Vạch trần hoạt động tổ chức tuyển “Cô dâu Việt” sang Trung Quốc (1)

ANTĐ - Hàng loạt vụ tổ chức cho người Trung Quốc "xem mặt" cô dâu Việt Nam bị công an bắt giữ. Các hoạt động môi giới tuyển vợ sang Trung Quốc đã được tổ chức bài bản, với những đường dây tổ chức chặt chẽ, tinh vi.

Xuất hiện đường dây “tuyển vợ” tổ chức tinh vi

Chiều 25/10/2013, các trinh sát công an quận Tân Phú đã ập vào một quán ăn điểm tâm nằm trong chung cư Vườn Lài, phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú, TPHCM, bắt quả tang 3 người đàn ông Trung Quốc cùng N.T.S (người môi giới) và T.T.L. (phiên dịch) đang “tuyển vợ” cho 3 người đàn ông Trung Quốc là Ye Yan Bao (24 tuổi), WuZe Jun (39 tuổi) và Ye Yan Gui (38 tuổi). “Thí sinh” là 3 cô gái Việt Nam đến từ các tỉnh miền Tây.

Theo thông tin ban đầu, thời gian gần đây, cơ quan CSĐT công an quận Tân Phú nhận được tin báo của một số người dân về việc tại khu chung cư này thường xuyên xuất hiện nhiều người Trung Quốc tìm đến các quán ăn điểm tâm để ăn uống. Tuy nhiên, điều bất thường đang diễn ra ở đây là có nhiều cô gái trẻ ở miền Tây xuất hiện "chớp nhoáng" rồi biến mất một cách bí ẩn, hoạt động này đã diễn ra âm thầm trong nhiều tháng qua ở đây. Sau thời gian theo dõi hoạt động của đối tượng S, cơ quan điều tra đã quyết định “cất vó”.

Ngày 28/10, một đại diện cơ quan Cảnh sát điều tra công an quận Tân Phú cho biết, cơ quan này đang củng cố hồ sơ, mở rộng điều tra vụ án. Cơ quan CSĐT đánh giá, ngoài vụ việc trên, các đối tượng môi giới còn thực hiện thêm nhiều vụ khác nữa. Đây là thủ đoạn phạm tội mới của các đường dây "tuyển vợ" cho người nước ngoài, nên cơ quan CSĐT sẽ gấp rút điều tra, làm rõ.

Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, Việt Nam đã trục xuất 4 công dân Trung Quốc gồm có Ye Zuozhong (31 tuổi), Xu Erehun (32 tuổi) nhập cảnh vào Việt Nam ngày 11/3 và Chen Chaoqun  (27 tuổi), Lui Xiang (39 tuổi) nhập cảnh vào Việt Nam ngày 21/3. Những người này đã bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt quả tang đang tổ chức tuyển vợ tại khách sạn Mimoza và nhà nghỉ Ngọc Hằng (An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). 

Qua quá trình điều tra, họ khai nhận được bà Lê Hồng Đào (40 tuổi, cư trú tại Cà Mau) dắt mối cho 3 cô gái là H.U.M (20 tuổi), H.U.T (18 tuổi), H.U.L (28 tuổi) sống cùng quê để "xem mặt". Cơ quan chức năng đã quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với 4 người này, đồng thời đề nghị hủy thị thực và đưa vào diện cấm nhập cảnh 3 năm, đồng thời trục xuất khỏi Việt Nam trước thời hạn. 

Vạch trần hoạt động tổ chức tuyển “Cô dâu Việt” sang Trung Quốc (1) ảnh 1

Các vụ tuyển vợ người Việt Nam của đàn ông Trung Quốc đang diễn ra ngày càng nhiều (Ảnh minh họa)


Ngày 23/9/2013, TAND tối cao tại TPHCM đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 12 năm tù đối với bị cáo Lin Liang Hui (44 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) về tội “mua bán người”. Trong vụ án này, cùng với tội danh trên, TAND tỉnh Tây Ninh cũng đã tuyên phạt án tù đối với đồng bọn với Hui là vợ chồng Vong Kam Sang, Từ Sy Muối (quốc tịch Trung Quốc) mỗi người 4 năm tù, 7 bị cáo khác bị từ 3-8 năm tù.

