Văn bản nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho ca sĩ Khánh Ly sử dụng các bài hát của mình có hợp pháp không?

ANTĐ - Những ngày qua, những tranh cãi không đi đến hồi kết liên quan đến chuyện bản quyền trong chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly giữa Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với đơn vị tổ chức là Công ty Đồng Dao đã lên đến đỉnh điểm khi nhạc sĩ Phó Đức Phương phải đến tận Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội và bay vào Đà Nẵng để đòi tiền tác quyền vì không thống nhất được với đơn vị tổ chức.

Chiều 27- 8, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã mời hai bên tới làm việc, và tại đó, thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng hai bên đã đi đến thống nhất Công ty Đồng Dao sẽ phải trả VCPMC số tiền là 250 triệu đồng (cộng thêm thuế VAT là 275 triệu đồng) cho 2 đêm diễn Khánh Ly.

Tuy nhiên, trong ngày 28-8, ca sỹ Khánh Ly lại bất ngờ tung giấy chứng nhận nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đồng ý cho bà sử dụng các ca khúc của ông từ năm 2000 với số tiền tác quyền là 5.000 USD. Văn bản được lập ngày 22-5-2000, được coi là của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đi kèm là bản chứng thực chuyển nghĩa sang tiếng Anh được thực hiện ở California (Mỹ) ngày 28-7-2001. Nội dung văn bản đồng ý cho Khánh Ly sử dụng những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Vấn đề cần trao đổi là văn bản này có giá trị pháp lý không? Khi hát các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Khánh Ly có phải trả tác quyền cho những người thừa kế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không? Công ty tổ chức biểu diễn các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có phải trả tác quyền không?

Ý kiến bạn đọc 

Thỏa thuận này chỉ có giá trị lúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống

Xét về mặt pháp luật thì bản viết tay được cho là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cho phép ca sĩ Khánh Ly sử dụng các bài hát của ông vào năm 2000, thì nó chỉ có giá trị trong thời gian đó, khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống. Bản viết tay này chỉ là một bản cam kết giữa Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly hoặc nó là một thỏa thuận dân sự giữa Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly, theo đó giấy viết tay đó chỉ có giá trị lúc ông Trịnh Công Sơn còn sống. Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, thì thỏa thuận dân sự giữa Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly kí kết với nhau cũng sẽ chấm dứt bởi nguyên tắc của pháp luật dân sự, khi chủ thể của 1 giao dịch dân sự chết thì giao dịch dân sự đó sẽ chấm dứt. Trừ trường hợp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có để lại nội dung trong di chúc là những người thừa kế phải thực hiện giấy thỏa thuận đó, cho phép ca sĩ Khánh Ly được sử dụng các bài hát của mình. Do vậy khi biểu diễn các nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Khánh Ly vẫn phải trả tiền cho những người thừa kế của cố nhạc sĩ.

Nguyễn Văn Phúc (Quận Ba Đình, Hà Nội)


Văn bản do ca sĩ Khánh Ly đưa ra thiếu cơ sở pháp lý

Có thể khẳng định, bản viết tay được cho là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được ca sĩ Khánh Ly công bố ngày 27-8 không có hiệu lực pháp luật. Đây là một văn bản thể hiện một giao dịch dân sự và được điều chỉnh bằng Bộ Luật Dân sự.

 Theo Điều 768 Bộ luật Dân sự 1995 thì Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải có những nội dung chủ yếu: 1- Hình thức sử dụng tác phẩm; 2- Phạm vi, thời hạn sử dụng tác phẩm; 3- Mức nhuận bút hoặc thù lao và phương thức thanh toán; 4- Trách nhiệm của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng; 5- Các nội dung khác do các bên thoả thuận. Văn bản do ca sĩ Khánh Ly đưa ra không có những nội dung cụ thể này. Trong khi đó theo Điều 15 khoản 1 Nghị định 76/CP 1996 về Quyền tác giả: “Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được ký kết phù hợp với các quy định tại các Điều 767, 768 của Bộ luật và phải theo mẫu hợp đồng sử dụng tác phẩm do Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành”.

Nghĩa là về mặt pháp lý thời điểm năm 2000, thì văn bản của Trịnh Công Sơn không đủ điều kiện về cả nội dung và hình thức để có hiệu lực pháp lý như một hợp đồng sử dụng tác phẩm. Căn cứ vào điều 134 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.

Tôn Nữ Nguyệt Minh (Phường Đông Ba, TP Huế)


Đây là một văn bản có hiệu lực pháp luật

Theo Điều 133 BLDS năm 1995, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Luật Dân sự không buộc hình thức văn bản trong trường hợp này phải có công chứng, chứng thực hay có người làm chứng. Như vậy vấn đề còn lại là ý chí của tác giả về những bài hát của mình. Nếu giám định chữ viết đó là của Trịnh Công Sơn thì ông viết mấy dòng này thể hiện ý chí của mình dành cho Khánh Ly quyền sử dụng những bài hát của ông. Ý chí, sự định đoạt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cần được tôn trọng bởi nó thuộc về quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình.

Theo Điều 767 BLDS năm 1995 thì “Hợp đồng sử dụng tác phẩm là sự thỏa thuận giữa tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm về việc chuyển giao tác phẩm thuộc sở hữu của mình cho cá nhân, tổ chức khác (gọi là bên sử dụng tác phẩm) sử dụng tác phẩm. Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Văn bản này nếu thực sự của Trịnh Công Sơn thì đã đáp ứng quy định này.

