Tội phạm mua bán người

Vạch trần những đường dây của quỷ

ANTĐ - Tội phạm mua bán người đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em luôn bị xã hội căm phẫn và lên án bởi chỉ vì đồng tiền mà những kẻ mất hết nhân tính đã đang tâm buôn bán cả đồng loại của mình. Những nạn nhân bị buôn bán nếu không bị ép buộc làm gái mại dâm thì cũng phải làm lao động khổ sai hoặc bị bán nội tạng… Kể từ khi Luật Phòng chống buôn bán người có hiệu lực vào ngày 1-1-2012, cuộc chiến với những đường dây “mẹ mìn” này càng trở nên quyết liệt.
Vạch trần những đường dây của quỷ  ảnh 1
Các đối tượng trong đường dây buôn bán phụ nữ trẻ em


Lừa vào tổ quỷ

Giữa năm 2011, Phòng 6 - Cục Cảnh sát Hình sự nhận được đơn trình báo của cô gái 18 tuổi là Nghiêm Thị T (Vĩnh Phúc) tố cáo về việc bị một số đối tượng lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Sau nửa năm lưu lạc đất khách quê người T đã bỏ trốn được về Việt Nam và làm đơn tố cáo các đối tượng trên. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát hình sự của Phòng 6 - C45 đã xác định được các đối tượng trong đường dây tội phạm trên vẫn tiếp tục dùng thủ đoạn sử dụng mạng Internet để tìm kiếm những cô gái trẻ, tán tỉnh giả vờ yêu đương, sau đó lừa bán họ sang Trung Quốc. Sau khi lập chuyên án mang bí số T511, cơ quan công an đã bắt 3 đối tượng lừa bán chị T qua biên giới.

Qua khai thác mở rộng, phòng 6 Cục Cảnh sát Hình sự đã làm rõ, trong khoảng thời gian từ 9-2010 đến 12-2010, các đối tượng Tú, Lương và Tuấn đã 3 lần thực hiện trót lọt việc đưa người sang Trung Quốc để bán. Trước đó, Cục cảnh sát Hình sự Bộ Công an đã phát hiện một đường dây mua bán người quy mô lớn từ Tây Ninh và các tỉnh phía Nam sang Singapore ép làm gái mại dâm. Cầm đầu đường dây là Trần Văn Tâm (Tây Ninh) và Nguyễn Loan Thạch (Long An). Hai đối tượng này bị bắt quả tang khi đang đưa 6 cô gái sang Singapore qua đường cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Mở rộng điều tra, C45 xác minh, đường dây này đã lừa bán khoảng 50 phụ nữ Việt Nam. Những phụ nữ này khi bị lừa bán sang Singapore đều bị ép phải làm gái mại dâm. 

Mới đây nhất, cuối tháng 12 năm 2011, Đội Chống tội phạm mua bán trẻ em (PC45 - Công an Hà Nội) đã kết thúc chuyên án 475P triệt phá đường dây chuyên hoạt động mua bán người trên địa bàn Hà Nội và bắt giữ 6 đối tượng (trong đó đối tượng trẻ tuổi nhất trong đường dây này là Vũ Thị Hồng mới chỉ sinh năm 1995). Các đối tượng này đã khai nhận, từ cuối tháng 7-2011 cho tới khi bị bắt, chúng đã gây ra 6 vụ, đưa 9 nạn nhân sang Trung Quốc bán cho các ổ mại dâm với giá từ 1 đến 30 triệu đồng/ người.

