Vạch trần các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm sử dụng công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao (CNC) diễn biến ngày càng phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, mạng viễn thông, phương tiện điện tử với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Một số người dân do nhận thức chưa đầy đủ hoặc nhẹ dạ, cả tin đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số lượng tiền lớn...

Trước tình hình trên lực lượng Công an Hà Nội đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền phòng ngừa, kiềm chế gia tăng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cùng với tổ chức điều tra, triệt phá bắt giữ các đối tượng.

Gọi điện thoại giả danh Công an, Viện kiểm sát...

Qua nghiên cứu đặc điểm của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan Công an thấy tội phạm ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều thủ đoạn mới. Trong đó, các đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện, nhân viên sân bay... gọi điện thoại cho người bị hại nói họ đang nợ tiền cước điện thoại, nợ tiền thẻ tín dụng, có bưu phẩm, quà tặng gửi ở các bưu điện, sân bay lâu ngày không đến nhận...

Nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Công an quận Long Biên bắt giữ

Nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Công an quận Long Biên bắt giữ

Khi người bị hại thắc mắc không có những việc trên, đối tượng quay sang hướng dẫn, nối máy nói chuyện với cán bộ các Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... Sau đó, kẻ lạ mặt tiếp tục yêu cầu người bị hại gọi điện thoại đến tổng đài 1080 để kiểm tra số đối tượng cho sẵn, chứng thực có phải là số điện thoại của Cơ quan Công an không?

Để người bị hại tin tưởng đang làm việc với Cơ quan Công an, đối tượng đã sử dụng thiết bị, phần mềm gọi điện qua Internet để hiển thị số gọi đến giống với số điện thoại của Cơ quan Công an. Sau đó, đối tượng tiếp tục thông báo cho bị hại, họ có mở một tài khoản khác liên quan đến các vụ án, chuyên án buôn bán ma túy, rửa tiền... mà Cơ quan Công an đang tiến hành điều tra và đã có Lệnh bắt của Viện kiểm sát. Cùng với đó, yêu cầu người bị hại kê khai thông tin cá nhân, thông tin tài sản, tiền mặt hiện có, tiền gửi trong ngân hàng.

Cảnh báo thủ đoạn giả danh Công an, viện kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cảnh báo thủ đoạn giả danh Công an, viện kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Các đối tượng yêu cầu người bị hại luôn nghe máy điện thoại, phải tuyệt đối giữ bí mật và không được kể với ai khác việc đang làm việc với cơ quan pháp luật. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa và nói sẽ tạo điều kiện xem xét rồi yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chúng chỉ định để xác minh nguồn tiền phục vụ điều tra, khiến người bị hại lo sợ bị bắt giam, mất danh dự nên phải chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng.

Một số trường hợp các đối tượng yêu cầu người bị hại:

- Cài đặt ứng dụng có giao diện “Bộ Công an”, “Viện kiểm sát nhân dân”, theo đường link các đối tượng gửi qua tin nhắn.

- Cung cấp thông tin cá nhân, tên đăng nhập, mật khẩu internet banking. Sau khi nhập xong ứng dụng hiển thị “Lệnh bắt của Viện kiểm sát” có tên người bị hại.

- Yêu cầu người bị hại tự mở tài khoản ngân hàng mới có đăng ký dịch vụ Internet banking theo số điện thoại của các đối tượng chỉ dẫn. Đồng thời chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản mới mở đó rồi gửi mã OTP cho đối tượng hoặc hướng dẫn người bị hại tự hủy mã OTP.

Gửi quà từ nước ngoài về cho bạn gái

Ngoài ra, thông qua mạng xã hội các đối tượng tìm hiểu, làm quen với người bị hại (chủ yếu là phụ nữ độc thân, thiếu thốn tình cảm...) rồi tự nhận là doanh nhân, quân nhân, người có điều kiện kinh tế đang sinh sống ở nước ngoài. Sau một thời gian quen biết trên mạng các đối tượng thông báo gửi quà từ nước ngoài về cho người bị hại.

