“Vaccine ý thức công dân” trong phòng chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cùng với những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đúng đắn, quyết liệt, mạnh mẽ của Nhà nước cũng rất cần sự chung sức đồng lòng và ủng hộ của người dân, trong đó ý thức, trách nhiệm cao của mỗi công dân là “vaccine đặc biệt”, góp phần rất quan trọng để đi tới thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” hiện nay.
Mỗi người dân tự giác tuân thủ nghiêm các quy định về giãn cách chính là sự đóng góp thiết thực và hiệu quả vào cuộc chiến chống dịch Covid-19

Mỗi người dân tự giác tuân thủ nghiêm các quy định về giãn cách chính là sự đóng góp thiết thực và hiệu quả vào cuộc chiến chống dịch Covid-19

Gây hệ lụy khôn lường cho công tác phòng chống dịch

Công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trong đợt dịch thứ tư này vốn đã rất khó khăn, phức tạp lại thêm khó khăn bởi những thông tin thiếu kiểm chứng, thông tin không chính xác, thậm chí là thông tin sai, thông tin bịa đặt với dụng ý xấu… . Những thông tin giả (Fake News) này gây ra những nhiễu loạn, phân tâm giữa lúc mà cả đất nước, trong có có Thủ đô Hà Nội, đang rất cần tập trung mọi nguồn lực, sức mạnh cả vật chất và tinh thần với quyết tâm cao độ khống chế, đẩy lùi đợt dịch thứ tư hiện nay trong thời gian sớm nhất có thể.

Mới đây nhất, ngày 2-8, tài khoản mang tên Lệ Trần đã đăng tải trên mạng xã hội Facebook với nội dung: “12h đêm nay Hà Nội sẽ có chỉ thị mới về việc giãn cách. Người dân sẽ chỉ được ra ngoài 7 ngày/lần chứ không được đi chợ cách ngày như bây giờ. Việc đi lại của những người có giấy phép đi làm cũng sẽ siết chặt hơn. Các bác xem chiều nay đi mua trữ thêm đồ ăn nếu gần hết nhé”…

Ngay khi thông tin trên vừa xuất hiện và lan truyền trên mạng xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã lập tức vào cuộc xác minh, đồng thời kịp thời khẳng định đây là tin giả, sai sự thật, và đề nghị người dân cần cẩn trọng. Không để cho tin giả này gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng ngay lập tức đề nghị Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố tin giả trên trang thông tin điện tử http://tingia.gov.vn, khuyến cáo người dân không chia sẻ tin giả trên, tránh gây hoang mang trong dư luận.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những tin giả hết sức nguy hại trong đợt dịch thứ tư đang diễn biến phức tạp, trước đó cũng đã xuất hiện những thông tin sai sự thật, có thể gây ra những hệ lụy khôn lường nếu các cơ quan chức năng không sớm bác bỏ, đồng thời cảnh báo người dân. Trung tuần tháng 7 vừa qua, có những người dân TP Hà Nội do thiếu thông tin cũng đã xôn xao trước việc thành phố tăng cường thêm các biện pháp phòng, chống dịch đã có xu hướng đi mua tích trữ lương thực, thực phẩm.

Nghiêm trọng nhất là những thông tin sai sự thật, đồn thổi về việc “thành phố bị phong tỏa” lúc đợt dịch thứ tư mới bùng phát hồi đầu tháng 5-2021 khiến đích thân Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ thành phố, phải trực tiếp lên tiếng khẳng định “không có chuyện phong tỏa thành phố vào thời điểm hiện nay”…

Tăng cường “vaccine ý thức công dân”

Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, các tin giả liên quan dịch Covid-19 đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất thời gian gần đây. Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội; nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Thực tế cho thấy, những đối tượng tung tin giả, tin thất thiệt, tin xuyên tạc, bịa đặt… để bị phát hiện và xử lý nghiêm minh tùy theo mức độ vi phạm, từ xử phạt hành chính cho tới xử lý hình sự. Hiện nay, về cơ bản, các quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội đã được quy định rất rõ trong các văn bản pháp luật liên quan.

Trong đó, theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP, hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội gây kích động dư luận, gây hoang mang tinh thần người dân, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội; thậm chí đã dẫn tới nhiều vụ việc gây thiệt hại về vật chất, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người khác từ những tin đồn không được kiểm chứng có thể bị phạt từ 10 đến 100 triệu đồng. Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi người tung tin thất thiệt lên các trang mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” được quy định tại điều 288 Bộ Luật Hình sự 2015, có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tù.

Cho dù các cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên mạng xã hội như tung tin giả, tin thất thiệt… song tình trạng này vẫn có dấu hiệu gia tăng. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do vẫn có không ít người vì hiếu kỳ, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết… đã vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội bằng những động tác tưởng như đơn giản như like, share (chia sẻ)… Chính vì thế, trong lúc dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp như hiện nay càng cần mỗi người dân chúng ta có kiến thức, ý thức và trách nhiệm để không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Thứ vaccine đặc biệt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 - “Vaccine ý thức công dân” cũng cần được thể hiện bằng sự sẻ chia, ủng hộ những biện pháp chống dịch của Chính phủ cũng như các địa phương. Những biện pháp chống dịch này dù đúng đắn, quyết liệt và mạnh mẽ đến đâu cũng có thể giảm thiểu hiệu quả nếu người dân không đồng lòng chung sức, ủng hộ bằng chính những hành động của mình, đặc biệt là tuân thủ các yêu cầu về giãn cách xã hội, tuân thủ quy định 5K…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp tại nhiều tỉnh và thành phố, trong đó có thành phố Hà Nội, khi liên tiếp ghi nhận các ca mắc Covid-19 cho dù đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cho thấy ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm cao của người dân là nhân tố rất quan trọng để chúng ta có thể kiểm soát và đẩy lùi đợt dịch thứ tư hiện nay. Không đưa tin thiếu kiểm chứng, tin thất thiệt hay có hành vi tiếp tay cho tin giả, đồng thời tự giác tuân thủ nghiêm các quy định về giãn cách xã hội chính là cách mỗi công dân trang bị cho mình thứ vaccine đặc biệt và rất hiệu quả để góp phần thiết thực cùng đất nước giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” đầy cam go hiện nay.