Vai trò của nữ giới trong việc phát triển Phật giáo tại Việt Nam

ANTD.VN -Là chủ đề hội thảo khoa học vừa được Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân ban ni giới trung ương, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức nhân Đại lễ tưởng niệm 906 năm ni sư Diệu Nhân viên tịch. Hội thảo khẳng định vai trò quan trọng của ni sư trong việc phát triển Phật giáo Việt Nam.  

Ni sư Diệu Nhân (1042-1113) là đệ tử Phật triều Lý. Bà là cháu nội vua Lý Thái Tông và là con nuôi vua Lý Thánh Tông. Bà xuất gia tu hành đắc đạo và là ni sư duy nhất được nối dòng Thiền Tỳ Ni Lưu Đa Chi ở đời thứ 17. Với những đóng góp to lớn của ni sư Diệu Nhân đối với Phật giáo Việt Nam, bà được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tôn vinh là vị Tổ sư ni tiêu biểu nhất của Phật giáo Việt Nam.

Hội thảo nhận được hơn 100 bài tham luận của các học giả, các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước với những nghiên cứu sâu về cuộc đời, đức độ và quá trình tu hành của ni sư Diệu Nhân trong việc lan toả đạo lý, đức hạnh tốt đẹp tới các phật tử.

Hoà thượng Thích Thanh Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Học viện Phật giáo Việt Nam khẳng định, trong quá trình phát triển hơn 2000 năm của Phật giáo tại Việt Nam, các ni sư có đóng góp vô cùng quan trọng, mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho sự phát triển đạo pháp tại Việt Nam. Trong quá trình phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn có nhiều chính sách cho các ni giới. Hiện nay, Giáo hội  có phân ban Ni giới, đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng trong Giáo hội. Tại Học viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có 400/600 học viên là nữ giới.

Theo Giáo sư Lương Gia Tĩnh, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, đây là hội thảo khoa học có quy mô lớn, không chỉ nhìn nhận lại những đóng góp của Ni sư Diệu Nhân mà còn đánh giá vai trò của ni giới, các nữ phật tử trong việc phát triển Phật giáo Việt Nam.