Đáng chú ý trong số các nạn nhân của đường dây này có một người ở tận Cần Thơ đã bị chúng dụ dỗ ra Hà Nội đưa sang Trung Quốc bán… Cũng cùng thời điểm này, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đã phối hợp chỉ đạo PC45 Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ Dương Văn Hoàng (SN 1986, HKTT Phổ Yên, Thái Nguyên) trong đường dây lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Núp dưới vỏ bọc buôn bán quần áo từ Trung Quốc về Hà Nội, Hoàng đã lang thang đến các khu công nghiệp ở Hà Nội để làm quen với các cô gái có nhu cầu tìm việc làm thu nhập cao rồi dụ dỗ họ theo mình lên biên giới buôn bán quần áo để lừa bán sang Trung Quốc. Hoàng khai nhận, trong khoảng thời gian từ tháng 5-2011 đến tháng 11-2012, Hoàng đã cùng với Đỗ Văn Thường (SN 1986, Thái Nguyên) lừa  12 phụ nữ ở 7 tỉnh, thành phố sang Trung Quốc bán cho Nguyễn Thị Nhung (SN 1969, An Lão, Hải Phòng, là đối tượng truy nã của Công an Hà Nội). Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã câu nhử và bắt giữ Nguyễn Thị Nhung tại khu vực đường biên giới thuộc TP Móng Cái (Quảng Ninh). 

Lỗi một phần ở các nạn nhân

Không khó để nhận ra những thủ đoạn của loại tội phạm mua bán người, các đối tượng này thường làm quen với nạn nhân qua mạng Internet rồi sau đó giả vờ yêu, đưa lên biên giới chơi, mua hàng rồi bán qua nước ngoài. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phạm Văn Sỹ, Trưởng phòng 6 - Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết: Qua các vụ án buôn bán người có thể thấy cũng có một phần lỗi của chính các nạn nhân. Đa phần các nạn nhân thường quá dễ dãi và nhẹ dạ, dù mới chỉ quen hoặc biết đối tượng thông qua mạng Internet nhưng họ đã sẵn sàng trốn nhà đi theo chúng. Điển hình như trong vụ án của Bùi Văn Huy (SN 1992, HKTT Hưng Yên), Huy là một mắt xích trong đường dây buôn bán người sang Trung Quốc đã bị Công an TP Hà Nội triệt phá trong thời gian qua. Để thực hiện kế hoạch của mình, Huy thường sử dụng những nickname và những số điện thoại khác nhau để liên lạc với các cô gái. Sau khi tán tỉnh trên mạng, thấy con mồi đã cắn câu, Huy khéo léo hẹn gặp họ. Với vẻ bề ngoài bảnh bao cộng thêm tài ăn nói, Huy đã thu hút được tình cảm của những cô gái trẻ này. Mỗi lần lừa được “người yêu” nào, Huy đều rủ họ về quê ở Quảng Ninh chơi để ra mắt bố mẹ, nhưng thực chất thì Huy lại đưa thẳng các cô gái này ra biên giới rồi bán sang Trung Quốc. Với thủ đoạn như vậy, trước khi bị bắt, đã có 7 cô người yêu nhẹ dạ cả tin bị Huy lừa bán.

Bên cạnh việc làm quen qua Internet, những nạn nhân mà các đối tượng buôn bán người thường nhằm đến để tiếp cận, làm quen thường là những cô gái mới lớn ở những vùng nông thôn, có trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định. Đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới mà Công an TP Hà Nội triệt phá 8-2011 là một trong những trường hợp như vậy. Tạ Đình Hoan (SN 1987, HKTT tại  Đắc Lắc) cùng dì ruột (trú ở Quảng Tây, Trung Quốc) đã bàn nhau tìm phụ nữ trẻ đưa sang nước bạn làm gái mại dâm. Hoan đã móc nối với nhiều người tạo thành một đường dây hoạt động rất bài bản. Chúng lên kế hoạch và chia nhau đi tìm kiếm các phụ nữ không có công ăn việc làm ổn định ở những vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức hạn chế rồi hứa dẫn ra Hà Nội tìm việc làm với thu nhập khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Tại thời điểm bị bắt, Hoan và đồng bọn đang trên đường đưa 4 cô gái trẻ (đều trú tại huyện Krông Pắk, Đắc Lắc) ra Móng Cái để giao hàng.