Năm 2010, Hui sang Việt Nam lấy vợ rồi sinh sống tại Đồng Nai. Hui bàn với Sang - Muối móc nối với một số đối tượng khác lập thành đường dây mua phụ nữ sang Trung Quốc để lấy tiền. Để "xem mặt" vợ tại Việt Nam, mỗi người Trung Quốc phải trả cho Hui và đồng bọn 120 triệu đồng/người. Chỉ từ năm 2011 đến tháng 7/2012, đường dây của chúng đã tổ chức đưa trót lọt 20 phụ nữ Việt Nam bán cho đàn ông Trung Quốc mua làm vợ, trong đó 17 cô gái quê Tây Ninh, 3 cô quê Đồng Nai.

Vào ngày 27-12 năm ngoái, lực lượng công an đã kiểm tra khách sạn Hoàn Cầu - đường Bà Huyện Thanh Quan, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ, phát hiện Hua Xiaole (37 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) cùng vợ là người Việt Nam đang tổ chức cho 7 đàn ông người Trung Quốc "xem mặt" 4 phụ nữ Việt Nam để làm vợ. Tên này khai nhận, trước đó, cặp vợ chồng này đã đưa được 11 cô gái ngụ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sang Trung Quốc lấy chồng, tiền môi giới cho mỗi cô là 20 triệu đồng. 

Cùng thời điểm đó, cũng tại khách sạn trên, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP Cần Thơ cũng phát hiện một người Trung Quốc tên Hao Bin đang thuê phòng ở với một phụ nữ tên Thảo. Thảo khai nhận đang sống với Hao Bin như vợ chồng và cũng đang chờ tuyển phụ nữ trẻ miền Tây lấy chồng Trung Quốc. Trước đó, 2 người này cũng đã đưa 2 cô gái sang Trung Quốc “lấy chồng” với tiền công 32 triệu đồng.

Cách đây vài năm, hoạt động trái phép này thường thấy liên quan đến người Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Singapore… nhưng hiện nay nó đã chuyển sang đối tượng là đàn ông Trung Quốc đại lục. Trước đây, hiện tượng phụ nữ Việt bị đưa sang Trung Quốc thường xuất hiện ở các tỉnh phía bắc nhưng với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu đi theo con đường buôn bán tiểu ngạch qua các cửa khẩu hoặc đường mòn trên biên giới phía bắc, nhưng hiện nay nó đã chuyển vùng xuống phía nam, chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long, được tổ chức bài bản với những đường dây tổ chức chặt chẽ. 

Hình ảnh con gái Việt Nam bị đưa nhan nhản trên các trang mạng của Trung Quốc như Boxun (Ảnh minh họa)

Cơ sở tổ chức “tuyển vợ Việt Nam” mọc lên nhan nhản tại Trung Quốc

Hiện nay, tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, cùng với những khó khăn trong đời sống xã hội khiến cho số lượng đàn ông không thể lấy được vợ cũng ngày một tăng lên. Các chuyên gia xã hội học Trung Quốc dự đoán, sau năm 2013, mỗi năm Trung Quốc sẽ có khoảng 1,2 triệu đàn ông độc thân, đến giai đoạn 2020, con số này sẽ tăng lên mức khủng khiếp là 3 triệu người. Đó là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến họ phải tìm vợ ở các quốc gia xung quanh, trong đó có Việt Nam. Có cầu ắt có cung, các công ty môi giới hôn nhân “chui” mới thi nhau mọc lên và có đất sống.

Những kẻ tổ chức các đường dây này là người như thế nào? Đây nhiều phần là những người Việt Nam lấy vợ/chồng Trung Quốc, sau đó quay về lôi kéo con gái Việt Nam lấy chồng Trung Quốc như các đối tượng đã kể ở các vụ án trên. Tuy nhiên, các đối tượng đó chỉ là những kẻ môi giới, trung gian cho các đối tượng bên Trung Quốc. Hiện nay, thành phố Nam Ninh - thủ phủ của tỉnh Quảng Tây là một trọng điểm tập trung của các lập các văn phòng, công ty “ma” kiểu này. Ngoài ra, hàng loạt các thành phố, thị trấn dọc biên giới Việt Trung cũng đều có cơ sở của các “đầu nậu” buôn người trá hình. 

