩn” nhập lậu, vệ sinh thực phẩm vẫn bất an.