Trần Hùng Vĩ (Quận 1, TP Hồ Chí Minh)

Bình luận của luật sư

Phải khẳng định văn bản do ca sĩ Khánh Ly công bố ngày 27/8/2014 là một văn bản thể hiện một quan hệ dân sự. Những quan hệ dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự. Thời điểm ký kết văn bản này là ngày 22-5-2000, như vậy quan hệ này được điều chỉnh bằng các điều khoản của Bộ luật Dân sự năm 1995. 

Việc đầu tiên phải xác định là đây có phải là văn bản của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay không? Về mặt hình thức, so sánh với chữ viết và chữ ký của cố nhạc sĩ, bằng mắt thường, có thể xác định là chữ viết và chữ ký rất giống chữ và chữ ký của Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng có thể nhiều người chưa tin, nhất là những người trong cuộc. Trong trường hợp này, chỉ có những người thừa kế của cố nhạc sĩ, những người có quyền lợi liên quan đến tác quyền của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có quyền yêu cầu giám định. Cơ quan giám định là cơ quan có thẩm quyền và được tòa án công nhận. Đối chiếu với các điều kiện cụ thể, nếu các thừa kế của cố nhạc sĩ không yêu cầu giám định, nghĩa là văn bản này được thừa nhận là thật, đúng là cố nhạc sĩ đã viết và ký tên trên văn bản này.

Sau khi xác định thật giả, cần xem xét nó có giá trị pháp lý không? Văn bản này là văn bản thể hiện ý chí của Trịnh Công Sơn dành cho Khánh Ly quyền sử dụng những bài hát của ông. Ý chí, sự định đoạt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cần được tôn trọng bởi nó thuộc về quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Là tác giả của các ca khúc được Khánh Ly sử dụng, nhạc sĩ có quyền định đoạt (tặng, cho, bán, hủy bỏ…) các tác phẩm của mình. Khối tài sản này không nằm trong di sản mà những người thừa kế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hưởng bởi nó đã được định đoạt khi nhạc sĩ còn sống.

Về hình thức văn bản, chúng ta cần xem xét chi tiết vì rất nhiều người coi văn bản này không thỏa mãn các quy định của pháp luật. Đây là một giao dịch dân sự. Điều 133 BLDS năm 1995 quy định, giao dịch dân sự có hiệu lực khi được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong trường hợp này, giao dịch dân sự đã được thể hiện bằng một văn bản có nội dung rất đơn giản: “Tôi là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đồng ý cho Khánh Ly sử dụng những bài hát của tôi. Tiền tác quyền là 5.000 USD”. Văn bản có chữ ký hợp lệ nhưng không có người làm chứng. Như vậy, đây là một giao dịch dân sự hợp pháp luật, được thể hiện bằng văn bản. Bộ Luật dân sự không quy định các giao dịch dân sự phải có người làm chứng, vì vậy văn bản không có người làm chứng không làm thay đổi giá trị pháp luật của văn bản. Mặt khác, nội dung của giao dịch dân sự này là một giao dịch về tác quyền. Theo Điều 768 Bộ luật dân sự 1995 thì Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải có những nội dung chủ yếu: 1- Hình thức sử dụng tác phẩm; 2- Phạm vi, thời hạn sử dụng tác phẩm; 3- Mức nhuận bút hoặc thù lao và phương thức thanh toán; 4- Trách nhiệm của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng; 5- Các nội dung khác do các bên thoả thuận. Văn bản này thỏa mãn điều 768 BLDS. Theo văn bản, ca sĩ Khánh Ly có quyền sử dụng theo mọi hình thức, không hạn định thời gian các bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với mức nhuận bút 5.000 USD, ngoài ra không có trách nhiệm và nội dung khác. 

Như vậy, ca sĩ Khánh Ly đã được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chuyển giao quyền sử dụng các bài hát của nhạc sĩ một cách hợp pháp. Quyền này chỉ chấm dứt khi ca sĩ Khánh Ly mất.

Một vấn đề khác được đặt ra là ca sĩ Khánh Ly có quyền hát những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà không phải trả thêm tiền tác quyền ở Mỹ hay các nước khác trên thế giới hay không? Việt Nam và Mỹ đã ký kết với nhau Hiệp định bản quyền vào năm 1997 và sau đó Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000 cũng bổ sung thêm một số nội dung, trong đó có nội dung liên quan đến việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Do vậy thỏa thuận giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly có giá trị thực thi tại Mỹ. Rộng hơn nữa, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật mà Việt Nam chúng ta tham gia năm 2004 cho phép Khánh Ly được biểu diễn các bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên lãnh thổ các nước thành viên tham gia Công ước Berne. Nhưng cần chú ý, văn bản này chỉ cho phép ca sĩ Khánh Ly sử dụng, không có nội dung cho phép Khánh Ly chuyển quyền sử dụng cho người khác, nên các ca sĩ khác hát bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không cần phải hỏi ca sĩ Khánh Ly và vẫn phải trả tác quyền cho thừa kế của cố nhạc sĩ. 

Đối với đơn vị tổ chức biểu diễn, theo điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, theo điều 738 Bộ Luật Dân sự năm 2005, mọi tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng các tác phẩm âm nhạc để biểu diễn trước công chúng có bán vé vào cửa phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả. Trong trường hợp cụ thể của ca sĩ Khánh Ly và Công ty Đồng Dao, ca sĩ Khánh Ly không phải trả tác quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả, nhưng công ty Đồng Dao không có quyền đó và vì vậy, công ty tổ chức biểu diễn có thu lợi vẫn phải trả tiền tác quyền theo thỏa thuận với chủ sở hữu quyền tác giả. Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)