Góc nhìn bạn đọc

Vai trò của truyền thông, mạng xã hội trong việc đưa Nghị định 168 vào đời sống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bạn đọc Nguyễn Ngọc Tiến, một người luôn quan tâm công tác đảm bảo TTATGT chia sẻ quan điểm với An ninh Thủ đô là thời gian qua, góp phần để Nghị định đi vào đời sống có sự đóng góp quan trọng của truyền thông và mạng xã hội.

Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, thay thế Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021). Đây là bước hoàn thiện tiếp theo trong hệ thống pháp luật về giao thông, với mức xử phạt nghiêm khắc hơn nhằm giảm vi phạm, hạn chế tai nạn.

Báo chí, mạng xã hội góp phần lan tỏa mạnh mẽ Nghị định 168

Báo chí, mạng xã hội góp phần lan tỏa mạnh mẽ Nghị định 168

Một vấn đề đáng chú ý, ghi nhận là thời gian qua, góp phần để Nghị định đi vào đời sống có sự đóng góp quan trọng của truyền thông và mạng xã hội.

Có thể thấy, công tác tuyên truyền Nghị định 168 được triển khai đồng bộ trên nhiều phương tiện. Trước đây, khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ra đời năm 2019, mạng xã hội dù đã phát triển nhưng báo chí, truyền hình vẫn là kênh tuyên truyền chủ yếu.

Đến năm 2021, khi Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng có hiệu lực, thông tin trên các nền tảng số đã lan tỏa mạnh hơn, song chưa rộng rãi như hiện tại.

Qua báo chí, người dân được nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông

Qua báo chí, người dân được nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông

Năm 2024, với sự bùng nổ của báo chí điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok và các kênh thông tin chính thức của các bộ, ngành, việc phổ biến Nghị định 168 được triển khai nhanh chóng, tiếp cận sâu rộng hơn.

Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền hình để phổ biến các quy định mới, mức phạt tăng cao, nhấn mạnh tính nghiêm khắc của nghị định. Các chiến dịch như “Đã uống rượu bia, không lái xe” hay “Không giao xe cho người không đủ điều kiện” tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức của người dân.

Thực tế, sau hơn một tháng thực hiện Nghị định 168, truyền thông và mạng xã hội đã cho thấy tác động rõ rệt. Hàng loạt bài viết, bản tin trên các kênh chính thống của Trung ương và địa phương liên tục cập nhật về việc triển khai nghị định, mức xử phạt mới, những trường hợp vi phạm điển hình. Các fanpage chính thức của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Chính phủ đăng tải nhiều nội dung hướng dẫn, phân tích mức phạt, thu hút hàng trăm nghìn lượt tiếp cận, chia sẻ. Đặc biệt, nhiều video trên TikTok do các KOLs, Tiktoker thực hiện về các lỗi vi phạm, cách tra cứu điểm giấy phép lái xe đạt hàng triệu lượt xem, chứng tỏ sự quan tâm lớn của cộng đồng.

Không chỉ phản ánh công tác xử lý vi phạm, truyền thông và mạng xã hội còn lan tỏa nhiều hình ảnh đẹp về ý thức chấp hành luật giao thông: những cổ động viên bóng đá dừng chờ đèn đỏ dù đường vắng, người dân nghiêm túc chờ đèn tín hiệu giữa đêm lạnh 13 độ, hay hình ảnh lực lượng CSGT tận tình giúp đỡ người dân… Những nội dung này tạo hiệu ứng tích cực, khuyến khích ý thức tự giác trong cộng đồng.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự lan tỏa mạnh mẽ từ truyền thông, Nghị định 168 nhanh chóng đi vào đời sống, góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.