Vạch trần những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội tinh vi nhất hiện nay

ANTD.VN - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, những thủ đoạn lừa đảo online ngày càng trở nên tinh vi và xảo quyệt hơn rất nhiều. Đa phần chúng nhắm vào lòng tin của người dùng để từ đó, tạo cơ hội chiếm đoạt tài sản, tiền bạc… qua mạng internet. Dưới đây là một số chiêu trò lừa đảo tinh vi mà người dùng khó nhận biết nhất.

Đánh vào tâm lý người dùng: Thích được tặng quà, dùng đồ miễn phí, mua hàng giá rẻ…

Trên các trang mạng xã hội hay gọi chung là thế giới ảo, hầu hết các nhà kinh doanh, buôn bán online đều không ngừng đưa ra các chiến lược, những hình thức nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình một cách hấp dẫn nhất như tặng quà, giảm giá toàn bộ mặt hàng, miễn phí sản phẩm, tổ chức trò chơi trúng thưởng… để thu hút sự quan tâm, chú ý của khách hàng. Chính vì nắm bắt được tâm lý này của người tiêu dùng, các nhóm lừa đảo đã lên kế hoạch tiếp cận những đối tượng “hám lợi”, “tham rẻ” nhằm đạt được mục đích “moi tiền” mà chúng muốn.

Trên facebook, các nhóm lừa đảo này lập ra một số trang bán hàng giống y hệt các thương hiệu nổi tiếng, rồi chi một số tiền lớn cho việc chạy quảng cáo để tiếp cận được nhiều khách hàng phù hợp. Sau đó, những “kênh bán hàng” dụ “con mồi”- những người thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin, bằng hàng loạt các lời mời mọc, thuyết phục vô cùng hấp dẫn và đương nhiên, tất cả đều là miễn phí.

Nhiều người khi thấy thông báo này, dù chưa kịp tìm hiểu kênh bán hàng là ai đã vội vàng ấn vào, vô tư xác nhận đầy đủ thông tin cá nhân và thậm chí còn cảm ơn cả người bán. Đơn giản vì, họ thấy số lượng quà tặng chỉ còn rất ít, nếu không nhanh tay thì sẽ không nhận được quà. Đây chính là nguyên nhân mà nhiều người sử dụng mạng xã hội bị “dính bẫy” mà không hề hay biết.

Các băng nhóm lừa đảo sẽ lập các kênh bán hàng online để dụ "con mồi"

Tinh vi hơn, các nhóm lừa đảo sẽ gửi tin nhắn thông báo giảm giá sản phẩm với mức không thể ngờ tới, dành riêng cho khách hàng thân thiết với thương hiệu nổi tiếng. Hay cách khác, chúng gửi thông báo cho người dùng đã trúng xổ số với giải thưởng hàng trăm triệu đồng, nhưng thực chất, đây lại là một cái bẫy.

Để nhận “giải”, người dùng phải điền đầy đủ thông tin cá nhân, mật khẩu hoặc số thẻ ngân hàng vào một đường link đính kèm. Khi nhấp vào, tự động người dùng sẽ được chuyển hướng sang một trang wed giả mạo khác hoặc tự động tải về mã độc vào thiết bị. Từ đây, người dùng bị khai thác thông tin cá nhân, và nguy cơ cao sẽ bị xâm nhập đến tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng.

Mượn danh người nổi tiếng để “quyên góp từ thiện”

Một chiến thuật lừa đảo mà phần trăm “chiến thắng” rất cao, đó là tạo trang facebook giả danh người nổi tiếng, sau đó quảng cáo các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, các mặt hàng kém chất lượng hay kêu gọi quyên góp từ thiện.

Họ lấy ảnh người nổi tiếng đăng lên trang facebook giả, thậm chí sao chép nguyên văn dòng cập nhật trạng thái từ Facebook thật. Sau khi chiếm được lòng tin của người hâm mộ và lượng người theo dõi nhất định, “người nổi tiếng” sẽ đưa ra các thông báo hấp dẫn như tặng tiền, thẻ điện thoại hoặc tặng quà với lí do "cảm ơn fan đã quan tâm và ủng hộ". Không chỉ vậy, chúng còn tổ chức các trò chơi bốc thăm trúng thưởng, người tham gia sẽ có cơ hội nhận được nhiều phần quà miễn phí trị giá hàng chục triệu đồng, với yêu cầu là “like” và “share” nhiều lần.

Chiêu trò tạo trang facebook giả danh người nổi tiếng để lừa đảo

Chưa dừng lại ở đó, kẻ xấu còn lấy danh nghĩa của người nổi tiếng để kêu gọi quyên góp từ thiện, chúng đăng tải những câu chuyện thương tâm lên facebook, chẳng hạn như quyên góp cho các học sinh nghèo vùng cao hay cứu trợ người gặp nạn sau thảm hỏa sóng thần, lũ lụt... kèm bên dưới là số tài khoản của người nhận. Nếu cả tin nghe theo, người dùng không chỉ vô tình đang tiếp tay cho kẻ xấu đạt được mục đích mà còn mang nguy hiểm về cho chính bản thân mình.

Tin tưởng trai ngoại tặng quà, gửi tiền

Lấy chồng Tây không còn là điều quá xa lạ trong xã hội ngày nay, tuy nhiên không phải cô gái nào cũng may mắn tìm được một người phù hợp và ưng ý. Đã có rất nhiều trường hợp, vì muốn lấy chồng tây để cơ may có thể “đổi đời”, thay đổi số phận và hoàn cảnh gia đình mà đã bị lừa hàng trăm triệu đồng, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Năm 2018, một cô gái tỉnh Quảng Ninh đã bị mất trắng số tiền là 137.500.000 đồng bởi một đối tượng lừa đảo người nước ngoài thông qua facebook. Người này tự xưng là nhân viên quân đội Hoa Kỳ, kết bạn và làm quen với cô gái trẻ.

Khi mối quan hệ của hai người trở nên thân thiết, người đàn ông ngỏ lời muốn gửi quà cùng số tiền là 933 nghìn USD (sấp sỉ khoảng 22 tỷ đồng) cho bạn gái.

Sau đó, cô gái trẻ nhận được điện thoại của một người phụ nữ xưng là bên hải quan, thông báo có một gói hàng từ nước ngoài chuyển về và yêu cầu cô gái phải nộp số tiền là 137.500.000 đồng cho các khoản như phí bảo hiểm, tiền phạt vì lượng tiền trong gói quà vượt mức quy định... rồi mới được nhận hàng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, cô gái đợi mãi vẫn không thấy quà và tiền như đã hứa, gọi lại số điện thoại cho người phụ nữ bên “hải quan” thì thuê bao, biết chắc mình đã bị mắc bẫy, cô gái ngay sau đó đã trình báo với cơ quan công an.

Có thể nói, dù sử dụng hình thức lừa đảo nào, thì sự nhẹ dạ cả tin, “hám lợi” nơi người dùng vẫn là yếu tố then chốt và quyết định sự thành bại của nhóm người xấu. Các chiêu thức ngày càng tinh vi và xảo quyệt, người dùng nên trang bị những kiến thức cũng như liên tục cập nhập thông tin về các băng nhóm lừa đảo để có thể dễ dàng nhận ra và không bị “sập bẫy”.