Những “tú bà” tàn nhẫn

Theo Trung tá Nguyễn Tiến Tần, Đội trưởng Đội chống tội phạm mua bán phụ nữ - trẻ em (Phòng Cảnh sát Hình sự CATP Hà Nội), điều dễ nhận thấy là các đối tượng tham gia trong những đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới thường là những thanh niên hư hỏng, có tiền sử chơi bời lêu lổng hoặc những đối tượng đã từng có tiền án, tiền sự. Do cần tiền để tiêu xài chúng đã móc nối với cac đối tượng là chủ chứa hoặc môi giới để lừa bán người vào các động mại dâm bên kia biên giới. Hoạt động của các đường dây này thường hết sức đa dạng, phức tạp và tàn nhẫn, các đối tượng thường cấu kết chặt chẽ với nhau và sử dụng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Cá biệt có những đối tượng như Ngô Thị Hưng Trang (SN 1990 HKTT tại Vụ Bản - Nam Định) đã từng là nạn nhân của một vụ mua bán người, tuy nhiên khi được giải cứu về Việt Nam đã lập ra đường dây buôn bán người qua biên giới. Do từng có thời gian làm gái mại dâm ở đây nên Trang đã chủ động sang bên kia biên giới móc nối với những “tú bà” rồi về nước tập hợp các gã trai trẻ thường xuyên dạt nhà sống lang thang để làm các chân rết lên mạng tìm kiếm con mồi. Số nạn nhân mà đường dây này đã lừa bán vào các động mại dâm tại Trung Quốc lên tới 22 người, trong đó có 2 nạn nhân dưới 16 tuổi. 

Theo thống kê của Bộ Công an, trong thời gian từ 2005 đến 2011, trên cả nước đã xảy ra 2.560 vụ buôn bán người với hơn 5.700 nạn nhân. Trong đó cơ quan chức năng đã triệt phá 2.200 vụ và bắt gần 3.600 nghi phạm, giải cứu gần 2.000 nạn nhân. Cá biệt, tại một số địa phương đã xuất hiện nạn buôn bán đàn ông, bán cho các chủ lò gạch, khai thác quặng tại Trung Quốc, buôn bán nội tạng cho các bệnh viện tư tại Trung Quốc. Tuy nhiên theo kết quả điều tra, khảo sát mới đây nhất của Công an các địa phương, cho đến nay cả nước vẫn còn khoảng 22.000 phụ nữ và trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do, trong số này nhiều phụ nữ, trẻ em nghi bị mua bán nhưng chưa xác minh, giải cứu vì không có thông tin đầy đủ về nạn nhân.

Cảnh giác phòng ngừa

Để phòng ngừa tình trạng buôn bán người, Đại tá Phạm Văn Sỹ cho rằng, song song việc phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng cảnh sát hình sự công an các địa phương với lực lượng xuất nhập cảnh, Bộ đội biên phòng thì cũng cần phải phát động các phong trào quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước liên quan đến hoạt động mua bán người với nhiều nội dung, hình thức phong phú như lồng ghép với các buổi họp của thôn, bản, tổ dân phố, nhà trường, nói chuyện chuyên đề cho học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên, hội viên phụ nữ tại các buổi sinh hoạt đoàn thể để tuyên truyền phương thức, thủ đoạn và hậu quả, tác hại của tội phạm mua bán người, cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân.

Và một điều hết sức quan trọng là qua thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người cho thấy, các đối tượng phạm tội thường là người quen biết, cùng quê với nạn nhân, nên hiểu biết rất rõ hoàn cảnh, tâm lý của nạn nhân. Các đối tượng này thường là những chân rết của những đường dây mua bán người, vì hám lợi chúng sẵn sàng rủ rê lôi kéo “người quen” của mình vào tổ quỷ. Thủ đoạn mà chúng đưa ra đối với các nạn nhân là một công việc lý tưởng, với mức thu nhập cao, khiến người dân hy vọng sẽ “đổi đời” mà nghe theo lời dụ dỗ của chúng. Chính vì vậy, ngay chính những người dân cũng cần phải nâng cao ý thức cảnh giác tự phòng ngừa để tránh sa chân vào đường dây của quỷ.