Lấy ví dụ như văn phòng của một phụ nữ người Việt tên là Phan Thị Mỹ Tiên tọa lạc trên tầng 29, tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế Nam Ninh - Quảng Tây. Mỹ Tiên lấy chồng Trung Quốc, sau đó dùng chính mình làm “gương” để dụ dỗ, lôi kéo con gái Việt Nam. Hoặc là một ông chủ gốc Việt họ Chu, giám đốc một công ty môi giới hôn nhân, quản lý một trang Web có cái tên mỹ miều là “Tìm nửa ấy người Việt Nam”. Đây là 2 trong số các “công ty ma” lớn nhất trong lĩnh vực môi giới hôn nhân giữa đàn ông Trung Quốc và con gái Việt Nam.

Cả 2 công ty này đều tự giới thiệu trên các Website của mình là để thực hiện những phi vụ này, họ đều phải có những trung gian, “Tú bà” và “chân rết” hết sức trung thành tại Việt Nam hoặc ít nhất cũng là người gốc Việt Nam để dễ dàng nhập cảnh về nước “làm ăn”. Có như vậy, 2 công ty tận bên Trung Quốc này mới luôn sẵn sàng “nguồn hàng” từ tên tuổi, địa chỉ, nhân thân, thậm chí có sẵn cả bản photo một số giấy tờ bảo lãnh khác… và khẳng định, nếu cô dâu bỏ trốn ở Việt Nam sẽ miễn phí tìm kiếm, đền bù cho 1 cô vợ khác, còn nếu đã sang Trung Quốc mới bỏ trốn thì họ không chịu trách nhiệm. 

Hệ thống chân rết của chúng còn cam kết hoàn tất toàn bộ thủ tục dạm hỏi cô dâu Việt với giá chỉ 30.000 nhân dân tệ (Rmb), tương đương khoảng hơn 100 triệu đồng VN, bao gồm:

1. Bản dịch-công chứng các loại giấy tờ: Chứng nhận độc thân của cô dâu, Giấy chứng nhận của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam, Giấy chứng nhận của Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân các cấp của Việt Nam.

2. Hộ chiếu và thị thực xuất nhập cảnh của cô dâu.

3. Tổ chức hôn lễ, tiệc cưới, chụp ảnh cưới

4. Áo cưới, trang điểm, 6 quả lễ (bánh, hoa quả, rượu, trà, cau, bánh ngọt).

5. Hoa hồng cho bà mai và lễ dạm hỏi.

Ngoài các khoản phí cho công ty môi giới, đàn ông Trung Quốc còn phải tự chịu các khoản chi phí khác như: 3 loại đồ trang sức (dây chuyền, nhẫn và bông tai vàng); nạp lễ cho nhà gái; chi phí ăn ở cho cả 2 bên trong thời gian ở Việt Nam. Các chi phí này cũng có thể thỏa thuận, thông thường nó dao động trong khoảng 10.000-20.000 nhân dân tệ. Trước khi sang Việt Nam, chú rể sẽ phải trả trước một khoản 2.000-3.000 Rmb, số còn lại sẽ thanh toán ngay sau khi cô dâu đặt chân đến Trung Quốc. Sau đó các công ty môi giới sẽ hết trách nhiệm, ngay cả khi cô dâu bỏ trốn. Tổng chi phí cho một chuyến tìm vợ người Việt Nam vào khoảng 60.000-70.000 Rmb.

Các công ty này đều không có tư cách pháp nhân nên nếu bị chính quyền phát hiện đây là do môi giới mà thành, thì nó sẽ bị quy là vi phạm pháp luật. Hoặc có vấn đề gì bất trắc xảy ra trên đất Trung Quốc, chắc chắn cô dâu Việt sẽ không được bảo đảm một quyền lợi gì, bởi vì Việt Nam cấm hoạt động này nên khi sang đến đất Trung Quốc thì mới đăng ký kết hôn. Nếu phát sinh mâu thuẫn hoặc bị lừa đảo, cô dâu Việt hoàn toàn không có khả năng tự vệ nơi đất khách quê người. Điều này chúng ta đã được thấy qua lời kể của rất nhiều cô dâu Việt trốn chạy từ Trung Quốc về.

 (Còn nữa)