Vạch mặt những chiêu trò “lập lờ đánh lận con đen” để chống phá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thực tế hiển nhiên tại nước ta cho thấy hoàn toàn không có những ai gọi là “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, “đấu tranh cho tự do ngôn luận”… bị bắt giữ, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, vẫn có những đối tượng, tổ chức cố tình tung tin thất thiệt, tin giả, xuyên tạc, bóp méo sự thật hòng giở chiêu trò “lập lời đánh lận con đen” hòng toan tính vừa “kêu oan” cho những kẻ vi phạm pháp luật, vừa lợi dụng để chống phá ngành tư pháp, chống phá Đảng và chế độ ta.
Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình tuyên phạt mỗi bị cáo 8 năm tù

Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình tuyên phạt mỗi bị cáo 8 năm tù

“Đổi trắng thay đen”, biến kẻ vi phạm pháp luật thành “người hùng”

Trên mạng xã hội thời gian qua thấy từ các trang Facebook, YouTube cá nhân cho tới các trang Fanpage của các tổ chức thiếu thiện chí, chống đối, phản động rộ lên những thông tin tung hô, cổ súy cho các đối tượng vi phạm pháp luật đang bị bắt tạm giam chờ ngày ra tòa xét xử hay những đối tượng đã bị kết án trong phiên tòa sơ thẩm. Trong những đối tượng này, thấy nổi lên mấy cái tên “quen thuộc” lâu nay như Phạm Thị Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư…

Cũng chẳng phải ngẫu nhiên các thế lực thù địch, phản động, chống đối, bất mãn, cơ hội chính trị lại đồng loạt cùng đồng thanh tán tụng các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật đã bị bắt giữ hoặc đã bị đưa ra xét xử. Họ đồng loạt dấy lên những thông tin như vậy trong bối cảnh các đối tượng vi phạm pháp luật như như Phạm Thị Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư… sắp bị đưa ra xét xử sơ thẩm hay phúc thẩm.

Tòa án nhân dân TP Hà Nội mới đây ra thông báo cho biết, cơ quan này quyết định ngày 4-11 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (sinh năm 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đối tượng Phạm Thị Đoan Trang đã bị Cơ quan an ninh điều tra CATP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can và chủ trì phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP.HCM bắt tạm giam hồi tháng 10-2020 về cùng tội danh này.

Trong khi đó, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cũng lên kế hoạch đưa ra xét xử phiên phúc thẩm về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước” đối với Cấn Thị Thêu (sinh năm 1962) và Trịnh Bá Tư (sinh năm 1989, là con trai của Cấn Thị Thêu, cùng trú tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình). Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình trong phiên tòa hồi tháng 5-2021 tuyên phạt mỗi bị cáo 8 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Thế nên, có thể thấy rõ là việc các thế lực phản động, chống phá đồng loạt tung hô, cổ súy cho Phạm Thị Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư… là những chiêu trò “lập lờ đánh lận con đen”, thậm chí trắng trợn “đổi trắng thay đen” nhằm biến những kẻ vi phạm pháp luật thành những “người hùng” của cái gọi là “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, “đấu tranh cho tự do ngôn luận”, “đấu tranh cho dân oan”… Từ các tổ chức khủng bố như Việt Tân cho tới các trang thiếu thiện chí với Việt Nam như RFA, VOA… đến các phần tử chống đối, bất mãn, cơ hội chính trị như một “dàn đồng ca” đồng loạt chia sẻ lên mạng xã hội như Facebook, YouTube những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt hòng “chạy tội” cho các đối tượng sắp phải ra tòa về các hành vi vi phạm pháp luật.

Không chỉ nhằm “tẩy trắng” tội lỗi hay “kêu oan” cho những kẻ vi phạm pháp luật, chúng còn đồng thời nhắm tới mục đích xâu xa hơn, thâm hiểm hơn là bôi nhọ ngành tư pháp nước ta, chống phá Đảng và Nhà nước ta...

Tỉnh táo, cảnh giác để góp phần làm thất bại các âm mưu chống phá

Chẳng ai còn lạ gì mưu đồ xuyên suốt chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta của các thế lực thù địch, phản động cùng những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị. Trong đó, chúng luôn lợi dụng những cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” “đấu tranh cho tự do ngôn luận, báo chí”… nhằm xuyên tạc, vu cáo tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam; gây hoài nghi, phân tâm, hoang mang, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Để xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, các thế lực phản động, thù địch, chống phá luôn tìm cách cổ súy các đối tượng vi phạm pháp luật, bất mãn, cơ hội chính trị. Đặc biệt, chúng tán tụng những đối tượng này với những danh xưng mỹ miều như “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, “người đấu tranh cho tự do ngôn luận, báo chí”...

Thực tế sống động tại nước ta khẳng định, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” hay “những người bị bắt, truy tố và xét xử do đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền; tự do ngôn luận” mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng điều tra, bắt giữ, truy tố, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. “Tù nhân lương tâm” hay “nhà hoạt động, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” mà các thế lực thù địch, phản động nêu ra về bản chất là sự đánh tráo khái niệm nhằm cổ súy cho những kẻ đột lốt “dân chủ, nhân quyền” vi phạm pháp luật bị xét xử, kết án và phải chấp hành hình phạt tù.

Những bằng chứng pháp lý mà các cơ quan tố tụng đưa ra để khởi tố, bắt tạm giam bị can Phạm Thị Đoan Trang hay truy tố, kết án Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư cho thấy rõ những đối tượng này đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: Sử dụng mạng xã hội để soạn thảo, tán phát các thông tin, tài liệu chống phá Nhà nước; lợi dụng danh nghĩa “đấu tranh dân chủ, nhân quyền”, chống tiêu cực, từ thiện, môi trường… tuyên truyền chống phá chính quyền; trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài với nội dung xuyên tạc tình hình Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền... Vì thế, việc các đối tượng này bị xử lý là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Có thể khẳng định các đối tượng như Phạm Thị Đoan Trang hay truy tố, kết án Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư… hoàn toàn không có cái gọi là “những nhà hoạt động, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận” hay “tù nhân lương tâm” mà chính là những đối tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định. Do vậy, mỗi người cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo, cảnh giác trước các chiêu trò “lập lờ đánh lận con đen” thâm hiểm để góp phần đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chống phá đất nước ta của các thế lực thù địch, phản động nhằm bảo vệ sự ổn định chính trị, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.