Các đối tượng giả mạo các đơn vị vận chuyển, tạo lập trang Web giả mạo có ghi thông tin đơn hàng đang vận chuyển để người bị hại tự kiểm tra tạo sự tin tưởng. Sau đó, chúng giả mạo nhân viên hãng vận chuyển, nhân viên hải quan yêu cầu người bị hại chuyển tiền để nộp phí nhận hàng. Đối tượng thông báo trong kiện hàng có khối lượng tài sản giá trị tiền lớn, yêu cầu bị hại chuyển tiền để làm các thủ tục chứng nhận tài sản - tiền trong bưu phẩm không vi phạm pháp luật, không tài trợ khủng bố để chiếm đoạt.

Hack tài khoản mạng xã hội để nhờ chuyển tiền, vay tiền

Đối tượng (hack) chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) nhắn tin nhờ bạn bè, người thân để vay tiền hoặc nhận tiền hộ từ nước ngoài... xin số điện thoại, số tài khoản để gửi các tin nhắn giả mạo nhận tiền chứa các đường link website giả mạo các dịch vụ nhận tiền từ nước ngoài (như MoneyGram,...) hoặc các trang web của các ngân hàng Việt Nam. Các Website giả mạo này yêu cầu người bị hại nhập các thông tin tài khoản ngân hàng (ID, mật khẩu Internet banking, tên, số thẻ...). Sau khi có được thông tin, mật khẩu các đối tượng đăng nhập và chuyển tiền từ tài khoản của các bị hại sang tài khoản của chúng.

Nhiều thủ đoạn tinh vi khác...

Ngoài ra, đối tượng gọi điện giả làm người quen lâu ngày không gặp, sau khi hỏi thăm về tình hình sức khỏe, công việc, cuộc sống sau đó thông báo cho người bị hại biết viên có người quen ở công ty xổ số cho số để đánh lô, đề chắc chắn sẽ trúng và đề nghị người bị hại chuyển tiền để đánh lô, đề rồi chiếm đoạt.

Đối tượng gọi điện thông báo cho người bị hại về việc trúng thưởng với giá trị tài sản lớn, khai thác thông tin cá nhân của người bị hại, đồng thời gửi cho người bị hại đường link để họ tự đăng nhập. Khi người bị hại đăng nhập vào đường link do đối tượng đưa ra sẽ hiển thị giao diện trang Web “hệ thông 365.com” về việc trúng thưởng; trên giao diện trang Web có thể hiện tên và số điện thoại của 2 người khác đã trúng thưởng (khi người bị hại nghi ngờ gọi điện vào các số điện thoại này để xác minh thì có người nghe máy và nói đã trúng và đã nhận thưởng). Sau đó các đối tượng sẽ liên hệ qua điện thoại với người bị hại yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng đưa ra với lý do để làm thủ tục nhận thưởng.

Thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... quảng cáo mời gọi làm việc tại nhà có mức thu nhập cao bằng hình thức truy cập vào các Website (Tailoc.888.com...) để lập tài khoản đăng nhập sau đó nạp tiền vào tài khoản của nhóm đối tượng đã cho để có thể truy cập vào các gian hàng thương mại điện tử như Shoppe, Tiki, Ladaza... Giật mã vận đơn bán hàng thanh toán trước, sau đó đợi người mua hàng thành công thì chuyển tiền về tài khoản đã đăng ký nhưng thực chất các đối tượng chỉ cho người bị hại tham gia khoảng 10 ngày bán hàng với lợi nhuận từ 3-4%/1 đơn hàng. Sau khi người bị hại tin tưởng, tiếp tục lập nhiều tài khoản để đăng nhập vào trang và nạp thêm tiền vào tài khoản của nhóm đối tượng lừa đảo thì các đối tượng khóa các trang mạng, ngắt bỏ số điện thoại khiến người bị hại không truy cập và liên lạc được, sau đó chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của người bị hại đã nạp.

Một thủ đoạn khác là các đối tượng truy cập vào các Website rao vặt phổ biến hiện nay như: Chotot.vn, Chocudan.com, 5giay.vn, Vatgia.com, Rongbay.com, Enbac.com, Muare.vn, Muaban.net... sau đó vào các kênh bán hàng tìm người có hàng hóa cần giao bán như, hàng hóa tiêu dùng, các phụ kiện như đồng hồ, điện thoại... các loại máy móc điện tử như Laptop, loa đài... liên lạc bằng số điện thoại hoặc kết bạn Zalo hỏi mua những vật dụng nêu trên; Đồng thời đề nghị các chủ tài sản cung cấp tài khoản của Ngân hàng để chuyển khoản tiền mua hàng.

