Vải thiều Bắc Giang: Được mùa, được giá, được cả bạn hàng

ANTĐ - Bắc Giang hiện đã vào vụ vải. Theo ghi nhận, vải thiều Bắc Giang năm nay được mùa và giá cao. Đáng nói, các Bộ, ngành liên quan cùng tỉnh này ngay từ đầu vụ đã chủ động tìm thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu thay vì trông chờ vào thị trường Trung Quốc như mọi năm.

Nhà vườn phấn khởi vì vải được mùa, được giá - Ảnh: NGÂN TUYỀN

Nông dân phấn khởi

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, đầu năm, thời tiết khắc nghiệt mưa và lạnh kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển của cây vải. Nhưng, năm nay, sản lượng vải thiều lại cao hơn 5.000 tấn so với năm 2013, ước đạt hơn 140.000 tấn quả tươi. Trong đó, sản lượng vải sớm chiếm 12%, vải chính vụ chiếm 88%. Vui mừng là năm nay, dù vải thiều được mùa nhưng được cả giá khiến người trồng vải thoát được mối lo.

Thời điểm này đang là đợt thu hoạch vải chín sớm ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Năm nay, giá bán vải chín sớm tại vườn cao hơn từ 3-7.000 đồng/kg so với vụ vải năm ngoái, khiến các nhà vườn phấn khởi. 

Anh Nguyễn Văn Dương, chủ vườn vải ở xã Tân Mộc – Lục Ngạn – Bắc Giang cho biết, vải đầu mùa đang cân được 18.000-30.000 đồng/kg. Năm nay, vải được giá cao, người dân rất phấn khởi. Cũng bởi vải đang được giá lại vào vụ nên các vườn vải cũng như các điểm cân vải tại xã Tân Mộc luôn hoạt động nhộn nhịp bất chấp cái nắng hè chang chang. Ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lục Ngạn khẳng định, năm nay vùng vải Lục Ngạn được mùa, dù 2 tuần nữa mới vào chính vụ thu hoạch. Năm 2013, sản lượng vải thiều toàn huyện đạt 72.000 tấn, năm nay ước tính đạt khoảng 90.000 tấn, trên tổng diện tích 17.500ha trồng vải. Trung bình mỗi năm, quả vải mang lại giá trị kinh tế khoảng 1.300 tỷ đồng cho huyện Lục Ngạn. 

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lâu nay, quả vải thiều vẫn bị phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, sản lượng tiêu thụ vải thiều ở thị trường này chiếm khoảng 30% tổng sản lượng vải của nước ta, trong đó lượng vải xuất khẩu tập trung nhiều ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương). Bởi vậy, không ít nhà vườn lo ngại việc căng thẳng trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến đầu ra của quả vải thiều. Theo anh Dương, vào hồi tháng 5, người trồng vải ở Lục Ngạn lo ngay ngáy do phần lớn vải tươi ở đây xuất khẩu đi Trung Quốc. 

Tuy vậy, theo ông Lưu Xuân Hòa, Chủ tịch Hội sản xuất & tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, hiện việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường, đã có 13 thương nhân Trung Quốc sang Lục Ngạn đặt hàng vải. “Chúng tôi tuyên truyền cho người dân bình tĩnh, buôn bán sòng phẳng nên đến thời điểm này mọi việc vẫn đang rất suôn sẻ và thuận lợi”, ông Hòa bày tỏ. 

Chủ động mở rộng thị trường

Được biết, những năm gần đây, do công tác xúc tiến quảng bá thương mại được chú trọng nên thị trường xuất khẩu vải thiều đã được mở rộng. Việc sản xuất và tiêu thụ vải thiều bắt đầu đi theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm tại 5 nơi: Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia và Đài Loan, được tiêu thụ nhiều ở trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Campuchia, Australia, một số nước Đông Âu dưới các hình thức như vải thiều tươi, vải sấy khô, cùi vải đóng hộp, rượu vang vải thiều, thạch vải, nước ép vải...

Theo nhận định, quả vải được nhiều thị trường ưa chuộng như Nhật Bản, các nước châu Âu. Song, có một khó khăn là quả vải tươi rất khó bảo quản, nhất là mùa thu hoạch vải thiều lại tập trung vào tháng nắng nóng. Để tăng thời gian bảo quản nhằm xuất khẩu quả vải thiều sang các thị trường mới như Nhật Bản, các nước châu Âu, thời gian qua ngành chức năng huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KHCN) nghiên cứu, áp dụng công nghệ CAS vào bảo quản quả vải tươi. Kết quả ban đầu cho thấy, vải thiều có thể bảo quản được hơn 1 năm với chất lượng tốt.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương cũng đã vào cuộc, giúp vải thiều Bắc Giang tìm thị trường. Theo Bộ Công Thương, đơn vị này đã giao Vụ  Thị trường trong nước liên hệ với các chợ đầu mối ở Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ... cùng các thương nhân để hỗ trợ tiêu thụ tốt vải thiều. Còn Tổng Công ty Rau quả Việt Nam cho biết, những năm trước, công ty chủ yếu làm vải đóng hộp xuất đi Nga, nhưng năm nay đã có 11 đoàn của Nhật Bản sang đặt hàng để đưa 3.000 tấn vải thiều sang thị trường này. Dự báo, năm nay sản lượng vải xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc... sẽ tăng khoảng 10%.