Khi chủ hàng chuyển số tài khoản cho đối tượng khoảng 15 phút sau đó đối tượng sử dụng kỹ thuật Photoshop tạo hình ảnh đã chuyển khoản thành công và chụp màn hình gửi lại cho chủ hàng hóa đồng thời đề nghị chuyển hàng hóa đã mua đến các tỉnh theo yêu cầu của các đối tượng. Sau khi các đối tượng này nhận được hàng hóa đã mua thì ngắt liên lạc.

Thường các đối tượng hay thực hiện hành vi trong các ngày nghỉ thứ 7 hoặc Chủ nhật, ngày lễ, Tết các đơn vị Ngân hàng nghỉ để lấy lý do chuyển khoản đã thành công nhưng tài khoản nhận đến chậm để tạo sự tin tưởng cho người bị hại.

Lập ra những Website giả mạo các công ty du lịch, lữ hành để chào hàng trên các trang mạng giao bán các Voucher Combo du lịch, nghỉ dưỡng khuyến mại, giảm giá các khu du lịch nổi tiếng, sang trọng như của Tập đoàn Vingroup, FLC... để người bị hại liên lạc với các nhóm đối tượng giao dịch qua điện thoại, tin nhắn Zalo, Facebook... trao đổi với nhau theo thỏa thuận các gói du lịch mà người bị hại có nhu cầu. Sau khi thỏa thuận xong các đối tượng đề nghị chuyển khoản theo số tài khoản cá nhân, nếu người bị hại cẩn trọng đề nghị gặp trực tiếp để trả tiền thì các đối tượng lấy lý do đang làm tour ở xa hoặc người bị hại không đồng ý chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà chuyển tiền vào tài khoản Công ty thì các đối tượng gửi cho tài khoản của Công ty trung gian bán Voucher cho các Công ty phát triển du lịch 50% số tiền của gói du lịch, phần tiền còn lại đối tượng đề nghị bị hại chuyển về tài khoản cá nhân của đối tượng với lý do đó là ưu đãi đối tượng được thưởng. Sau khi người bị hại chuyển tiền thì không liên lạc được với đối tượng.

Ngoài ra, còn có trường hợp các đối tượng thông qua Group, nhóm kín Facebook của cư dân các khu chung cư, biệt thự, nhà liền kề..., để săn tìm những người giao bán các thẻ ưu đãi hàng trăm triệu đồng khi mua xe ô tô, sau đó lên mạng xã hội hoặc các Website giao vặt để đăng thông tin bán thẻ ưu đãi mua xe ô tô với mức giá chỉ bằng 30% so với giá trị thực tế của thẻ.

Khi có người mua, đối tượng ở giữa làm trung gian cho gặp chủ thẻ hoặc người cầm hộ chủ thẻ đi kiểm tra tại các đơn vị bán hàng, nếu xác thực đúng thẻ còn sử dụng được thì người mua thẻ sẽ chuyển khoản cho đối tượng trung gian đã giao dịch trước đó. Nhận được tiền, đối tượng lừa đảo ngắt số điện thoại liên lạc và xóa tài khoản Zalo.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối tượng

Để phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, mạng viễn thông, Công an Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trong lực lượng tăng cường các biện pháp phòng ngừa.

Theo chỉ huy CAQ Long Biên, đơn vị chủ động thực hiện có hiệu quả công tác này cho biết: "Ban chỉ huy CAQ đã chỉ đạo Công an các phường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban - ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn phối hợp với lực lượng Công an đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài phát thanh địa phương về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo thông qua các hình thức nêu trên. Đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời chia sẻ, tuyên truyền cho người thân trong gia đình và bạn bè biết để phòng tránh.

Cùng với đó, phối hợp với các Chi nhánh Ngân hàng, Phòng giao dịch, Quỹ tín dụng đóng trên địa bàn phường để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo thông qua các hình thức nêu trên đến từng khách hàng (người dân) khi làm thủ tục rút, chuyển tiền".

"Đặc biệt, các đơn vị nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, quản lý người nước ngoài (đặc biệt là người Trung Quốc, Đài Loan và các địa bàn như các chung cư cao tầng, khách sạn ...) nhằm phát hiện những đối tượng nghi vấn" - Chỉ huy CAQ Long Biên chia sẻ.